Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai: Kiềm chế hiệu quả tai nạn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 14-3, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên địa bàn tỉnh trong 2 tháng đầu năm và triển khai các nhiệm vụ quý II-2019. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng chủ trì hội nghị. Tham gia hội nghị còn có các thành viên Ban ATGT tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và 17 huyện, thị xã, thành phố.
Tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 tiêu chí
Thông tin tại hội nghị, ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông-Vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh-cho biết: Từ ngày 16-12-2018 đến 15-2-2019, toàn tỉnh xảy ra 52 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 34 người, bị thương 45 người. So với cùng kỳ năm 2018, TNGT giảm 21 vụ, giảm 16 người chết và 28 người bị thương. Lũy kế đến ngày 8-3, toàn tỉnh xảy ra 75 vụ TNGT, làm chết 54 người, bị thương 68 người (giảm 27 vụ, giảm 15 người chết và giảm 35 người bị thương so với cùng kỳ năm 2018). Toàn tỉnh có 10 địa phương giảm số người chết do TNGT gồm: Mang Yang, Ayun Pa, Đức Cơ, Chư Pah, Chư Prông, Đak Pơ, Krông Pa, Chư Sê, Đak Đoa và TP. Pleiku.
Trong số 52 vụ TNGT xảy ra trong 2 tháng đầu năm có 21 vụ ít nghiêm trọng, 29 vụ nghiêm trọng, 2 vụ rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; có 26 vụ xảy ra trên các tuyến quốc lộ, 15 vụ trên đường nội thị, 7 vụ trên các tuyến đường giao thông nông thôn, 4 vụ thuộc tỉnh lộ. Nguyên nhân gây tai nạn chủ yếu do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông như: lấn đường, đi sai làn đường, phần đường; không chú ý quan sát; vi phạm tốc độ… Phương tiện gây tai nạn chủ yếu là xe mô tô (chiếm trên 70% số vụ đã làm rõ), ô tô (chiếm 27%). Đáng chú ý là số vụ TNGT liên quan đến người dân tộc thiểu số bước đầu đã được kéo giảm. Cụ thể, trong 2 tháng, trên địa bàn tỉnh xảy ra 18 vụ TNGT liên quan đến người dân tộc thiểu số (giảm 6 vụ so với cùng kỳ năm ngoái), làm chết 8 người (giảm 11 người) và làm bị thương 18 người (giảm 3 người).
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: L.H
Tiếp tục nỗ lực kéo giảm TNGT
Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã tập trung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác đảm bảo ATGT, kiềm chế TNGT; đồng thời kiến nghị một số vấn đề cần giải quyết trong công tác này.
Ông Nguyễn Hùng Vỹ-Chủ tịch UBND thị xã An Khê-cho rằng: “Trong 2 tháng đầu năm, thị xã An Khê đã kéo giảm số vụ TNGT nhưng lại gia tăng số người chết. Tất cả số vụ TNGT của thị xã đều xảy ra trên tuyến quốc lộ 19. Do đó, đề nghị tỉnh quan tâm đẩy nhanh tiến độ thi công đường tuyến tránh quốc lộ 19 qua thị xã An Khê để giảm lượng phương tiện lưu thông vào nội thị, hạn chế TNGT”. Tương tự, ông Krung Dam Đoàn-Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Yang cũng kiến nghị tỉnh hỗ trợ lắp đặt hệ thống cân tải trọng để lực lượng chức năng địa phương thuận lợi hơn trong công tác xử lý xe quá tải. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ kinh phí cho lực lượng tham gia tổ tự quản đảm bảo ATGT các địa phương để phát huy tối đa hiệu quả mô hình này tại cơ sở.
Thời gian qua, tại các điểm giao cắt với đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến tránh đô thị Pleiku đã xảy ra một số vụ TNGT nghiêm trọng, một phần nguyên nhân được cho là do đường chưa hoàn thiện hệ thống biển báo, kẻ chỉ đường. Tại hội nghị, các đại biểu cũng đưa ra bàn luận, trao đổi về vấn đề này nhằm tìm giải pháp xử lý. Đại tá Dương Văn Tuấn-Trưởng Công an huyện Chư Pah-nêu thực tế: Tại nút giao cắt giữa đường Hồ Chí Minh tuyến tránh đô thị Pleiku với tỉnh lộ 661 vừa qua đã xảy ra 1 vụ TNGT làm chết người. Hiện nay, tuyến đường này vẫn chưa được lắp đặt hoàn thiện hệ thống biển báo, đèn tín hiệu, vạch kẻ đường, đèn chiếu sáng, đặc biệt là tại các điểm đấu nối, giao cắt. Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. “Sắp tới, địa phương sẽ bố trí kinh phí đầu tư lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng tại 3 điểm giao cắt giữa đường Hồ Chí Minh tuyến tránh đô thị Pleiku với quốc lộ 14, điểm giao cắt tại thôn 6 (xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Pah) và điểm giao cắt với tỉnh lộ 661”-ông Tuấn thông tin. Trước ý kiến này, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông-Vận tải hoan nghênh sự chủ động vào cuộc của huyện Chư Pah, đồng thời đề nghị địa phương nhanh chóng triển khai thực hiện để hạn chế TNGT đáng tiếc.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng yêu cầu các sở, đơn vị liên quan nhanh chóng vào cuộc để xử lý dứt điểm các vấn đề phát sinh do việc thi công đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến tránh đô thị Pleiku, đặc biệt là nhanh chóng hoàn thiện hệ thống biển báo, vạch kẻ đường. “Từ sự việc này, tôi yêu cầu trong thời gian tới, các địa phương phải lắp đèn chiếu sáng tại tất cả các điểm đấu nối, giao cắt với tuyến quốc lộ. Mục đích là để giảm thiểu nguy cơ xảy ra TNGT, đảm bảo an ninh trật tự”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh. Ngoài ra, về vấn đề xử lý xe độ chế, xe thay đổi đặc tính kỹ thuật, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương phải học tập mô hình xử lý xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật do huyện Kbang triển khai.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương phải nỗ lực nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đảm bảo trật tự ATGT, trọng tâm là phát huy hiệu quả phong trào thi đua “Gia Lai chung tay vì ATGT” được hiện thực hóa thành các phong trào thi đua như: “Doanh nghiệp vận tải an toàn-Lái xe an toàn”, “Vì ATGT học đường”… Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền về vùng sâu, vùng xa để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành Luật Giao thông Đường bộ cho người dân. Siết chặt quản lý việc đăng kiểm, đào tạo và sát hạch lái xe; tăng cường quản lý hoạt động vận tải xe khách. Đặc biệt, công tác tuần tra kiểm soát phải được thực hiện thường xuyên, không bỏ trống thời gian, không bỏ sót khu vực để hạn chế tình trạng vi phạm là nguyên nhân dẫn đến TNGT. “Mục tiêu của chúng ta trong năm nay là kéo giảm 5-10% TNGT ở cả 3 tiêu chí. Vì vậy, cả hệ thống chính trị phải nỗ lực cùng vào cuộc để hoàn thành mục tiêu này”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
 LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm