Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong 9 tháng qua, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Gia Lai có nhiều chuyển biến tích cực. Tai nạn giao thông (TNGT) giảm cả 3 chỉ số: số vụ TNGT, số người chết và người bị thương. Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh thực hiện thành công mục tiêu kéo giảm 5-10% cả 3 chỉ số TNGT đã đề ra từ đầu năm.

Tai nạn giao thông giảm cả 3 chỉ số

Theo thống kê của Ban An toàn Giao thông (ATGT) tỉnh, trong 9 tháng qua, toàn tỉnh xảy ra 224 vụ TNGT, làm chết 158 người, bị thương 205 người. So với cùng kỳ năm 2019, TNGT giảm 25 vụ (giảm 10,04%), giảm 12 người chết (giảm 7,06%), giảm 35 người bị thương (giảm 14,58%).

Công an huyện Phú Thiện tặng mũ bảo hiểm và khẩu trang y tế cho người dân. Ảnh: Lê Hòa


Ông Phan Hữu Hiếu-Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh-cho rằng: Đó là nhờ sự thay đổi trong nhận thức và ý thức chấp hành quy định “Đã uống rượu, bia không lái xe” của người tham gia giao thông. Mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi tình hình dịch Covid-19 nhưng lực lượng thuộc Công an tỉnh, Thanh tra Sở Giao thông-Vận tải đã mở nhiều đợt cao điểm thanh-kiểm tra nhằm đảm bảo trật tự ATGT, kéo giảm TNGT. Nội dung thanh tra, kiểm tra tập trung thực hiện chủ đề Năm ATGT 2020 như: kiểm tra nồng độ cồn, tổng kiểm soát phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, cao điểm xử lý “xe dù”, “bến cóc”…

Nhờ đó, tình hình TNGT đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực: TNGT đặc biệt nghiêm trọng giảm (số người chết trong các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng giảm 30,77%), TNGT liên quan đến xe khách giảm sâu (giảm 76,92% số người chết), TNGT liên quan đến xe máy kéo nhỏ cũng giảm sâu (giảm 62,5% số người chết).

Đặc biệt, qua 9 tháng triển khai Luật Phòng-chống tác hại của rượu bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, lực lượng chức năng đã xử lý 2.448 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Thượng tá Lương Thị Thu Quỳnh-Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) cho biết: “Thực hiện chủ đề Năm ATGT 2020 “Đã uống rượu bia, không lái xe” và Luật Phòng-chống tác hại rượu bia, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, huy động tối đa lực lượng và trang-thiết bị kỹ thuật, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Công an các địa phương và các lực lượng cảnh sát khác tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Qua đó, bước đầu đã góp phần thực hiện được mục tiêu kiềm chế và kéo giảm 5-10% số vụ TNGT như kế hoạch đã đề ra; ý thức chấp hành Luật Giao thông Đường bộ của một bộ phận nhân dân được nâng lên rõ rệt”.

Chung tay vì an toàn giao thông

Theo Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, mặc dù TNGT có giảm nhưng còn diễn biến phức tạp: số người chết vì TNGT còn ở mức cao; TNGT liên quan đến mô tô, xe gắn máy chiếm tỷ lệ cao (chiếm 94,64%); TNGT liên quan đến người dân tộc thiểu số còn diễn biến phức tạp (chiếm 47,77% số vụ, số người chết tăng 5,41%), TNGT ở khu vực nông thôn gia tăng...  

Cán bộ Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) tuyên truyền về tham gia giao thông an toàn cho học sinh tại xã Ayun (huyện Mang Yang). Ảnh: Lê Hòa

Trong 9 tháng năm 2020, lực lượng Cảnh sát Giao thông, Cảnh sát Trật tự toàn tỉnh đã lập biên bản 79.106 trường hợp vi phạm (tăng 1,77%); ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 70.957 trường hợp (giảm 3,02%) với số tiền trên 35 tỷ đồng (tăng 21,77%). Đồng thời, tạm giữ 248 ô tô, 13.750 mô tô, 56 phương tiện khác, tước 2.418 giấy phép lái xe, thu giữ 37.505 giấy tờ liên quan khác.
 

Đề cập các giải pháp triển khai nhằm đảm bảo trật tự ATGT trong những tháng cuối năm, Thượng tá Lương Thị Thu Quỳnh cho biết: Đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu giúp Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục duy trì công tác tuần tra lưu động; ưu tiên công tác tuần tra, xử lý vi phạm trên các địa bàn, tuyến đường, vị trí nguy hiểm trên đường bộ tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Đặc biệt, lực lượng CSGT sẽ tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT như: vi phạm quy định về nồng độ cồn, tốc độ, người đi mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, tụ tập đua xe trái phép, sử dụng phương tiện không bảo đảm điều kiện an toàn kỹ thuật…

“Thông qua các buổi họp dân, chào cờ, lễ khai giảng… cơ quan Công an sẽ bố trí lực lượng tham gia kết hợp tuyên truyền lồng ghép, phổ biến Luật Giao thông Đường bộ đến người dân, học sinh. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền qua mạng xã hội Facebook cũng được các đơn vị chú trọng nhằm tiếp cận được nhiều người, nhiều nhóm đối tượng khác nhau, đặc biệt là nhóm người trẻ tuổi, những người thường chiếm tỷ lệ cao trong các vụ vi phạm Luật Giao thông Đường bộ cũng như liên quan đến các vụ TNGT hiện nay”-Thượng tá Lương Thị Thu Quỳnh chia sẻ thêm.

LÊ HÒA
 

Có thể bạn quan tâm