Gia Lai: Kiểm soát nguy cơ rủi ro về an toàn vệ sinh lao động

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Tháng Hành động an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm nay diễn ra từ ngày 1 đến 31-5 với chủ đề “Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ và sự tham gia của các an toàn, vệ sinh viên”. Theo đó, các đơn vị, doanh nghiệp ở Gia Lai tăng cường hỗ trợ người lao động để vừa sản xuất an toàn vừa đảm bảo phòng-chống dịch Covid-19.

Ngăn ngừa rủi ro

Bà Rcom Sa Duyên-Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho hay: Trong Tháng Hành động ATVSLĐ 2021, Hội đồng ATVSLĐ tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng doanh nghiệp xanh-sạch-đẹp, đảm bảo ATVSLĐ.

Theo ông Nguyễn Văn Nam-Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế tỉnh, thời gian qua, Công đoàn Khu Kinh tế tỉnh đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện nghiêm công tác bảo hộ lao động và huấn luyện ATVSLĐ. Nhờ đó, ý thức chấp hành quy định về ATVSLĐ của doanh nghiệp và người lao động được nâng lên.

“Bên cạnh việc tuân thủ kỷ luật lao động, công tác huấn luyện ATVSLĐ, thực hiện các chế độ về bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân để phòng bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động được các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc”-ông Nam thông tin thêm.

 Công nhân làm việc tại Nhà máy đá granite Quốc Duy. Ảnh: Đinh Yến
Công nhân làm việc tại Nhà máy đá granite Quốc Duy. Ảnh: Đinh Yến


Nhà máy đá granite Quốc Duy (Công ty TNHH Quốc Duy Gia Lai) hiện có 4 dây truyền sản xuất đá granite, hệ thống nâng, cẩu và nhiều loại xe chở hàng hóa. Hàng năm, để sản xuất an toàn, doanh nghiệp luôn coi trọng công tác kiểm định các loại máy móc, thiết bị, phương tiện.

Ông Trương Quốc Cường-Giám đốc Công ty-cho biết: “Sản xuất đá granite là công việc nặng nhọc đòi hỏi an toàn luôn đặt lên hàng đầu. Trong mỗi ca sản xuất, doanh nghiệp bố trí đội ngũ an toàn viên, vệ sinh viên giám sát chặt chẽ nhằm giảm thiểu rủi ro. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, doanh nghiệp vừa sản xuất vừa đảm bảo công tác phòng ngừa dịch bệnh. Tại nơi làm việc, chúng tôi phun thuốc khử khuẩn; công nhân được trang bị khẩu trang, nước sát khuẩn”.

Còn khó khăn, bất cập

Toàn tỉnh hiện có hơn 6.500 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 80%. Trên thực tế, công tác đảm bảo ATVSLĐ ở loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn, bất cập. Lý do là khả năng đầu tư về công nghệ, thiết bị hạn chế dẫn đến công tác bảo hộ lao động chưa được chú trọng đúng mức. Không ít doanh nghiệp khi xảy ra rủi ro mới tìm cách xử lý mà ít chú trọng phòng ngừa ngay từ đầu.

Thông tin từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 1 vụ tai nạn lao động, làm 1 người chết. Nguyên nhân là do chủ doanh nghiệp và người lao động chưa tuân thủ các quy định về an toàn lao động. Theo cơ quan quản lý chuyên ngành, doanh nghiệp để xảy ra tai nạn lao động thường không xây dựng quy trình, biện pháp an toàn khi làm việc; không huấn luyện hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động; không có thiết bị bảo đảm an toàn.

“Vì vậy, sau Tháng Hành động ATVSLĐ 2021, Hội đồng ATVSLĐ tỉnh tiếp tục tăng cường tuyên truyền để nâng cao hơn nữa ý thức của người lao động, chủ sử dụng lao động, phòng ngừa nguy cơ tai nạn trong sản xuất. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường thanh-kiểm tra, hướng dẫn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chính sách pháp luật về ATVSLĐ; tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm ATVSLĐ”-bà Rcom Sa Duyên nhấn mạnh.

 

 ĐINH YẾN
 

Có thể bạn quan tâm