Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai long trọng tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 25-7, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), tỉnh Gia Lai long trọng tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017).
 

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành trao bằng khen vinh danh cho 70 người có công tiêu biểu. Ảnh: Đ.Y

Tham dự kỷ niệm có các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hồ Văn Niên- Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Võ Ngọc Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Châu Ngọc Tuấn- Phó Bí thư Tỉnh ủy; Hồ Văn Điềm- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các bậc lão thành cách mạng, các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy viên; lãnh đạo các sở, ban ngành, địa phương, doang nghiệp trong tỉnh,  thân nhân gia đình liệt sĩ và 70 người có công tiêu biểu đại diện cho trên 16.000 đối tượng người có công trên địa bàn tỉnh.

Mở đầu buổi kỷ niệm, các đại biểu được xem phóng sự về kết quả công tác chăm lo các gia đình người có công trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua và thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc “Uống nước nhớ nguồn” do các diễn viên đến từ Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh, Binh Đoàn 15, Đoàn nghệ thuật Đam San biểu diễn.

 

Mẹ Việt Nam Anh hùng tham dự kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ. Ảnh: Đ.Y

Tại buổi kỷ niệm, báo cáo kết quả thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công trong 5 năm (2012-2017) bà Trần Thị Hoài Thanh- Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, nhấn mạnh: Trải qua các cuộc đấu tranh, Gia Lai có 16.023 người có công và thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Những năm qua, tỉnh ta đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách của Nhà nước. Tính riêng từ năm 2012 đến nay toàn tỉnh đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được trên 19 tỷ đồng, cùng với sự nhiệt tình đóng góp của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, tỉnh ta đã trao tặng 371 sổ tiết kiệm tình nghĩa cho các gia đình người có công còn khó khăn, trị giá gần 3,4 tỷ đồng; xây mới 1.836 nhà tình nghĩa tặng cho người có công còn khó khăn về nhà ở. 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các đơn vị phụng dưỡng, chăm sóc đến suốt đời; 98% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-2017), toàn tỉnh đã vận động xã hội hóa hỗ trợ xây mới, sửa chữa 1.248 nhà ở cho gia đình người có công còn khó khăn về nhà ở, với tổng kinh phí trên 70 tỷ đồng. Trao tặng 70 sổ tiết kiệm (15 triệu đồng/sổ) cho 70 người có công còn khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Tuy vậy, hiện nay tỉnh ta vẫn còn một số gia đình người có công còn  khó khăn trong cuộc sống; việc chăm sóc sức khỏe, giải quyết việc làm có nơi vẫn chưa thực hiện; vẫn còn người có công và thân nhân liệt sĩ chưa được hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước. Nhiều liệt sỹ chưa tìm được hài cốt, danh tính...

Phát biểu tại buổi kỷ niệm, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành, chỉ đạo: “Thời gian tới, đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền cần thấu suốt quan điểm của Đảng về chính sách ưu đãi người có công là một chính sách lớn của Đảng, Nhà nước ta, phải thường xuyên tập trung chỉ đạo thực hiện tốt Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, đảm bảo các đối tượng chính sách được hưởng đúng, đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách của Nhà nước. Khẩn trương rà soát các đối tượng trong các thời kỳ kháng chiến lập hồ sơ xét duyệt những trường hợp đủ điều kiện được hưởng chế độ. Đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đi vào chiều sâu, hiệu quả và thiết thực. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tìm kiếm, quy tập hào cốt liệt sĩ, xác đinh danh tính liệt sĩ. Huy động mọi nguồn lực, thường xuyên tu bổ, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ tạo điều kiện tốt nhất để thân nhân các gia đình liệt sĩ đến thăm viếng được chu đáo. Cùng với đó, cần làm tốt hơn nữa công tác giáo dục truyền thống yêu nước và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ”.

Vinh dự là người đại diện cho các thương, bệnh binh, gia đình người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh, phát biểu tại buổi lễ, thương binh Phạm Đình Vĩnh (tổ dân phố 11, phường Hội Phú, TP.Pleiku) xúc động: Chúng tôi may mắn được sống đến ngày hôm nay là nhờ biết bao đồng đội hy sinh, che chở, vì thế, chúng tôi nguyện giữ phẩm chẩm “Bộ đội Cụ Hồ”, sống vui, sống có ích cho đời, biết hy sinh quyền lợi riêng tư để bảo vệ thành quả cách mạng”.

 

Thừa ủy quyền Chủ tịch nước, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành trao danh hiệu và huy hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho 12 mẹ. Ảnh: Đ.Y

Tại buổi kỷ niệm trang trọng này, thừa ủy quyền Chủ tịch nước, tỉnh Gia Lai trao tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho 12 Mẹ; UBND tỉnh vinh danh, trao tặng bằng khen cho 70 người có công tiêu biểu và 27 tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm