Gia Lai: Mô hình giáo dục nghề nghiệp và thường xuyên đối diện với nhiều khó khăn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp để thu hút học viên nhưng một số Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) trên địa bàn tỉnh Gia Lai lâm vào cảnh khó khăn, phải hoạt động cầm chừng, đối diện với nguy cơ giải thể.
Khó khăn đủ bề
Tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ia Grai, hàng loạt máy may phục vụ công tác dạy cắt may cho học viên được phủ một lớp vải xanh đã đóng bụi. Năm 2020, Trung tâm được UBND huyện Ia Grai phê duyệt dự toán đào tạo nghề cho lao động nông thôn với kinh phí gần 500 triệu đồng. Trung tâm đã đào tạo 7 lớp nghề cho lao động nông thôn với 202 học viên, đạt 70% kế hoạch. Tuy nhiên, do nhu cầu học viên chủ yếu muốn đào tạo nghề ở lĩnh vực nông nghiệp nên các ngành nghề như may mặc không còn phù hợp. Vì vậy, những chiếc máy may ấy vẫn chưa một lần được sử dụng.
Ông Hoàng Đôn Quốc-Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ia Grai-cho biết: “Trung tâm vừa thiếu kinh phí hoạt động, vừa thiếu giáo viên cơ hữu. Hiện tại, chúng tôi có 10 cán bộ, nhân viên biên chế và hợp đồng, trong đó chỉ có 1 giáo viên dạy chính nên việc dạy học khá khó khăn. Trung tâm mong muốn tỉnh sớm có quyết định phân bổ vốn dạy nghề tập trung phù hợp với nhu cầu người học như: dạy tiếng Jrai, mở rộng liên kết đào tạo đại học từ xa, đào tạo nghề, bồi dưỡng tin học cơ bản...”.
Hàng loạt máy may tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ia Grai “trùm mền” vì không có học viên. Ảnh: Ngọc Thu
Hàng loạt máy may tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Ia Grai “trùm mền” vì không có học viên. Ảnh: Ngọc Thu
Tương tự, năm học 2020-2021, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Phú Thiện đã ngưng tuyển sinh để tiến hành quy trình giải thể theo chủ trương của UBND huyện. Ông Nguyễn Văn Hưng-Giám đốc Trung tâm-cho biết: “Trên thực tế, mỗi năm, Trung tâm thu hút khoảng 750-1.000 học viên theo học các lớp tập huấn chuyển môn, chuyên đề, bổ túc văn hóa (3 lớp), chứng chỉ ngoại ngữ, tiếng Jrai... Dù vậy, chúng tôi gặp khó trong công tác duy trì sĩ số cũng như tuyển sinh các lớp bồi dưỡng, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, liên kết đào tạo đại học từ xa. Đồng thời, cơ sở vật chất thiết bị còn thiếu, chưa đồng bộ dẫn đến chất lượng dạy và học chưa cao. Dù đang thực hiện lộ trình giải thể theo chủ trương nhưng Trung tâm vẫn tiếp tục hoàn thành đào tạo các lớp đã tuyển sinh từ những năm học trước”.
Ảnh 1 Trung tâm GDNN-GDTX huyện Phú Thiện đang tiến hành quy trình giải thể theo chủ trương của UBND huyện Phú Thiện
Trung tâm GDNN-GDTX huyện Phú Thiện đang tiến hành quy trình giải thể theo chủ trương của UBND huyện Phú Thiện. Ảnh: Ngọc Thu
Toàn tỉnh hiện có 12 Trung tâm GDNN-GDTX và Trung tâm GDTX tỉnh. Trong 2 năm gần đây, do nhiều nguyên nhân khác nhau, một số Trung tâm GDNN-GDTX đứng trước nguy cơ giải thể. Từ 15 cơ sở giáo dục có chức năng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông hệ GDTX năm 2018, đến nay chỉ còn 13 đơn vị, trong đó, 2 đơn vị đang trong quá trình thực hiện các bước giải thể theo quy định tại Điều 40 Nghị định số 46/2017/NĐ-CP.
Ông Phạm Văn Căn-Trưởng phòng GDTX-Giáo dục chuyên nghiệp (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết: “Hiện nay, đội ngũ giáo viên trong hệ thống các cơ sở giáo dục có chức năng dạy học chương trình giáo dục phổ thông hệ GDTX đang thiếu nhiều. Trong khi đó, việc đào tạo, bồi dưỡng năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học dành cho đối tượng này còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, việc dạy học tại các Trung tâm GDNN-GDTX nhỏ về quy mô, ít về số lượng, các đơn vị cũng như các cấp quản lý chưa thật sự có những giải pháp căn cơ để củng cố, phát triển loại hình GDTX, nguồn kinh phí hoạt động hạn hẹp… Vì vậy, nhiều Trung tâm GDNN-GDTX đã giải thể và đang đứng trước nguy cơ giải thể”.
Đổi mới để phù hợp thực tiễn
Trung tâm GDNN-GDTX huyện Kbang là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác đào tạo nghề phổ thông cho lao động nông thôn sát với tình hình thực tế và nhu cầu người học. Qua đó, Trung tâm đã tạo điều kiện cho người lao động, đặc biệt là người dân tộc thiểu số có việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Trong 5 năm (2015-2020), huyện Kbang đã tổ chức 60 lớp học về các ngành nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp với gần 1.600 học viên. Học viên sau khi được đào tạo nghề đã nắm bắt được những kiến thức cơ bản về quy trình sản xuất nông nghiệp, giảm chi phí sửa chữa. Một số ngành nghề phi nông nghiệp như: nghề nề, sửa chữa máy cày công suất nhỏ đã giúp học viên biết vận dụng kiến thức để tự sửa chữa, xây dựng trong gia đình.
Đặc biệt, các nhóm thợ đã tự xây dựng được hàng rào, cổng, công trình phụ và sửa chữa các lỗi nhỏ trong máy cắt cỏ, máy bơm... Ngoài ra, họ còn tham gia đội thợ xây dựng các công trình cho các chương trình mục tiêu quốc gia tại làng, xã với thu nhập bình quân 3-5 triệu đồng/người/tháng.
Anh Đinh Văn Boi (làng Mơ Hven Ôr, xã Kông Lơng Khơng) chia sẻ: “Trước đây, hoàn cảnh gia đình mình khó khăn lắm. Năm 2017, mình theo học lớp dạy nghề nề tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện. Sau khi học xong, mình nhận được nhiều công trình nhỏ, giúp xã sửa chữa nhà tạm trong làng. Mỗi năm, mình nhận được 4 công trình xây dựng nhà cấp 4 với thu nhập trên 70 triệu đồng”.
Ảnh 5 Các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên cần đào tạo nghề gắn với sản xuất kinh doanh và đào tạo nghề ở nông thôn
Các Trung tâm GDNN-GDTX cần đào tạo nghề gắn với sản xuất kinh doanh và đào tạo nghề ở nông thôn. Ảnh: Ngọc Thu
Là đơn vị giáo dục hoạt động khá hiệu quả, thu hút đông đảo học viên từ các địa phương trong tỉnh, Trung tâm GDTX tỉnh cũng đã đổi mới phương thức hoạt động. Ông Võ Văn Tiên-Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm GDTX tỉnh-cho hay: “Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, giáo viên, học viên về ý nghĩa “học tập suốt đời”, vai trò của GDTX trong việc nâng cao dân trí, nâng cao nhận thức của mọi người cùng nhau xây dựng xã hội học tập. Đồng thời, Trung tâm trang bị các phương tiện làm việc đáp ứng nhu cầu giảng dạy của giáo viên, lắp đặt hệ thống đường truyền, camera và tổ chức các lớp học kỹ năng mềm, hoạt động ngoài giờ, chuyên đề về an toàn giao thông, phòng-chống tệ nạn xã hội; tổ chức các cuộc thi theo chủ điểm của tháng… Từ đó, học viên có hứng thú học tập và tiếp thu thêm nhiều kiến thức xã hội”.
Theo TS. Nguyễn Văn Long-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: “Sự tồn tại hay giải thể Trung tâm GDNN-GDTX phụ thuộc vào sự năng động, sáng tạo của chính cán bộ quản lý và giáo viên. Thủ trưởng các đơn vị cần tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương để được đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất, trang-thiết bị, đồ dùng dạy học, kể cả trang-thiết bị, đồ dùng dạy nghề, từng bước khắc phục tình trạng “dạy chay-học chay”. Mặt khác, cần đẩy mạnh triển khai mô hình dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề, đào tạo nghề gắn với sản xuất kinh doanh và đào tạo nghề ở nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác dạy học”.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng, các trung tâm cần tranh thủ sự chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội; tích cực, chủ động, nghiên cứu, tham mưu UBND huyện hỗ trợ, hậu thuẫn cho hoạt động dạy nghề, trong đó chú trọng dạy nghề thủ công, đào tạo nghề gắn với nghề truyền thống, đào tạo nghề gắn với sản xuất, kinh doanh và đào tạo nghề ở nông thôn.
NGỌC THU

Có thể bạn quan tâm