Gia Lai: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi đua khen thưởng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 10-11, UBND tỉnh Gia Lai có Công văn số 1761/UBND-NC về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định của Luật Thi đua-Khen thưởng; Quyết định số 655/QĐ-UBND ngày 1-10-2021 của UBND tỉnh về Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Thi đua-Khen thưởng tỉnh và các văn bản pháp luật có liên quan.

 Khối thi đua các cơ quan Đảng tỉnh Gia Lai tổng kết công tác thi đua-khen thưởng năm 2020. Ảnh: Phương Linh
Khối thi đua các cơ quan Đảng tỉnh Gia Lai tổng kết công tác thi đua-khen thưởng năm 2020. Ảnh: Phương Linh


Đối với công tác khen thưởng trong phong trào thi đua theo đợt/chuyên đề phải lưu ý các nội dung: Khi tiến hành sơ kết, tổng kết thi đua thì việc quyết định hình thức khen thưởng là cấp phát động thi đua; chỉ đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng khi tổng kết các phong trào thi đua có xây dựng tiêu chí thi đua cụ thể và đã đăng ký thi đua với Hội đồng Thi đua-Khen thưởng tỉnh. Khi xét khen thưởng phải tập trung xét khen tập thể nhỏ và cá nhân trực tiếp thực hiện. Đối với cán bộ lãnh đạo tham gia trong Ban chỉ đạo hoặc Ban tổ chức thì hạn chế tối đa việc xét khen thưởng (thành tích đạt được tính chung vào nhiệm vụ để xét khen thưởng cuối năm). Việc xét khen thưởng, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh khen thưởng đối với việc triển khai thực hiện Luật, Pháp lệnh, Nghị định phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Việc khen thưởng theo thẩm quyền và đề nghị cấp trên khen thưởng phải đúng thời gian, thủ tục, quy trình, quy định của pháp luật.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải đề cao trách nhiệm trong việc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng, phải chịu trách nhiệm về thành tích của các tập thể, cá nhân đề nghị khen thưởng thuộc thẩm quyền quản lý của cơ 2 quan, đơn vị, địa phương; tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng. Theo đó, việc triển khai phát động các phong trào thi đua phải có nội dung cụ thể gắn với thực tiễn và nhiệm vụ chính trị được giao; xây dựng các tiêu chí xét thi đua, khen thưởng cụ thể đối với từng phong trào thi đua… Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua gắn với lao động, sản xuất, học tập, công tác phù hợp với yêu cầu thực tế của ngành, địa phương; phong trào thi đua phải có sức lan tỏa và nêu gương, tránh phát động phong trào thi đua mang tính hình thức, lãng phí, tốn kém; đẩy mạnh công tác tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh.

Việc khen thưởng phải đảm bảo tính tiêu biểu, xuất sắc, đúng đối tượng, đủ tiêu chuẩn; thành tích, công lao đóng góp lớn, có mức độ phạm vi ảnh hưởng rộng; tuyệt đối tránh tình trạng khen thưởng tràn lan, không đúng người, đúng việc, thành tích không tiêu biểu xuất sắc. Tập thể, cá nhân đề nghị khen thưởng phải lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, đơn vị liên quan để nắm bắt thông tin, dư luận trước khi tổng hợp, đề nghị khen thưởng… Đối với các phong trào thi đua do bộ, ngành Trung ương phát động, khi đề nghị UBND tỉnh hiệp y (hoặc khen thưởng) phải có văn bản hướng dẫn xét khen thưởng cụ thể của các bộ, ngành Trung ương.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải tổ chức thực hiện nghiêm các quy định thủ tục hành chính được Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định công bố trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Nội vụ, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh; đồng thời thực hiện đầy đủ quy trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên hệ thống một cửa điện tử liên thông theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23-4-2018 của Chính phủ.

 

KIỀU PHAN
 

Có thể bạn quan tâm