Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai: Ngày ấy, bây giờ...kỳ cuối: Vì mục tiêu dân giàu, tỉnh mạnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất (1975) đến nay, cách mạng nước ta chuyển sang giai đoạn hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hậu quả chiến tranh để lại vô cùng nặng nề, bom đạn, thương tật, người mất tích, chất độc hóa học, cùng với nạn đói, đau, lạt, rách, mù chữ và hoạt động phá hoại của bọn phản động và FULRO. Chuyển từ chiến tranh sang hòa bình, cán bộ ta vừa thiếu vừa bỡ ngỡ, 10 năm đầu trong chế độ tập trung quan liêu bao cấp nên hạn chế đến việc huy động các nguồn lực để phát triển. Những nội dung chính tập trung thực hiện trong thời kỳ này là:

Xây dựng hệ thống tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị xã hội, nhất là vùng mới giải phóng. Tiếp nhận hàng ngàn cán bộ từ miền Bắc vào, từ đồng bằng lên, từ bộ đội chuyển ngành sang, để hoàn thiện hệ thống tổ chức. Giải quyết nhiều chế độ chính sách cho nhân dân, cán bộ, công nhân viên. Đổi mới phương thức và tác phong làm việc phù hợp với thời kỳ sau chiến tranh.
 

  Thành phố Pleiku hôm nay.
Thành phố Pleiku hôm nay.

Khôi phục phát triển kinh tế, phát động phong trào khai hoang phục hóa, xây dựng cánh đồng, làm thủy lợi, định canh định cư cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Phát triển kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, tiếp nhận dân kinh tế mới từ miền Bắc vào, từ đồng bằng lên để phát triển kinh tế.

Đi đôi với phát triển kinh tế, chúng ta tập trung chăm lo đời sống nhân dân, phát triển văn hóa xã hội, giải quyết nạn đói, đau, lạt, mù chữ. Cải tiến các tập tục lạc hậu trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Mở rộng hệ thống thông tin báo chí, phát thanh và truyền hình đến cơ sở.

Xây dựng, củng cố quốc phòng và an ninh, tập trung giải quyết hoạt động phá hoại của bọn FULRO, chống bọn Pôn Pốt đánh chiếm biên giới, cải tạo giáo dục ngụy quân, ngụy quyền sau chiến tranh. Xây dựng và mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng mối quan hệ quốc tế với các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia.

Thành quả đạt được trong thời kỳ này là rất lớn. Chúng ta vượt qua được những khó khăn chồng chất sau chiến tranh, tạo ra thế và lực cho thời kỳ đổi mới. Tuy vậy vẫn còn nhiều hạn chế bởi chế độ tập trung bao cấp của thời kỳ chiến tranh.

Từ năm 1986 trở đi, chúng ta triển khai thực hiện đường lối đổi mới đất nước. Đổi mới toàn diện, trước tiên là đổi mới tư duy và phương thức lãnh đạo quản lý. 30 năm đổi mới (1986-2016) là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp cách mạng nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Chính phủ và nhân dân ta vì mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Qua 30 năm đổi mới đất nước, ta đạt được những thành tựu to lớn, ý nghĩa lịch sử, trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Qua thực hiện đường lối đổi mới, Gia Lai đã có bước phát triển to lớn, toàn diện làm thay đổi bộ mặt đô thị và nông thôn.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông-lâm-công nghiệp sang công nghiệp-dịch vụ và nông nghiệp; từ sản xuất độc canh-du canh sang sản xuất đa canh và định canh định cư. Đổi mới giống cây trồng vật nuôi. Áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo sản phẩm hàng hóa cho tiêu dùng và xuất khẩu. Tăng thu nhập cho nhân dân.

Phát triển văn hóa xã hội, các xã thôn đều có điện-đường-trường-trạm, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều huyện, xã đã đạt chuẩn tiểu học và THCS. Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 17%, thu nhập bình quân 35 triệu đồng/người/năm, đạt mức thu trung bình của cả nước.

Toàn tỉnh có 34 dân tộc, tinh thần bình đẳng dân tộc được phát huy, dân chủ ngày càng mở rộng, khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội đã đóng góp thiết thực và hiệu quả vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quốc phòng-an ninh được giữ vững, luật pháp được tôn trọng, tình hình an ninh, chính trị, trật tự xã hội ổn định. Vùng biên giới được giữ vững, ngày càng có quan hệ tốt với các tỉnh Đông Bắc Campuchia và Nam Lào.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và cả hệ thống chính trị được đẩy mạnh theo hướng trong sạch, vững mạnh, đi sát cơ sở, gắn bó với nhân dân. Chú trọng việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số. Chú trọng đổi mới phương thức hoạt động, phong cách làm việc, lấy hiệu  quả làm thước đo.

Những thành tựu trên tạo tiền đề nền tảng quan trọng để Gia Lai tiếp tục đổi mới và phát triển. Gia Lai đã vận dụng đường lối đổi mới của Đảng một cách đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn địa phương.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, theo tôi, Gia Lai còn một số mặt hạn chế và khuyết điểm đó là:

Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, phát triển chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng có mặt còn thấp. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa nhiều, tính cạnh tranh chưa cao. Kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là vùng sâu, vùng xa; thu hút đầu tư còn hạn chế. Khả năng cân đối ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn, còn trong diện là một tỉnh nghèo, đời sống còn nhiều khó khăn, diện hộ nghèo còn cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Quốc phòng-an ninh tuy căn bản được giữ vững, nhưng còn tiềm ẩn những yếu tố mất ổn định, trong đó có tàn dư của bọn FULRO, tà đạo “Hà Mòn”, “Tin lành Đê-ga” và tội phạm hình sự. Cùng với đó là những vấn đề phát sinh trong xã hội chưa được giải quyết kịp thời, làm ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết dân tộc.

Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức Đảng, hiệu lực điều hành của chính quyền chưa theo kịp tình hình, năng lực trình độ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Việc kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên kịp thời, xử lý sai phạm chưa đúng mức, làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân.

Gia Lai ngày ấy... bây giờ... là quá trình thay đổi mang tính lịch sử. Là người con của mảnh đất Gia Lai anh hùng, chúng ta tự hào vì điều đó. Tuy nhiên, chặng đường trước mắt còn rất gian nan, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân phải nỗ lực cố gắng nhiều hơn để góp phần xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu mạnh.

 Ngô Thành
Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy

Có thể bạn quan tâm