Gia Lai: Nhiều đơn vị bứt phá ngoạn mục về chỉ số cải cách hành chính năm 2020

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2020 của các sở, ngành, địa phương ở Gia Lai đều được xếp hạng khá và tốt, trong đó đặc biệt ghi nhận sự nỗ lực, bứt phá ngoạn mục của một số đơn vị.

Không có đơn vị trung bình và yếu

Theo Quyết định số 158/QĐ-UBND của UBND tỉnh phê duyệt và công bố Chỉ số CCHC năm 2020 thì không có đơn vị nào xếp hạng trung bình và yếu. Trong đó, xếp hạng tốt (Chỉ số CCHC đạt từ 85% trở lên) có 11 sở, xếp hạng khá (Chỉ số CCHC đạt từ 70% đến dưới 85%) có 9 sở và 17 huyện, thị xã, thành phố.

Xếp thứ nhất trong nhóm các sở, ban, ngành là Sở Thông tin và Truyền thông với 95,53 điểm; thứ 2 là Sở Tài chính với 90,88 điểm; thứ 3 là Sở Khoa học và Công nghệ với 89,8 điểm. Hai đơn vị xếp cuối là Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh với 76,86 điểm và Sở Giáo dục và Đào tạo với 72,42 điểm.

Còn đối với nhóm các huyện, thị xã, thành phố, xếp thứ nhất là UBND TP. Pleiku với 81,31 điểm; thứ 2 là UBND huyện Đak Pơ với 81,14 điểm; thứ 3 là UBND huyện Ia Grai với 80,48 điểm. Năm nay, 2 địa phương “đội sổ” là UBND huyện Chư Prông xếp thứ 16 với 75,22 điểm và xếp cuối cùng là UBND huyện Krông Pa với 70,79 điểm.

Người dân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Đức Thụy
Hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Đức Thụy

Theo đánh giá, Chỉ số CCHC giai đoạn 2016-2020 đạt giá trị trung bình chung 81,48% và năm 2020 cao hơn 2,22% so với năm 2019. Giá trị trung bình các sở đạt 84,91% (cao hơn năm 2019 là 2,65%) và có 11 sở có Chỉ số CCHC cao hơn giá trị này. Giá trị trung bình các huyện đạt 78,05% (cao hơn năm 2019 là 1,78%), trong đó 10 huyện có Chỉ số cao hơn giá trị này.

Năm 2020, khoảng cách kết quả Chỉ số trên bảng xếp hạng cấp sở giữa đơn vị thấp nhất và cao nhất đã được rút ngắn 3,86% so với năm 2019 (từ 26,97% xuống còn 23,11%). Trong khi đó, khoảng cách kết quả Chỉ số trên bảng xếp hạng cấp huyện giữa đơn vị thấp nhất và cao nhất có xu hướng tăng nhẹ 1,8% (từ 8,72% lên 10,52%).

Theo ông Võ Quốc Hùng-Phó Giám đốc Sở Nội vụ: “Công tác CCHC năm 2020 được UBND tỉnh quan tâm và tập trung chỉ đạo đồng bộ, nghiêm túc. Trên cơ sở đó, các sở, ngành và huyện, thị xã, thành phố đã tập trung triển khai, quan tâm khắc phục các tồn tại, hạn chế trong thời gian trước đó. Công tác thông tin, tuyên truyền cũng đã được quan tâm đúng mức; hoạt động kiểm tra CCHC đã có tác động tích cực đến các đơn vị, địa phương”.

Biến động lớn về vị trí xếp hạng

Trong năm 2020, một số đơn vị có sự biến động lớn về vị trí xếp hạng Chỉ số CCHC. Nếu năm 2019, Sở Thông tin và Truyền thông ở vị thứ 6 thì trong năm 2020 tăng 5 bậc, xếp vị trí thứ nhất. Sở Nông nghiệp và PTNT biến động “thăng hạng” nhiều nhất với 13 bậc (từ vị trí thứ 18 lên vị trí thứ 5). Văn phòng UBND tỉnh là đơn vị biến động “tụt hạng” lớn nhất với 11 bậc (từ vị trí thứ 4 xuống vị trí thứ 14).

Tương tự, có 11 huyện tăng từ 1 đến 13 bậc; 5 huyện giảm từ 5 xuống 13 bậc; 1 huyện giữ nguyên vị trí xếp hạng. Trong đó, xếp vị trí thứ nhất là UBND TP. Pleiku; địa phương có xếp hạng tăng nhiều nhất là UBND huyện Ia Grai với 13 bậc (từ vị trí thứ 16 lên vị trí thứ 3) và UBND huyện Chư Pưh với 10 bậc (từ vị trí thứ 14 lên vị trí thứ 4). Địa phương có xếp hạng biến động giảm nhiều nhất là UBND thị xã Ayun Pa với 13 bậc và UBND huyện Kông Chro 10 bậc.

Biên độ tăng-giảm giá trị trung bình trên từng lĩnh vực trong năm 2020 so với năm 2019 tiếp tục có sự biến động lớn ở cấp huyện. Cụ thể: 4 lĩnh vực có giá trị trung bình tăng và 3 lĩnh vực có giá trị trung bình giảm. Trong đó, lĩnh vực “Cải cách tài chính công” tăng cao nhất đạt 14,88%; lĩnh vực “Cải cách tổ chức bộ máy hành chính” giảm sâu nhất là 32,9%.

Ở cấp sở, hầu hết các lĩnh vực đều có giá trị trung bình tăng, trong đó, lĩnh vực “Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC” tăng nhiều nhất đạt 15,19% và chỉ có 1 lĩnh  vực “Cải cách tổ chức bộ máy hành chính” có giá trị trung bình giảm 2,17%. Có 4 lĩnh vực giá trị trung bình đều tăng ở cả cấp sở và cấp huyện là: “Công tác chỉ đạo điều hành CCHC”; “Cải cách thủ tục hành chính”; “Cải cách tài chính công”; “Hiện đại hóa hành chính”. Có 1 lĩnh vực giá trị trung bình đều giảm ở cả cấp sở và cấp huyện là “Cải cách tổ chức bộ máy hành chính”.

Người dân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Đức Thụy
Người dân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Đức Thụy

Theo đánh giá của ông Võ Quốc Hùng: Sự biến động lớn về vị trí xếp hạng có nguyên nhân chủ quan khi một số sở, ngành, địa phương chưa bám sát các yêu cầu của các tiêu chí, tiêu chí thành phần, còn lơ là trong thực hiện chế độ báo cáo và cung cấp tài liệu kiểm chứng theo quy định. Việc áp dụng, thực hiện các giải pháp ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý hành chính nhà nước chưa đáp ứng các yêu cầu trong tình hình mới dẫn đến hệ quả tài liệu kiểm chứng không đủ, không đảm bảo yêu cầu đề ra.

Bứt phá ngoạn mục

Chia sẻ kinh nghiệm về CCHC, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho hay: “Thời gian qua, Sở đã tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong CCHC và đã phát huy được tối đa hiệu quả. Công tác tuyên truyền CCHC tiếp tục được đẩy mạnh với các hình thức đa dạng, lồng ghép tuyên truyền thông qua các buổi hội ý hàng tuần, giao ban hàng tháng; cập nhật, công bố công khai bộ thủ tục hành chính tại cơ quan, đăng tải tại mục Thủ tục hành chính trên trang tin điện tử của Sở. Điều thuận lợi nhất là công tác này được triển khai thường xuyên, hiệu quả với sự đồng thuận, quyết tâm cao của tập thể cán bộ, công chức, viên chức”.  

Trong khi đó, ông Lê Ngọc Quý-Chủ tịch UBND huyện Ia Grai-cho hay: “Tính đến nay, 100% cơ quan, đơn vị cấp huyện và 13 xã, thị trấn đều sử dụng phần mềm quản lý văn bản điều hành; tỷ lệ cán bộ, công chức sử dụng thư điện tử để trao đổi công việc đạt 100%; lãnh đạo UBND huyện, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị sử dụng hệ thống quản lý văn bản điều hành và giải quyết công việc đạt tỷ lệ 100%.

Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn chủ động cập nhật các quyết định, văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính đã được ban hành để tổ chức niêm yết công khai kịp thời theo quy định cho người dân được biết thông qua các hình thức như đăng tải lên các cổng thông tin điện tử của huyện, xã, niêm yết tại bộ phận một cửa. Hiện tại, Cổng thông tin điện tử huyện đã đăng tải 318 dịch vụ công trực tuyến mức độ 1, 2”.

Năm 2020 ghi nhận những nỗ lực bền bỉ của TP. Pleiku trong công tác CCHC. Nếu năm 2018, UBND TP. Pleiku đạt vị trí thứ 7, năm 2019 tăng lên vị trí thứ 4 thì năm 2020 vươn lên thứ nhất.

Ông Nguyễn Hữu Quế-Chủ tịch UBND TP. Pleiku-chia sẻ: “Thời gian tới, công tác cải cách thủ tục hành chính vẫn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Thành phố đặt mục tiêu sẽ xây dựng thành đô thị thông minh, điều này đồng nghĩa với việc phải thực hiện tốt thủ tục hành chính cấp độ 3, 4, mà trước mắt là đẩy mạnh và sử dụng có hiệu quả phần mềm tương tác ORIM-X với người dân; tiếp tục tạo sự hài lòng của người dân trong giải quyết các thủ tục hành chính. Cùng với đó, chúng tôi tiếp tục rà soát những thủ tục còn có khả năng rút ngắn thời gian giải quyết để tạo sự hài lòng tối đa cho người dân”.

HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm