Gia Lai: Nhiều khó khăn trong phòng-chống bệnh phong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Được công nhận loại trừ bệnh phong theo 4 tiêu chuẩn Việt Nam từ năm 2015 nhưng đến nay, trên địa bàn tỉnh, số lượng bệnh nhân phong mới phát hiện vẫn còn. Điều này cho thấy bệnh phong vẫn tiềm ẩn trong cộng đồng và đặt ra nhiều thách thức đối với những người làm công tác phòng-chống căn bệnh này.

Sau nhiều năm triển khai công tác phòng-chống bệnh phong, ngành Y tế đã giúp thay đổi quan niệm về bệnh phong trong mỗi người dân. Người dân có kiến thức cơ bản về bệnh phong, tất cả bệnh nhân đều được điều trị kịp thời, đúng phác đồ, được cung cấp vật tư, thuốc để chăm sóc và phục hồi chức năng. Người bệnh sống hòa nhập cộng đồng, không bị phân biệt đối xử, được chính quyền và các đoàn thể hỗ trợ… Toàn tỉnh đang quản lý 625 bệnh nhân phong, trong đó có gần 550 bệnh nhân bị tàn tật phải chăm sóc suốt đời.

 

Bệnh nhân phong hiện sống hòa nhập cộng đồng, không bị phân biệt đối xử. Ảnh: N.N
Bệnh nhân phong hiện sống hòa nhập cộng đồng, không bị phân biệt đối xử. Ảnh: N.N

Ông Bùi Ngọc Dũng-Trưởng khoa Da liễu (Trung tâm Phòng-chống Bệnh xã hội tỉnh) thông tin: Hiện nay, tỷ lệ lưu hành bệnh phong trên địa bàn tỉnh giảm từ 0,45/10.000 dân (năm 2005) xuống còn 0,057/10.000 dân (năm 2017). Tỷ lệ phát hiện giảm từ 6,7/100.000 dân (năm 2005) xuống còn 0,57/100.000 dân (năm 2017). Tỷ lệ tàn tật độ 2 ở bệnh nhân phong mới trong 3 năm (2015-2017) luôn nhỏ hơn 15%. Trong năm qua, toàn tỉnh phát hiện 8 bệnh nhân phong mới, trong đó phát hiện thụ động (bệnh nhân tự tìm đến cơ sở khám-chữa bệnh hoặc được giới thiệu) 6 bệnh nhân. Riêng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã phát hiện thêm 5 bệnh nhân phong mới, cho thấy bệnh nhân phong tiềm ẩn vẫn còn nhiều.

Ông Nguyễn Văn Đồng-Giám đốc Trung tâm Phòng-chống Bệnh xã hội tỉnh, cho biết: “Khó khăn trong công tác phòng-chống phong sau loại trừ bệnh phong là sự thiếu quan tâm của cấp chính quyền cơ sở do nhiều người nghĩ rằng loại trừ là đã hết. Trên thực tế, loại trừ chỉ là bước đầu chứ vẫn chưa thanh toán được bệnh phong”. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí bị cắt giảm đã ảnh hưởng đến việc tuyên truyền, triển khai các hoạt động, chương trình phòng-chống phong. Đa số bệnh nhân phong tập trung ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn nên đã ảnh hưởng nhiều đến công tác khám, phát hiện cũng như quản lý bệnh nhân.

Ngoài ra, tình hình dịch tễ bệnh phong ở một số huyện, xã trọng điểm chưa ổn định, bền vững. Cán bộ y tế tuyến xã, phường thường có sự thay đổi, lực lượng mỏng, chủ yếu kiêm nhiệm và phần lớn chưa được đào tạo chuyên khoa da liễu nên việc triển khai các hoạt động của chương trình gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, người bệnh sống rải rác, cán bộ huyện và tỉnh không đủ điều kiện để đến giám sát thường xuyên.

Vì vậy, Giám đốc Trung tâm Phòng-chống Bệnh xã hội tỉnh cho rằng: Thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục thực hiện mục tiêu duy trì các tiêu chí cơ bản loại trừ bệnh phong; tăng cường công tác phòng-chống tàn tật, phục hồi chức năng, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng. Công tác khám phát hiện cần được duy trì thường xuyên bằng nhiều hình thức nhằm phát hiện sớm để bệnh nhân phong mới không bị tàn tật, hạn chế tối đa nguồn lây trong cộng đồng. Mục tiêu cụ thể là 100% bệnh nhân phong được đa hóa trị liệu tại nhà miễn phí; 100% bệnh nhân phong tàn tật được giáo dục y tế về chăm sóc tàn tật và phục hồi chức năng. Ngoài ra, cần tăng cường công tác truyền thông về phòng-chống phong thường xuyên.

Cũng theo ông Đồng, Trung tâm Phòng-chống Bệnh xã hội tỉnh đang phối hợp triển khai dự án “Phục hồi lồng ghép cho người khuyết tật do phong và trong điều kiện cho phép bao gồm cả người khuyết tật do các nguyên nhân khác” giai đoạn 2018-2020 do Hiệp hội Cứu trợ Bệnh phong Hà Lan tài trợ tại 2 huyện Đak Đoa và Phú Thiện. Dự án này hỗ trợ bệnh nhân phong, người khuyết tật tiếp cận tốt hơn các dịch vụ chăm sóc y tế, ngoài ra còn hỗ trợ phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và giúp người bệnh tự tin hòa nhập cộng đồng.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm