(GLO)- Dưới tiết trời trong xanh nắng ấm của ngày Tết cuối cùng, khắp nơi trên địa bàn tỉnh, người người, nhà nhà đều tranh thủ tận hưởng, vui chơi. Tục cúng đưa ông bà-một nét văn hóa truyền thống của người Việt-cũng được người dân gìn giữ và thực hiện trong ngày mùng 3 Tết.
Rộn ràng họp chợ
Rộn ràng họp chợ mùng 3 Tết tại các khu chợ quê ở thị xã An Khê. Ảnh: Hồng Thi |
Tại thị xã An Khê, ngay từ sáng sớm, các khu chợ lớn, nhỏ trên địa bàn cũng nhộn nhịp cảnh bán-mua. Những bó rau xanh, củ tốt, thịt, cá tươi… được tiểu thương bày biện bắt mắt. Người mua nhanh tay chọn lựa những thứ cần thiết cho gia đình.
Chuyện trả giá, kỳ kèo như thường ngày hầu như không thấy xuất hiện ở phiên chợ Tết. Bà Nguyễn Thị Lan (phường An Bình) vui vẻ chia sẻ: “Cứ theo phong tục xưa giờ, sáng nay, tôi cũng đi chợ sớm để chọn mua những thức tươi ngon nhất về nấu mâm cơm cúng đưa ông bà sau 3 ngày về ăn Tết với con cháu. Giá cả năm nay có tăng nhưng không đáng kể”.
Đền tưởng niệm Liệt sỹ Ka Nak là nơi người dân gửi ước vọng đầu năm. Ảnh: Nguyễn Giang |
Tương tự, tại huyện Kbang, khu chợ của huyện cũng đã được mở cửa bán buôn bình thường để phục vụ nhu cầu của người dân. Những năm trước, chợ họp trong những ngày Tết thường được bày hẳn ra đường gây trở ngại cho giao thông. Năm nay, chợ được bán trong khuôn viên của chợ như ngày thường nên không gây ra sự nhếch nhác, mất mỹ quan.
Dù mới mùng 3 Tết nhưng người dân đi chợ rất đông vì nhu cầu về thực phẩm tươi sống khá lớn. Vài năm trở lại đây, người dân đã bỏ thói quen dự trữ thức ăn trong 3 ngày Tết nên chợ mở sớm để phục vụ cho nhu cầu ăn uống thường ngày.
Các mặt hàng trái cây, rau xanh, thịt cá… cũng được bày bán khá phong phú tại chợ huyện Đức Cơ. Bởi đã đông đúc người bán nên giá cả các mặt hàng vì thế quay về mức ổn định hơn so với ngày mùng 2. Giá rau xanh hiện chỉ tương đương mức giá ngày thường. Hoa Tết phục vụ thờ cúng được nhiều tiểu thương lấy về bán, mức giá không cao đột biến. Giá lay ơn khoảng 20-25 ngàn đồng/chục, bông cúc Đà Lạt 30-35 ngàn/chục, cúc vườn Gia Lai khoảng 13-15 ngàn đồng/bó…
Mua đồ chơi cho con. Ảnh: Hồng Thi |
Cũng giống ngày mùng 1 và mùng 2 Tết, thời tiết tại các địa phương trong ngày mùng 3 rất đẹp nên người dân vẫn tiếp tục những hoạt động du xuân. Tuy vậy, thay vì vui chơi ngoài huyện thì ngày hôm nay, những điểm vui chơi tại địa bàn được nhiều người ưu tiên lựa chọn.
Công viên Đồng Xanh, Biển Hồ, Công viên Diên Hồng, Nhà thiếu nhi tỉnh và các quán nhậu, cà phê ở TP. Pleiku… đã thu hút hàng ngàn lượt người đến tham quan, tụ họp.
Theo số liệu thống kê của Công viên Đồng Xanh, nếu mùng 1 Tết, nơi đây chỉ thu hút khoảng 3.200 lượt khách ghé thăm thì mùng 2 và mùng 3 Tết, con số đó đã tăng lên gần 20.000 lượt/ngày.
Khu vui chơi giải trí Happy Kids (đường Võ Thị Sáu) mở cửa tất cả các ngày để phục vụ các bé. Bố mẹ cùng ngồi giải trí mà vẫn quan sát được con mình vui chơi. Các quán sá cũng là nơi tập trung lý tưởng của đông đảo các “thượng đế” trẻ trong ngày mùng 3 Tết.
Khu vực vui chơi tại Nhà sách-siêu thị Đông Gia Lai CTC đông nghịt khách ngày mùng 3 Tết. Ảnh: Hồng Thi |
Còn tại thị xã An Khê, một trong số đó là Nhà sách-Siêu thị Đông Gia Lai CTC. Đến 16 giờ, khu vực vui chơi tại đây vẫn đông nghịt khách. Theo chị Nguyễn Thị Hồng Vân-nhân viên bán vé khu vực vui chơi của siêu thị, đến thời điểm hiện tại, tổng doanh thu từ việc bán vé trò chơi khoảng 9 triệu đồng. “Chúng tôi bắt đầu mở cửa phục vụ cho các em nhỏ chơi Tết từ sáng mùng 2. Khách vào không ngớt và khá thích thú với các trò chơi ở đây”-chị Vân cho biết thêm.
Khu vui chơi cho các em thiếu nhi trong Công viên Đức Cơ trở nên đông đúc, nhộn nhịp vào mùng 3 Tết. Giá vé tăng từ 8.000 đồng lên 10.000 đồng/lượt chơi.
Ngày mùng 3 Tết cũng là thời điểm thích hợp để các nhóm bạn tụ tập vui chơi. Những bạn học cũ tổ chức họp lớp, gặp gỡ nhau sau một năm bạn bè mỗi người làm ăn một nơi. Đây luôn là hoạt động góp phần làm cho không khí ở đây thêm rộn ràng. Anh Huỳnh Anh Quốc (thôn Hòa Tín, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) cùng nhóm bạn của mình đã làm chuyến đi phượt lên Đak Lak để du xuân. Ngay từ sáng sớm, các thành viên đã tất bật chuẩn bị cho chuyến đi dài với đầy đủ hành trang. “Sau hai ngày dành thời gian cho gia đình, chúng tôi quyết định đi Buôn Đôn chơi. Vừa để thăm thú, vừa để tụ họp bạn bè”-anh Quốc hào hứng nói.
Còn anh Nguyễn Công Vinh (xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ) thì tâm sự: “Cả năm làm lụng, có mấy ngày Tết nghỉ ngơi nên vợ chồng tôi cùng anh em bạn bè tổ chức lên Pleiku để vui chơi. Mùng 3 Tết tôi cho các cháu lên Công viên Đồng Xanh và Công viên Diên Hồng cho các cháu vui chơi biết đó biết đây”.
Siêu thị Đông Gia Lai mở cửa phục vụ khách từ mùng 2 Tết. Ảnh: Hồng Thi |
Bên cạnh đó, ngày cuối cùng trong chuỗi 3 ngày Tết cũng là thời gian để những người “không có Tết” cố gắng mưu sinh, kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Gắn bó với nghề bán cá viên chiên dạo được gần 7 năm, bà Phan Thị Lin (phường Tây Sơn, TP Pleiku) bộc bạch: “Niềm vui của tôi trong dịp Tết là bán được nhiều gấp đôi so với ngày thường, trung bình từ 200.000 đồng đến 250.000 đồng. Với khoản thu nhập ấy, gia đình tôi có thể xoay xở được rất nhiều việc”.
Cũng như nhiều hộ kinh doanh buôn bán, nhiều nhà nông đã bắt tay vào công việc đồng áng sau 2 ngày nghỉ ngơi đón Tết. “Nghỉ Tết điều trong vườn chín nhiều quá, tôi tranh thủ đi nhặt chứ nhìn điều rơi rụng la liệt trên đất thấy ngồi không yên”-bà Nguyễn Thị Thơm (thôn Chư Bồ, xã Ia Kla, huyện Đức Cơ) cho hay.
Ngày Tết cuối cùng trôi qua trong không khí vui tươi, an toàn cũng khép lại chuỗi ngày vui xuân đón Tết. Sau một vài ngày nữa, mọi người lại trở về với guồng quay công việc, với những bận rộn mới, mang theo ước nguyện về một năm an khang, may mắn, phước lành…
Nhóm P/V