Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai-Những ngày tháng Tám

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày này, từ thành thị đến nông thôn như được khoác “tấm áo mới” với cờ hoa, băng rôn rực rỡ sắc màu chào mừng Quốc khánh 2-9. Không khí cũng trở nên thanh sạch, trong lành hơn. Dưới tiết trời se lạnh cuối mùa mưa Tây Nguyên, con người dường như xích lại gần nhau thêm bên những câu chuyện miên man, bất tận…

“Mười chín tháng Tám, ánh sao tự do đưa tới. Cờ bay nơi nơi, muôn ánh sao vàng. Máu pha tươi hồng trên lá cờ bay khắp chốn giang sơn. Người Việt Nam đều thống nhất reo vang lời thề. Mười chín tháng Tám, chớ quên là ngày khởi nghĩa. Hạnh phúc sáng tỏ, non sông Việt Nam”. Mỗi độ thu về, giai điệu quen thuộc ấy lại vang lên như nhắc nhớ chúng ta về sự kiện lịch sử diễn ra cách đây tròn 72 năm của dân tộc. Để rồi, người già cứ bồi hồi xúc động lật giở từng trang ký ức, còn người trẻ thì lại cảm thấy rất đỗi vinh dự và tự hào.

 

Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) rộn ràng trong ngày lễ. Ảnh: Đức Thụy
Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) rộn ràng trong ngày lễ. Ảnh: Đức Thụy

Ấy là những ngày tháng 8-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng cùng Mặt trận Việt Minh, toàn dân ta đã nổi dậy khởi nghĩa, giành lấy chính quyền, xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến. Chỉ trong vòng 15 ngày (từ ngày 14 đến 28-8), quyền thống trị, áp bức của thực dân được xây dựng suốt gần 100 năm và chế độ phong kiến mục rũa đã bị lật đổ hoàn toàn. Lần đầu tiên, chính quyền cả nước thực sự thuộc về nhân dân.

Sống giữa những ngày tháng yên bình, nhiều người từng đi qua cuộc chiến vẫn khôn nguôi nhớ về khoảng thời gian nhuốm màu đạn bom, khói lửa. Trong ngôi nhà nhỏ bên góc chợ Phù Đổng cũ (thuộc tổ dân phố 7, phường Phù Đổng, TP. Pleiku), ông Nguyễn Sỹ Uyển-cán bộ tiền khởi nghĩa ngồi trên chiếc ghế gỗ với một tay không còn lành lặn, đôi mắt và đôi tai đã kém hẳn sự tinh anh. Vậy mà khi kể về những năm tháng hào hùng của dân tộc, giọng ông lúc nào cũng tràn trề khí thế đấu tranh.

Sinh ra trên quê hương của chí sĩ yêu nước Ngô Gia Tự (huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) trong một gia đình có cha mẹ, anh chị đều tham gia cách mạng nên từ nhỏ, ông Uyển sớm nung nấu ý chí góp sức đánh đuổi lũ giặc xâm lăng. Năm 1944, dù mới 14 tuổi, ông Uyển đã tham gia thanh niên cứu quốc chuẩn bị khởi nghĩa. Ngày 20-8-1945, trong khí thế sục sôi cách mạng của quân dân cả nước, ông Uyển gia nhập giải phóng quân, sau là Vệ quốc đoàn, làm chiến sĩ liên lạc thuộc Phân đội 2, Đại đội Bắc Bắc, góp mặt vào trận chiến giải phóng quê nhà. Mãi cho đến bây giờ, với ông Uyển, đó là ký ức không thể nào quên.

Thời điểm đó, tại chiến trường Tây Nguyên, cuộc khởi nghĩa cũng diễn ra sôi nổi không kém. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai (1945-2005) ghi rõ: “Sáng 22-8-1945, đoàn quân khởi nghĩa của An Khê có lực lượng vũ trang thanh niên tự vệ tiến lên thị xã Pleiku phối hợp với Đoàn Thanh niên Gia Lai để khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ… Sáng 23-8-1945, nhiều đoàn biểu tình các nơi kéo về, cùng những đoàn quần chúng thị xã, đội ngũ chỉnh tề, trang bị gậy gộc, giáo mác, giương cao cờ đỏ sao vàng tiến về trung tâm thị xã. Một cuộc biểu dương lực lượng trên 1 vạn quần chúng chưa từng có ở Pleiku gồm công nhân đồn điền, nông dân người Kinh và đồng bào các dân tộc thiểu số, cùng các tầng lớp nhân dân thị xã tập trung mít tinh tại Tòa công sứ, sau đó chia thành 2 cánh tuần hành qua các phố chính trong thị xã. Các đoàn tuần hành vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu “Đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim”, “Việt Nam hoàn toàn độc lập”, “Ủng hộ Mặt trận Việt Minh”.

Và rồi, chỉ trong vòng hơn một tuần lễ, từ thị trấn An Khê, thị xã Pleiku, các thị trấn Cheo Reo, Chư Ty, Plei Kly, đến các làng, xã cả vùng người Kinh lẫn đồng bào dân tộc thiểu số trong toàn tỉnh, quần chúng nhân dân đã khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Hệ thống chính quyền tay sai thực dân, phong kiến bị xóa bỏ hoàn toàn, bộ máy chính quyền cách mạng bước đầu được thiết lập trong toàn tỉnh. Dẫn chứng đến đây, ông Uyển khẳng khái cho rằng, Cách mạng Tháng Tám 1945 giành chính quyền về tay nhân dân ở tỉnh Gia Lai trong điều kiện địa phương chưa có Đảng bộ và đoàn thể Việt Minh lãnh đạo là một điều hết sức tuyệt vời. Đó là minh chứng sinh động về tính đúng đắn của đường lối, chủ trương giải phóng dân tộc, cứu nước của Đảng và Bác Hồ.

Ở cái tuổi gần 90, ông Uyển luôn mỉm cười đầy phấn khởi mỗi khi nhìn lại chặng đường mấy mươi năm gắn bó (kể từ cuối năm 1946) với mảnh đất và con người Gia Lai như chính quê hương thứ hai của mình. Cầm trên tay tờ báo Gia Lai, ông chăm chú đọc từng trang một, chốc lát lại ngẩng đầu nhìn người đối diện bày tỏ: “Nhiều lúc mắt nhập nhòe nhưng tôi vẫn kiên trì đọc, cốt là để nắm bắt tình hình của tỉnh nhà, của đất nước. Tất cả giờ đã đổi thay nhiều lắm. Kinh tế-xã hội của tỉnh nhà không ngừng phát triển, trên đà hội nhập với quốc gia và khu vực; đời sống nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cao đáng kể cả về vật chất lẫn tinh thần”.

 

Phố núi Pleiku ngập tràn sắc màu trong những ngày tháng Tám. Ảnh: H.T
Phố núi Pleiku ngập tràn sắc màu trong những ngày tháng Tám. Ảnh: H.T

Những ngày này, khắp các địa phương trong tỉnh đều tích cực thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Từ thành thị đến nông thôn; từ nhà máy, công xưởng ra tận nương rẫy, đồng ruộng... đâu đâu cũng có thể bắt gặp hình ảnh con người hăng say làm việc, chung sức cống hiến cho quê hương. Ghé thăm làng Chư Pâu (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) vào một ngày cuối tháng Tám, chúng tôi chợt cảm thấy ấm lòng khi nơi đây đang dần dần “thay da đổi thịt”. Nhớ ngày nào dời làng về nơi ở mới với bao khó khăn chồng chất, vậy mà giờ đây, sau hơn 10 năm, đời sống bà con đã dần cải thiện. Trưởng thôn Đinh Diên vừa tổ chức cho dân làng dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm cho sạch đẹp để đón Tết Độc lập, vừa không quên khoe rằng: Hầu hết người Bahnar của làng Chư Pâu giờ đã thay đổi nếp nghĩ và cách làm, nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Hiện cả làng có 1.900 ha mía; gần 2 ha lúa rẫy và lúa nước; 117 con bò; nhiều dê và trâu. Con em làng Chư Pâu chăm chỉ học hành. Đó là niềm tự hào của một ngôi làng cách mạng và cũng là minh chứng rõ nét nhất về sự tiếp nối truyền thống qua từng thế hệ dân làng.

Những ngày tháng Tám, Gia Lai cũng trở nên rộn ràng hơn với nhiều chương trình, hoạt động của đoàn viên thanh niên trong toàn tỉnh. Chị Hà Thị Giang Thảo-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, cho hay: Để lập thành tích chào mừng kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, chúng tôi triển khai các phong trào hành động cách mạng như: bàn giao nhà nhân ái, nhà Khăn quàng đỏ; tổ chức đối thoại giữa đoàn viên, thanh niên với lãnh đạo huyện về các vấn đề mà thanh niên quan tâm; hoạt động tình nguyện; tiếp bước cho các em học sinh khó khăn đến trường. Ngoài ra, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn cũng chỉ đạo Đoàn các cấp tổ chức tuyên truyền cho đoàn viên, thanh niên ý nghĩa lịch sử của ngày Quốc khánh, tổ chức các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao, về nguồn, thăm hỏi các gia đình chính sách…

Mặc dù sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hoàn toàn giải phóng nhưng những người trẻ vẫn đang từng ngày khẳng định mình, sẵn sàng mang sức trẻ để đóng góp vì sự phát triển của tỉnh nhà. “Cách mạng Tháng Tám và Tết Độc lập không chỉ có ý nghĩa lịch sử mà còn nhắc nhớ thế hệ trẻ những bài học quý báu về lòng yêu nước. Theo đó, mỗi bạn trẻ hãy nỗ lực lao động và học tập, tạo những kỳ tích, sao cho mỗi thanh niên thực sự là một chiến sĩ với chiến công hiển hách trên lĩnh vực của mình”-chị Hà Thị Giang Thảo chia sẻ.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm