(GLO)- Với chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2019 được triển khai rộng khắp trên địa bàn cả nước từ ngày 15-4 đến 15-5-2019.
Đảm bảo ATTP là nhiệm vụ thường xuyên
Theo ông Mai Xuân Hải-Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh Gia Lai, công tác bảo đảm ATTP có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe nhân dân và sự phát triển kinh tế-xã hội. Những năm qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng với sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các sở, ngành, địa phương nên công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đạt được những kết quả khả quan.
Công tác thanh-kiểm tra từng bước được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả; công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về ATTP đa dạng hóa dưới nhiều hình thức, có sự tham gia của nhiều cơ quan, ban ngành. Các ngành Y tế, Nông nghiệp và PTNT, Công thương, Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh; 17 huyện, thị xã, thành phố; 222 xã, phường, thị trấn đã thành lập đường dây nóng tiếp nhận và xử lý các thông tin về vi phạm ATTP theo phản ánh của nhân dân và báo chí.
Đại diện Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh và đại diện cơ sở sản xuất, kinh doanh ký cam kết trong công tác đảm bảo ATTP. Ảnh: N.N |
Tuy nhiên, theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh, việc sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Một lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn vẫn lưu thông trên thị trường; thực phẩm nhập lậu vẫn diễn ra. Điều kiện chăn nuôi, hạ tầng chợ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở giết mổ còn nhiều yếu kém; sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không kiểm soát được độ an toàn vẫn còn; công nghệ chế biến lạc hậu; tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng… Bên cạnh đó, một số địa phương, đặc biệt là tuyến xã chưa có sự vào cuộc quyết liệt trong công tác đảm bảo ATTP dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật về ATTP còn khá phổ biến; tình hình ngộ độc thực phẩm vẫn còn nguy cơ tiềm ẩn và diễn biến phức tạp.
“Bảo đảm ATTP chính là bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe nhân dân và là nhiệm vụ thường xuyên cần tập trung chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; là trách nhiệm và quyền lợi của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và của mỗi người dân. Cần gắn trách nhiệm của UBND các cấp để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác ATTP; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa chính quyền địa phương với các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị xã hội; phát huy ý thức trách nhiệm của tổ chức sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng trong đảm bảo ATTP. “Tháng Hành động vì ATTP” năm 2019 là dịp để tất cả chúng ta, từ lãnh đạo các cấp, đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh một lần nữa khẳng định cam kết “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”-ông Mai Xuân Hải nhấn mạnh.
Cần cộng đồng trách nhiệm
Cùng chung tay với địa phương trong công tác đảm bảo ATTP, TP. Pleiku là một trong những địa phương triển khai hiệu quả công tác đảm bảo ATTP thời gian qua. Tại lễ phát động “Tháng Hành động vì ATTP” năm 2019 của tỉnh tổ chức tại TP. Pleiku ngày 18-4 mới đây, ông Trần Xuân Quang-Chủ tịch UBND TP. Pleiku-cho biết: Trên 70% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; 100% bếp ăn tập thể trường học trên địa bàn thành phố đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP; trên 90% hộ kinh doanh nhỏ lẻ ký cam kết bảo đảm ATTP. Trong năm 2018 và 3 tháng đầu năm 2019, đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh ATTP thành phố và các xã, phường đã tổ chức kiểm tra 787 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; đã xử phạt vi phạm hành chính 48 cơ sở với số tiền trên 66 triệu đồng. Bên cạnh đó, Đội Quản lý Thị trường số 1-Cục Quản lý Thị trường tỉnh thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường địa bàn thành phố. Năm 2018, đã kiểm tra 781 cơ sở, phát hiện 529 vụ vi phạm và xử phạt hành chính trên 1,8 tỷ đồng.
Tại lễ phát động, đại diện Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh và đại diện cơ sở sản xuất, kinh doanh cùng ký cam kết trong công tác đảm bảo ATTP. Bà Châu Hoàng Thy-Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku-khẳng định: Trong quá trình phát triển, Co.op Mart Pleiku ý thức trách nhiệm của mình trong việc cung ứng hàng hóa an toàn đến tay người tiêu dùng ngay từ khâu đầu tiên là lựa chọn nhà cung cấp. Theo đó, ưu tiên chọn các doanh nghiệp sản xuất trong nước, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; đặc biệt là các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, có chứng nhận của cơ quan chức năng về đảm bảo ATTP. Riêng về những mặt hàng rau củ quả, thịt, Co.op Mart Pleiku ưu tiên chọn hàng của những hợp tác xã có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP về quy trình sản xuất an toàn… “Vì quyền lợi của người tiêu dùng, Co.op Mart Pleiku sẽ tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan chức năng và đối tác để tăng cường công tác kiểm tra bảo đảm ATTP”-bà Thy cam kết.
NHƯ NGUYỆN