Gia Lai: Phía sau những vườn cao su bị "bức tử"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù đã được các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương vận động giữ vườn cây để phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, nhưng vài năm lại đây, hàng trăm hộ dân trên vùng biên giới Ia Grai vẫn chặt bỏ hoặc bán cả vườn cây cao su cho thương lái, triệt hạ lấy gỗ cao su bán ra thị trường. Nhiều gia đình trắng tay, đói khổ vì cái điệp khúc “giá mủ cao thì tận cạo, giá mủ hạ thì chặt bán”.

Nỗi buồn nhìn lại vườn cây

 

Những cây cao su vừa bị chặt hạ. Ảnh: L.Q
Những cây cao su vừa bị chặt hạ. Ảnh: L.Q

Đến kiểm tra các đơn vị thực hiện nhiệm vụ trên vùng biên giới Gia Lai, tận mắt chứng kiến cảnh những vườn cây cao su xanh tốt mới 14-15 tuổi đang mùa khai thác bị bà con địa phương bán cho thương lái chặt, cưa lấy gỗ, Thiếu tướng Đặng Anh Dũng-Tư lệnh Binh đoàn 15 miên man một nỗi buồn cùng với sự lo lắng trên khuôn mặt. Theo tướng Dũng, đây là những vườn cây trong số hơn 400 ha cao su của Công ty 75 (80 ha) và Công ty 715 ( 138,22 ha) mà Binh đoàn 15 bàn giao cho người dân để phát triển kinh tế vào năm 2007. Đây được coi là “chiếc cần câu” để giúp bà con dân tộc thiểu số ở xã Ia Khai và xã Ia O (huyện Ia Grai) có đất nằm trong lòng hồ thủy điện Sê San phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Để có được trên 400 ha cao su xanh tốt đang kỳ khai thác mủ trao cho bà con dân tộc thiểu số địa phương, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, công nhân, người lao động của Binh đoàn 15 đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức, kể cả xương máu để dò, gỡ bom đạn, san núi, bạt đồi, ươm mầm, chăm sóc. Trước khi bàn giao vườn cây, Công ty 75 và 715 đã tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức về chăm sóc, khai thác mủ cao su và hỗ trợ người dân các phương tiện khai thác như: bát mủ, máng che mưa, dao cạo… Đặc biệt, 2 công ty đã hợp đồng thu mua toàn bộ sản phẩm cho bà con theo giá thị trường. Đây là một việc làm hợp lòng dân, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của bà con. Nhưng niềm vui không trọn, sau chưa đầy 10 năm khai thác, khi giá mủ cao su lên cao có gia đình một ngày hai lần cạo; khi mủ cao su xuống thấp, giá gỗ cao su lên cao thì người dân đã lén lút đem bán cả vườn cây.

Đại tá Hoàng Ngọc Thành-Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công ty 715 cho biết: “Khi phát hiện bà con thuê người cạo mủ, bán cây cao su, chúng tôi đã báo cáo lên Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 xin ý kiến chỉ đạo; báo cáo với cấp ủy, chính quyền địa phương và cùng phối hợp tuyên truyền, vận động bà con không nên chặt bỏ vườn cây, khai thác đúng quy định kỹ thuật để cây cho mủ nhiều hơn, lâu năm hơn, nhằm giúp bà con phát triển kinh tế hộ gia đình, thoát nghèo bền vững…”.

Để người dân giữ lại được những vườn cây cao su còn lại, hàng trăm lượt cán bộ Công ty 715 cùng cán bộ xã Ia Khai và xã Ia O đã đến tận từng nhà dân có nhận vườn cây để vận động, thuyết phục, hướng dẫn cách chăm sóc, khai thác…   

Chặt cây rồi mới biết mình sai

Cuối tháng 11 vừa qua, chúng tôi đến khu vực đội 7 (Công ty 715) thuộc xã Ia O, huyện Ia Grai. Tại đây, gần 100 ha cao su đang tuổi khai thác đã bị người dân địa phương bán cho thương lái thuê người chặt hạ. Nhiều vườn cao su chạy dài tít tắp, xanh mướt ngày nào giờ hoang tàn, xơ xác. Hàng ngàn cây cao su bị bật gốc, trơ rễ. Tiếng cưa máy rú ga, tiếng cây gãy đổ ầm ầm, những thân cây, gốc cây ngã xuống túa ra nguồn nhựa trắng, những chiếc xe tải tất bật chở gỗ cao su ra phố tiêu thụ.

 

Vườn cây cao su bị đốn hạ trên địa bàn xã Ia O. Ảnh: L.Q
Vườn cây cao su bị đốn hạ trên địa bàn xã Ia O. Ảnh: L.Q

Ông Siu Nghiệp-Chủ tịch UBND xã Ia O bộc bạch: Năm 2007, trước tình hình nghèo khó của bà con dân tộc thiểu số địa phương, Công ty 75 và 715 đã trao cho người dân địa phương trên 400 ha cao su đang tuổi khai thác nhằm giúp bà con phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Nhưng do nhận thức của một số người dân địa phương muốn “ăn nhanh” nên một cây cao su, một ngày bị cạo 2 lần làm cho cây kiệt sức “già trước tuổi”. Ủy ban nhân dân xã đã mời tất cả các hộ dân được nhận vườn cây của Binh đoàn 15 lên hướng dẫn, giải thích và viết cam kết “không được bán, cho, sang nhượng vườn cây".

Trong khai thác, cạo mủ phải theo quy trình kỹ thuật để vườn cây là tài sản lâu dài, giúp bà con thoát nghèo bền vững. Nhưng với nhiều lý do, cùng với nhận thức còn thấp của bà con địa phương nên chuyện cạo “vượt cấp” vẫn xảy ra. Thậm chí, có người còn thuê người cạo, bôi thuốc kích thích, làm cho vườn cây chết dần, chết mòn và hậu quả đáng buồn nhất hiện nay là người dân lại lén lút chặt phá vườn cây để bán gỗ. Chúng tôi đã phối hợp với Công ty 715 kiên quyết vận động bà con không nên chặt cây cao su nữa, tập trung chăm sóc để khai thác tiếp. Số vườn cây đã bị chặt thì vận động bà con trồng cây điều cao sản, không để đất trống…

Ông Ksor Huyên (làng Mít Jép, xã Ia O), một trong những hộ gia đình nhận cây và chặt cây cao su bán gỗ cho biết: “Gia đình mình cùng với 82 hộ dân trong làng nhận trên 100 ha cây cao su của Công ty 715 hỗ trợ, riêng mình được 1 ha. Những năm đầu khai thác được nhiều tiền nên kinh tế gia đình phát triển, đã xây được nhà, mua xe máy đi làm. Nay vì tuổi già không đủ sức làm nữa, con cái thì ham chơi, giá mủ cao su lại thấp, vườn cây bị cạo ép quá nên đã già… đành lòng bán cây. Nhìn người ta hàng ngày cạo mủ bán có tiền tiêu mà buồn cái bụng, nhưng lỡ rồi biết làm sao. Cái sai của mình là không biết nghe lời bộ đội Binh đoàn 15 khuyên bảo, hướng dẫn, không tiếp thu ý kiến của cán bộ thôn, xã vận động…”.

Cùng tâm trạng, bà Blel (làng Mít Jép) nói: “Năm 2007, gia đình mình nhận được hơn 1 ha cao su mới vào khai thác. Từ nghèo khó bỗng nhiên được bộ đội cho cây, có tiền sung sướng quá. Chỉ tội lúc có tiền thì mấy đứa con ham chơi không chịu làm, đành thuê người cạo. Họ cạo mủ lấy tiền nên đâu có biết “thương cây”, cạo liên tục trong ngày, chưa hết họ còn bôi thuốc kích thích ép cây cho nhiều mủ… Mấy ngày qua, giá mủ lên cao, nhìn gia đình ông Rơ Châm Xên giữ được vườn cây, ngày ngày đi cạo, lấy mủ về bán cho công ty, tiền về liên tục trong túi mà thấy buồn và thấy mình như người có lỗi với bộ đội, với cán bộ địa phương”.
 

 

Ông Rơ Châm Lin-Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng thôn Mít Jép chia sẻ: Chính quyền địa phương cần phối hợp với Công ty 75, 715 để tuyên truyền cho bà con giữ lại vườn cây, cây còn thì cái bụng no, cây mất thì cái bụng đói. Bộ đội Cụ Hồ cho dân mình đồng tiền bát gạo, bà con muốn thoát nghèo hãy nghe bộ đội nói, làm theo bộ đội làm…

Lê Quang

Có thể bạn quan tâm