Gia Lai: Quyết liệt thu hồi nợ bảo hiểm xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù đã triển khai các giải pháp thu hồi nợ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nhưng tình hình nợ đọng các loại bảo hiểm này trên địa bàn tỉnh vẫn đang có chiều hướng gia tăng, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nhiều người lao động.

Số liệu thống kê từ Phòng Khai thác và Thu nợ (BHXH tỉnh) cho thấy, tình hình nợ đóng  BHXH, BHYT, BHTN  trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng gia tăng (tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2017). Tính đến ngày 30-4-2018, toàn tỉnh có 524 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN  (thời gian nợ từ 3 tháng trở lên) với số lao động là 4.830 người, tương ứng với số tiền nợ 56,24 tỷ đồng. Trong đó, có 106 doanh nghiệp mất tích, giải thể, phá sản với số tiền nợ là 11,62 tỷ đồng, làm ảnh hưởng quyền lợi của 160 lao động, hiện BHXH Việt Nam vẫn chưa có hướng dẫn giải quyết.

 

Người lao động yên tâm công tác khi đơn vị đóng đầy đủ các chế độ BHXH. Ảnh: N.N
Người lao động yên tâm công tác khi đơn vị đóng đầy đủ các chế độ BHXH. Ảnh: N.N

Các đơn vị nợ tập trung chủ yếu ở khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh, hoạt động nhỏ lẻ. Tình trạng nợ BHXH, BHYT, BHTN kéo dài của một số doanh nghiệp ở mức độ báo động, không những ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động mà còn gây rất nhiều phiền toái cho cơ quan BHXH, cơ quan quản lý lao động…

Theo BHXH tỉnh, có không ít lao động khi nghỉ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động… đã không được hưởng chế độ theo quy định; nhiều người bị mất việc làm không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ngay cả những người nghỉ chế độ khi hết tuổi lao động cũng gặp khó khăn để hoàn thiện hồ sơ hưởng lương hưu vì doanh nghiệp còn nợ tiền BHXH. Do doanh nghiệp nợ BHXH, cơ quan BHXH không thể chốt sổ BHXH, hoặc người lao động chỉ được chốt sổ BHXH đến thời điểm được đóng BHXH. Rơi vào hoàn cảnh này, người lao động rất khó khăn, bế tắc. Công đoàn cơ sở cũng không thể làm chỗ dựa cho người lao động để giải quyết vấn đề này.

Dù BHXH đã phối hợp với các ngành chức năng triển khai nhiều biện pháp song số doanh nghiệp nợ BHXH vẫn không giảm. Thậm chí, danh sách doanh nghiệp nợ BHXH chây ỳ ngày một dài thêm với số tiền nợ ngày càng lớn. Nhiều doanh nghiệp đã trích các khoản phải đóng của người lao động nhưng không nộp cho cơ quan BHXH kịp thời, đúng quy định, điển hình như: Công ty cổ phần Sông Đà 3, Công ty cổ phần Đông Hưng, Công ty cổ phần Xây dựng và Vận tải Gia Lai, Công ty Kinh doanh Hàng xuất khẩu Quang Đức, Chi nhánh Tây Nguyên của Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông I, Công ty cổ phần Xây dựng 117, Chi nhánh Công ty TNHH Vinh Quang I…

Ông Lê Quốc Khánh-Phó Giám đốc BHXH tỉnh, thông tin: Trước tình hình trên, cơ quan BHXH trong toàn tỉnh đã tích cực phối hợp với các ngành liên quan triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động về BHXH, BHYT, BHTN. Đối với doanh nghiệp nợ kéo dài, BHXH tỉnh đã quyết liệt đôn đốc thu hồi, thực hiện xác nhận sổ BHXH dựa trên nguyên tắc: người lao động đóng tới thời điểm nào xác nhận sổ tới thời điểm đó, sau đó người lao động giữ sổ để tiếp tục tham gia hoặc bảo lưu thời gian đóng. Doanh nghiệp sau khi đóng khoản tiền nợ thì cơ quan BHXH sẽ xác nhận bổ sung vào sổ BHXH, bảo đảm quyền lợi trước mắt cho người lao động.

Bảo hiểm Xã hội tỉnh cũng thường xuyên đôn đốc BHXH các huyện, thị xã, thành phố phân công viên chức trực tiếp đến đơn vị khai thác đối tượng, đôn đốc thu nợ BHXH, BHYT; báo cáo kịp thời cấp ủy, chính quyền địa phương tình hình nợ BHXH, BHYT của các đơn vị trong phạm vi quản lý; chủ động phối hợp, cung cấp thông tin, hồ sơ cho Liên đoàn Lao động tỉnh lập thủ tục khởi kiện 18 đơn vị vi phạm ra Tòa án. Ngoài ra, BHXH tỉnh đã cung cấp danh sách 8 đơn vị nợ BHXH, BHYT đang sử dụng 932 lao động, có thời gian nợ từ 14 tháng trở lên, số tiền nợ trên 26,4 tỷ đồng (chiếm 1,2% kế hoạch giao thu năm 2018) cho Cơ quan Điều tra Công an tỉnh xem xét xử lý.

Với Tổ thu nợ BHXH cấp huyện, BHXH tỉnh chỉ đạo theo dõi các đơn vị nợ kéo dài, nợ khó thu; hàng tháng phân tích, đối chiếu tình trạng nợ, nhất là đối với các đơn vị nợ kéo dài, đơn vị chiếm dụng quỹ… Trên cơ sở đó, có biện pháp đôn đốc hợp lý thu nợ đối với từng đơn vị và  chịu trách nhiệm khi để số lượng đơn vị nợ và tỷ lệ nợ cao so với quý trước, lấy đây là tiêu chí để bình xét thi đua. Bảo hiểm Xã hội cấp huyện còn có trách nhiệm lập danh sách những đơn vị nợ, chậm đóng để báo cáo chính quyền địa phương và phối hợp với Đài Truyền thanh-Truyền hình cùng cấp thông báo hàng ngày nhằm khắc phục tình trạng nợ dây dưa kéo dài...

“Thời gian đến, cùng với đôn đốc thu hồi nợ, BHXH tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp từ đôn đốc thu hồi nợ đến tuyên truyền, vận động, xử lý vi phạm hành chính. Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1-1-2018 có quy định về “Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động”. Vì vậy, BHXH tỉnh sẽ đề nghị cơ quan chức năng xử lý hình sự đối với các doanh nghiệp cố tình không đóng, kéo dài thời gian với số nợ lớn, có nguy cơ thiệt hại đến người lao động”-Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết thêm.

Sau khi nhận hồ sơ 18 đơn vị nợ do BHXH tỉnh cung cấp, Liên đoàn Lao động tỉnh vẫn chưa tiến hành khởi kiện đơn vị nào. Hiện nay, Liên đoàn Lao động tỉnh đang áp dụng biện pháp thuyết phục, hòa giải, đề nghị đơn vị nợ khắc phục số tiền nợ cho người lao động. Kết quả, đã có 15/18 đơn vị khắc phục bằng cách nộp số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN  trên 5,9 tỷ đồng.

Như Ý

Có thể bạn quan tâm