Gia Lai quyết tâm kéo giảm 10% tai nạn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Với quyết tâm kéo giảm tai nạn giao thông, từ đầu năm đến nay, Ban An toàn Giao thông (ATGT) tỉnh Gia Lai và các ngành, đoàn thể đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm trật tự ATGT.
Theo đánh giá của Ban ATGT tỉnh, từ đầu năm đến nay, một số đơn vị đã làm tốt công tác đảm bảo trật tự ATGT như: Công an tỉnh, Sở Giao thông-Vận tải, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Báo Gia Lai, Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh...
Trong đó, Công an tỉnh với vai trò chủ công đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Giao thông và Công an các xã, phường, thị trấn huy động tối đa lực lượng, phương tiện tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát giao thông; tập trung vào các khoảng thời gian, tuyến đường thường xảy ra tai nạn giao thông (TNGT), qua đó kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các lỗi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT như: vi phạm về nồng độ cồn, vi phạm về tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, không giấy phép lái xe, chở quá khổ, quá tải, quá số người quy định…
Việc triển khai đồng bộ các biện pháp về bảo đảm trật tự ATGT, nhất là việc kết hợp giữa tuyên truyền với tuần tra, kiểm soát giao thông, xử lý nghiêm các lỗi vi phạm đã góp phần tạo chuyển biến tích cực đến tình hình trật tự ATGT. Trong 6 tháng đầu năm nay, TNGT giảm cả 3 chỉ số (số vụ, số người chết, số người bị thương) so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 167 vụ, làm chết 120 người, bị thương 152 người; giảm 11,64% số vụ, 4,76% số người chết và 14,61% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2019.  
Lực lượng Cảnh sát Giao thông tuần tra, kiểm soát. Ảnh: Hữu Trường
Lực lượng Cảnh sát Giao thông tuần tra, kiểm soát. Ảnh: Hữu Trường
Tuy nhiên, tình hình vi phạm trật tự ATGT vẫn diễn biến phức tạp. Tai nạn giao thông tuy giảm cả 3 chỉ số nhưng vẫn nằm ở mức cao so với toàn quốc (xếp thứ 35/50 tỉnh giảm cả 3 chỉ số), số vụ TNGT cao thứ 7 toàn quốc. Trong đó, TNGT đặc biệt nghiêm trọng tăng 50% về số vụ và số người chết; số vụ TNGT liên quan đến người dân tộc thiểu số tuy giảm (giảm 9,2% số vụ) nhưng tính chất, mức độ lại nghiêm trọng hơn (tăng 8,47% số người chết). Tình trạng vi phạm về nồng độ cồn tăng 11,32% kéo theo TNGT liên quan đến rượu, bia tăng (xảy ra 20 vụ, tăng 10 vụ so với cùng kỳ năm 2019).
Qua phân tích, nguyên nhân gây ra TNGT chủ yếu là do ý thức chấp hành Luật Giao thông Đường bộ của người tham gia giao thông chưa nghiêm (có đến 94,29% số vụ do lỗi vi phạm pháp luật của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông). Bên cạnh đó, hoạt động lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè diễn ra khá phổ biến. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị mà còn gây hạn chế tầm nhìn cho người đi đường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNGT. Mặc dù đã xử phạt vi phạm hành chính rất nhiều nhưng tình trạng này vẫn tái diễn khi không có mặt lực lượng chức năng. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như kết cấu hạ tầng giao thông chưa tương xứng với sự gia tăng của phương tiện, sự bất cập trong tổ chức giao thông tại một số tuyến đường, nhất là các ngã ba, ngã tư.
Tại hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự ATGT 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ đạo phải kéo giảm TNGT cả năm 2020 tối thiểu là 10% so với năm 2019. Để thực hiện chỉ đạo trên, điều quan trọng nhất là phải nâng cao ý thức chấp hành các quy định về trật tự ATGT cho các tầng lớp nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và lứa tuổi thanh-thiếu niên.
Theo quy luật, vào những tháng cuối năm, nhất là vào dịp hè, lễ, Tết, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Vì vậy, để đảm bảo trật tự ATGT và kiềm chế, giảm TNGT trong những tháng cuối năm rất cần sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhất là Ban ATGT các cấp.
Về phía cơ quan chức năng, cần sớm khắc phục những bất hợp lý trong tổ chức giao thông, tạo môi trường giao thông an toàn cho người đi đường. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp với các ngành liên quan tăng thời lượng phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT trên các phương tiện thông tin đại chúng; chú trọng các hình thức tuyên truyền trực quan, sinh động với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu; nhân rộng các mô hình hiệu quả về công tác đảm bảo trật tự ATGT.
Lực lượng Cảnh sát Giao thông huy động tối đa lực lượng, phương tiện, phối hợp với các lực lượng khác tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm Luật Giao thông Đường bộ, tập trung xử lý các lỗi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT như: vi phạm nồng độ cồn, vi phạm tốc độ, chở quá số người quy định, đi sai phần đường, làn đường, lạng lách, đánh võng...
Bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng chức năng thì người tham gia giao thông phải có ý thức, trách nhiệm chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông để tự bảo vệ sức khỏe, tính mạng của chính mình.
Đại tá PHẠM HỮU TRƯỜNG
Phó Giám đốc Công an tỉnh

Có thể bạn quan tâm