Gia Lai siết chặt quản lý giao thông học đường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm học 2020-2021, toàn tỉnh Gia Lai có 758 trường mầm non và phổ thông với gần 400.080 học sinh. Ngay từ đầu năm học, tất cả các trường đều ký cam kết chấp hành quy định về an toàn giao thông (ATGT) với Công an địa phương và triển khai ký cam kết với phụ huynh, học sinh toàn trường. Đồng thời, các đơn vị trường học cũng triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo ATGT học đường.
Nhân rộng nhiều mô hình hay
Ông Nguyễn Đình Thức-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP. Pleiku-cho biết: Trong 2 năm học vừa qua, Quỹ Phòng-chống thương vong châu Á và Ủy ban ATGT Quốc gia đã chọn 2 trường tiểu học trên địa bàn thành phố để triển khai giai đoạn 1 dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn”. Dự án đã thiết kế và xây dựng mô hình trường học an toàn thông qua cải tạo hạ tầng ATGT xung quanh khu vực Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu (xã Biển Hồ) và Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng (phường Thắng Lợi).
Vừa qua, UBND tỉnh đã đồng ý cho phép triển khai giai đoạn 2 của dự án này. Theo đó, các phương tiện cơ giới đường bộ khi lưu thông qua khu vực trường học tại TP. Pleiku vào khung giờ cao điểm đều phải giới hạn tốc độ. Cụ thể, tốc độ quy định không quá 40 km/giờ đối với đường đôi có dải phân cách giữa, đường một chiều có từ 2 làn xe cơ giới trở lên; không quá 30 km/giờ đối với đường hai chiều không có dải phân cách giữa, đường một chiều có làn xe cơ giới được hạn chế tốc độ.
Ông Thức cho biết thêm: “Trong năm học 2020-2021, các tuyến đường xung quanh các trường tiểu học trên địa bàn TP. Pleiku sẽ được triển khai giảm tốc độ, cải tạo hạ tầng giao thông (đặt biển báo, kẻ vạch sang đường, bố trí nơi đậu xe cho phụ huynh lúc đưa đón học sinh…). Giáo trình điện tử về ATGT cũng sẽ được các trường đưa vào giảng dạy cho học sinh trong các buổi chào cờ, hoạt động ngoại khóa”.
Ông Phan Hữu Hiếu-Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh-chia sẻ: “Sự thành công của Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” tại TP. Pleiku sẽ trở thành mô hình mẫu để nhân rộng ra nhiều địa phương khác trong cả nước.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 216 cổng trường ATGT. Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT phối hợp với Ban ATGT tỉnh và một số đơn vị tổ chức chương trình tặng mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho học sinh lớp 1; chương trình “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” dành cho giáo viên và học sinh THPT. Các hoạt động này cũng đã tạo sự lan tỏa nhất định trong xã hội, bồi dưỡng thêm kiến thức, kỹ năng về tham gia giao thông an toàn cho đội ngũ giáo viên, học sinh. 
Học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (TP. Pleiku) tham gia hoạt động ngoại khóa tìm hiểu kiến thức về ATGT. Ảnh: Lê Hòa
Học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (TP. Pleiku) tham gia hoạt động ngoại khóa tìm hiểu kiến thức về ATGT. Ảnh: Lê Hòa
Quyết liệt ngay từ đầu năm học
Ông Lê Duy Định-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT-thông tin: Ngay từ đầu năm học 2020-2021, Sở đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị trường học phải tổ chức cho cha mẹ học sinh ký cam kết chấp hành nghiêm quy định về đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; không giao mô tô, xe gắn máy cho học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện. Ngay trong lễ khai giảng, nhà trường phối hợp với lực lượng Công an các địa phương tuyên truyền quy định về tham gia giao thông an toàn.
“Chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm, đồng hành và hỗ trợ từ lực lượng Công an, đoàn viên, thanh niên cùng các tổ tự quản nhà trường để triển khai các mô hình, hoạt động phù hợp để đảm bảo ATGT khu vực xung quanh cổng trường, nhất là đối với các trường học có cổng trường đấu nối trực tiếp với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ hay đường đô thị có mật độ giao thông đông đúc”-ông Lê Duy Định nói.
Liên quan vấn đề này, Thượng tá Lương Thị Thu Quỳnh-Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) cho biết: Đơn vị sẽ phối hợp cùng Công an các địa phương triển khai thực hiện các biện pháp nhằm giữ gìn trật tự ATGT; đồng thời, nghiêm khắc chấn chỉnh, có hình thức xử lý phù hợp đối với các trường hợp học sinh cố tình vi phạm hoặc vi phạm nhiều lần.
“Hiện nay, vẫn còn tình trạng học sinh sử dụng xe phân khối lớn đến trường. Một số em dàn hàng ngang, nô đùa, trêu chọc nhau trong quá trình tham gia giao thông, từ đó dễ phát sinh nguy cơ mất ATGT. Vì vậy, các ngành, địa phương, nhà trường và gia đình cần chung tay ngăn chặn tình trạng này”-Thượng tá Lương Thị Thu Quỳnh nhận định.
LÊ HÒA

Có thể bạn quan tâm