Gia Lai: Sinh viên ra trường gian nan tìm việc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi ra trường, tìm được việc làm tự nuôi sống mình, dần ổn định cuộc sống là ước muốn cháy bỏng trong mỗi sinh viên (SV). Tuy nhiên, thực tế tìm việc và cả việc làm- vấn đề xã hội nóng bỏng đã không như ý muốn. Tìm lối vào đời là vấn đề nan giải ở không ít người trong số họ.

Ở lại thành phố lớn, hay là...   

Có rất nhiều lý do để SV mới ra trường muốn tìm việc ở các thành phố lớn, như cơ hội tìm việc phù hợp với chuyên môn rộng, thu nhập khá, môi trường sống năng động, có điều kiện học thêm những chuyên ngành phụ trợ, giao lưu học hỏi kinh nghiệm sống và kỹ năng nâng cao tay nghề. Ngoài ra, có cả SV muốn thử sức mình ở thành phố lớn để... chơi, và tất nhiên không tính đến lớp SV được gia đình “lên mâm” sẵn nhà, hộ khẩu, tiện nghi sinh hoạt, phương tiện đi lại để hẳn nhiên là người của thành phố.

Sinh viên nhận hồ sơ trước gian hàng tuyển dụng trong Ngày hội việc làm (ảnh minh họa).
Sinh viên nhận hồ sơ trước gian hàng tuyển dụng trong Ngày hội việc làm (ảnh minh họa).

Thử ước tính, hàng năm có biết bao nhiêu SV từ các tỉnh lẻ theo học ở TP. Hồ Chí Minh ra trường, và trong số đó, một tỷ lệ không nhỏ tìm cách trụ lại hoặc thử trụ lại một thời gian để “tìm mình”. Song, quy luật chọn lọc tự nhiên nghiệt ngã của cuộc sống đã “đánh rơi” bao nhiêu là “hạt gạo dưới sàng” để rồi chính những SV này về lại quê nhà, trôi dạt về các tỉnh lẻ sau một thời gian hoài công vô ích; tiền của tiêu tốn ở ghế giảng đường bậc cao chỉ còn là hoài niệm mịt mù.

Tường Vi, tốt nhiệp năm 2009 Khoa Tiếng Anh Trường Đại học Hồng Bàng, gia đình ở TP. Pleiku kể: Sau khi tốt nghiệp, tìm xin việc qua mạng ở nhiều nơi, cháu được một công ty Bảo hiểm Nhân thọ nước ngoài đứng chân trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh nhận về Phòng Phát triển Nhân sự thử việc 3 tháng, với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Công việc mới lạ, thi thoảng giao tiếp trực tiếp với khách hàng nói tiếng Anh qua điện thoại với chất giọng... lạ hoắc. Chưa hết thời gian thử việc, cháu đã “bỏ của chạy lấy người”. Tiếp sau đó, có lúc cháu làm ở Phòng Giáo vụ của một Trung tâm Ngoại ngữ với mức lương 4 triệu đồng/tháng, ngày làm việc kéo dài từ 8 đến 21 giờ kể cả chủ nhật nên cũng không trụ được. Lang bạt gần 2 năm, mệt quá, giờ quay về với mẹ tạm “giết” thời gian bằng nghề gia sư cho lũ trẻ trong khu phố.

Lê Văn Mâm quê ở An Nhơn, Bình Định, cựu SV Khoa Xây dựng Dân dụng Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh ra trường từ lâu lắc (từ dùng của Mâm), theo chân công trình trôi nổi khắp từ TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Bến Tre,... Thu nhập cũng không đến nỗi, đủ nuôi hai đứa em học xong đại học nhưng tích lũy thì không, vợ con chưa thấy bóng mà tuổi đã ngoài ba mươi. “Bây giờ em nhận ra, Sài Gòn không phải là đất mà em có thể chen chân, mà lui binh thì chưa biết lối”- Mâm rầu rầu tự nhận.

Ta về ta tắm ao ta

Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Đà Nẵng từ năm 1996, Trần Tâm Thành trải nghiệm cuộc sống bằng đủ cả “bảy nghề”, nào là làm vườn, chăm tưới cây cảnh, bán hàng dưới hình thức tiếp thị, đại lý bảo hiểm nhân thọ, đại lý bán hàng đa cấp... Cuối cùng anh xác định: “Về cơ sở công tác theo Đề án 02-TU tỉnh Gia Lai là con đường cuối cùng em quyết định chọn cho cuộc đời mình. Em sẽ phấn đấu, sẽ khẳng định mình trên con đường này. Thời gian theo lớp bồi dưỡng SV về cơ sở ở Trường Chính trị tỉnh giúp em hình dung rõ hơn về cơ sở, dần cảm nhận đấy là “tạng” của mình”. Anh còn cho biết, 35 thành viên cùng lớp hiện nay cũng xác định như vậy. Và đây không phải là lựa chọn theo kiểu “chuột chạy cùng sào” như có người đã tưởng.    


Hiện nay, thị trường lao động Việt Nam nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng chưa tương thích theo quy luật cung- cầu, song dù tốt nghiệp ở chuyên ngành được xã hội chuộng hay không, việc xác định được đúng việc làm phù hợp sẽ góp phần không nhỏ tìm lối vào đời của những SV sau khi ra trường.

Đình Phê
 

Có thể bạn quan tâm