Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ đầu tháng 11 đến nay, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2020 đồng loạt diễn ra ở các thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn 17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Gia Lai. Đây là dịp để cán bộ và người dân ôn lại truyền thống vẻ vang của dân tộc và lịch sử 90 năm của MTTQ Việt Nam. Đồng thời, ngày hội còn là dịp thể hiện tinh thần đoàn kết, tự hào và tin tưởng sâu sắc hơn của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay. 
Những ngày này, không khí tại các thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đang trở nên sôi nổi khi người dân cùng chung tay tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Mọi người đều phấn khởi cùng nhau chuẩn bị cho ngày hội, từ những việc như dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trang hoàng lại nhà ở, nhà rông, nhà sinh hoạt cộng đồng; tập luyện những tiết mục văn nghệ, ôn lại những điệu múa, bài chiêng đến việc bàn bạc, thảo luận ý kiến để đóng góp, đề xuất, kiến nghị với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.
Theo bà Phạm Thị Lan-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Năm nay, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức vào dịp tỉnh Gia Lai vừa tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025), tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930-18/11/2020) nên càng thêm phần trang trọng song vẫn đảm bảo tính thiết thực và tiết kiệm.
Tại ngày hội diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa như tặng dụng cụ lao động, giống cây trồng, vật nuôi cho hộ nghèo; tổ chức các trò chơi dân gian, các hội thi văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao như: đánh cồng chiêng, múa sạp, đẩy gậy, kéo co, bịt mắt bắt dê, bắn nỏ, giao lưu bóng đá, bóng chuyền… tạo không khí vui tươi, sôi nổi. Qua đó động viên toàn dân giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, của địa phương; động viên, khuyến khích nhân dân tập thể dục, thể thao để rèn luyện sức khỏe, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ nhằm nâng cao đời sống tinh thần.
Dịp này, 17 khu dân cư được chọn làm điểm ở 17 huyện, thị xã, thành phố vinh dự đón các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, lãnh đạo các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh về dự và chung vui với nhân dân. Tại các địa phương, các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền, Mặt trận và các ban, ngành, đoàn thể cũng về tham dự ngày hội ở các khu dân cư trên địa bàn.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự Ngày hội tại làng Kon Mawh, xã Hà Tây, huyện Chư Păh. Ảnh: Lê Đại
Đồng chí Võ Ngọc Thành (hàng đầu; thứ 2 từ phải sang)-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc làng Kon Măh, xã Hà Tây, huyện Chư Păh.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm nay dành nhiều thời gian để lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương lắng nghe các ý kiến phát biểu của người dân về những vấn đề tâm huyết trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội; kiến nghị những giải pháp để cùng nhau xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đoàn kết, phát triển kinh tế và tham gia thực hiện thành công các nghị quyết, chương trình, đề án trọng tâm của tỉnh. Đồng thời, ngày hội còn là dịp để ghi nhận, biểu dương, khen thưởng những gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến có nhiều đóng góp tại cộng đồng dân cư.
Ông Đinh Dưch-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Kuk Đak (xã An Thành, huyện Đak Pơ) nói: “Với những người dân nơi đây, ngày hội là một sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội rất lớn. Vì vậy, càng tới gần ngày hội, bà con càng háo hức chờ đợi. Nhiều ngày trước khi diễn ra ngày hội, bà con đã tập trung về nhà rông để tập đánh cồng chiêng, tập các tiết mục văn nghệ. Thời gian qua, chúng tôi nhận được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền trong mọi hoạt động của làng, chăm lo đời sống cho bà con, góp phần xây dựng cộng đồng dân cư đạt nhiều kết quả. Sự ủng hộ, đồng thuận của người dân đã chung sức làm thay đổi bộ mặt của làng”.
Múa Sạp của bà con Thôn 1, xã Đông, huyện Kbang. Ảnh: Lê Đại
Biểu diễn múa sạp trong Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc thôn 1, xã Đông, huyện Kbang. Ảnh: Lê Đại
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cũng là dịp để tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết thêm: “Qua các hoạt động và việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư nhằm giúp cho nhân dân có dịp cùng nhau ôn lại lịch sử, truyền thống vẻ vang của dân tộc và của MTTQ Việt Nam; tự hào, tin tưởng sâu sắc hơn vào sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vào sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Phát huy vai trò, ý thức trách nhiệm tự chủ của nhân dân về các vấn đề dân chủ, dân sinh, dân trí, làm cho ý Đảng-lòng dân thống nhất từ nhận thức đến hành động...”.
Tiết mục cồng chiêng của bà con làng Kuk Đak, xã An Thành, huyện Đak Pơ. Ảnh: Lê Đại
Tiết mục cồng chiêng của bà con làng Kuk Đak (xã An Thành, huyện Đak Pơ) tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2020. Ảnh: Lê Đại
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc diễn ra trên địa bàn toàn tỉnh đã tạo khí thế thi đua sôi nổi, góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở mỗi địa phương. Đây là cơ sở để đánh giá và biểu dương kết quả sau 1 năm thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước ở cộng đồng dân cư mà trọng tâm là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với thực hiện Chỉ thị số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau”; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.... Qua đó, khẳng định sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao vai trò, vị trí của Mặt trận các cấp, khuyến khích vai trò tự quản của người dân trong thời kỳ mới, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) và Nghị quyết Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai lần thứ X (nhiệm kỳ 2019–2024).
LÊ ĐẠI

Có thể bạn quan tâm