Kinh tế

Nông nghiệp

Gia Lai: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp dựa vào thế mạnh địa phương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 3 năm (2016-2018) thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Gia Lai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đây là tiền đề để từ nay đến năm 2020, ngành nông nghiệp tiếp tục tái cơ cấu theo hướng phát triển những cây trồng, vật nuôi mà địa phương có thế mạnh, góp phần cải thiện đời sống nông dân.
Định hình thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp
Gia Lai là tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp và cơ bản đã định hình được các cây trồng chủ lực, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng, từng địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Tỉnh cũng đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm đối với các loại cây như: cao su, cà phê, hồ tiêu, mía, lúa, rau, cây ăn quả, chè. Đồng thời, nông dân đã biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và từng bước liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, tổ hợp tác, hợp tác xã… nhằm nâng cao năng suất, tăng giá trị sản phẩm.
Mô hình trồng cây ăn quả xen trong vườn cà phê cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: L.N
Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn tỉnh đã có 60/184 xã đạt chuẩn nông thôn mới; TP. Pleiku đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong năm 2019. Tính chung trên toàn tỉnh, bình quân mỗi xã đạt 12,7 tiêu chí nông thôn mới. Tổng nguồn lực huy động xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh là hơn 30.422,8 tỷ đồng. Ngoài ra, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản cũng đạt nhiều kết quả khả quan. Theo đó, giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp, thủy sản năm 2018 đạt 26.435 tỷ đồng. Tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh đạt 535.364 ha; tổng đàn gia súc 786.125 con; tổng diện tích rừng trồng trong 3 năm (2016-2018) đạt 14.482 ha, nâng độ che phủ rừng lên 46,35%; tổng sản lượng thủy sản năm 2018 đạt 6.089 tấn. Toàn tỉnh hiện có 7.004 cơ sở chế biến, 344 công trình thủy lợi kiên cố với năng lực tưới 54.944 ha; hình thành được 10 khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 3.828 ha.
Theo ông Trương Phước Anh-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Qua 3 năm triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân trên 5,5%/năm. Người dân bước đầu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân đã nhận thức tốt hơn về sự cần thiết, mục tiêu của chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp dựa trên phương châm “hợp tác, liên kết và thị trường” để hình thành các mô hình hợp tác, hợp tác xã chủ động liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo định hướng của Chính phủ, tỉnh ta đang hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững và cơ cấu lại từng ngành, từng lĩnh vực, sản phẩm. Tỉnh xác định ngành hàng nông sản đang có lợi thế trong xuất khẩu gồm các sản phẩm: cà phê, cao su, hạt điều, hồ tiêu, mía, chè. Theo đó, định hướng đến năm 2020, toàn tỉnh có 94.900 ha cà phê và phát triển 1.000 ha cà phê chè gắn với công nghệ chế biến ướt tại huyện Kbang, 88.300 ha cao su, 11.000 ha hồ tiêu, 18.200 ha điều, 1.000 ha chè, 37.000-38.000 ha mía, 63.000-65.000 ha mì, 77.800 ha lúa, 50.000 ha bắp, 27.000 ha rau củ quả các loại. Thực hiện đề án chương trình mỗi xã một sản phẩm, tỉnh tập trung phát triển sản phẩm hồ tiêu sạch tại huyện Đak Đoa, gạo Ba Chăm tại huyện Mang Yang, cây dược liệu tại huyện Kbang. Tỉnh cũng tiếp tục phát triển các vùng sản xuất lúa chất lượng cao và xây dựng cánh đồng lớn… Đối với ngành chăn nuôi, tỉnh ta xác định tăng quy mô chăn nuôi trang trại và công nghiệp; phấn đấu nâng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong nông nghiệp từ 10,5% hiện nay lên 23%. Bên cạnh đó, tỉnh phấn đấu có 80 xã và 3 địa phương cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Phát triển những vùng sản xuất lúa chất lượng cao theo mô hình cánh đồng lớn là một nhiệm vụ trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ảnh: internet
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, tỉnh ta xác định cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích doanh nghiệp liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với nông dân; phát triển các nhóm nông dân hợp tác tự nguyện, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Về vấn đề này, ông Lê Trọng-Chủ tịch UBND huyện Mang Yang-cho biết: Để tái cơ cấu ngành nông nghiệp mang lại hiệu quả, chúng ta phải xác định lại ngành hàng nông sản chủ yếu của tỉnh đang có thế mạnh là ngành hàng nào và nếu cần thiết thì phải giảm một số ngành hàng không hiệu quả. Hiện nay, giá một số mặt hàng như cà phê, cao su, hồ tiêu đang xuống rất thấp, là cơ hội để tái canh hoặc chuyển đổi một số diện tích kém hiệu quả sang cây trồng khác có hiệu quả hơn. “Hiện nay, trên địa bàn huyện Mang Yang, người dân đã chặt bỏ cao su tiểu điền để chuyển sang trồng cây ăn quả. Chúng tôi cũng đã làm việc với Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao và được biết quy mô quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu của công ty là trên 20.000 ha cây ăn quả. Giá trị cây ăn quả hiện rất cao. Huyện cũng đề xuất và đăng ký xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả”-ông Trọng thông tin.
Tương tự, ông Huỳnh Vĩnh Hương-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa-cho hay: “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của tỉnh, chúng tôi đang hướng dẫn nông dân, hợp tác xã, tổ nhóm thực hiện chuỗi liên kết với các công ty trong sản xuất. Hiện tại, đối với các cây trồng chủ lực của huyện là mía, mì, người dân đã thực hiện chuỗi liên kết với các công ty đầu tư từ khâu làm đất đến bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, người dân trong huyện đang bỏ dần cây mía vì giá quá thấp để chuyển qua cây trồng khác. Đây là sự phát triển theo chiều hướng thị trường, không thể cứ bám lấy một loại cây trồng hiệu quả kinh tế thấp”.     
Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; triển khai kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đã yêu cầu các ngành, địa phương nghiên cứu và xác định từng loại cây trồng phù hợp với từng vùng để tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tính toán cụ thể lợi thế của từng loại cây trồng để xác định đâu là cây trồng chủ lực của tỉnh. “Các ngành, địa phương phải tập trung triển khai các giải pháp nâng cao năng suất cây trồng và chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang cây khác có hiệu quả cao hơn. Tái cơ cấu nông nghiệp là phải tái cơ cấu trong nội bộ từng loại cây trồng, từng vùng cụ thể. Các ngành, địa phương phải định hướng cho người dân trong sản xuất nông nghiệp và các doanh nghiệp làm “bà đỡ” cho nông dân nhằm giảm thiểu thiệt hại. Ngoài triển khai sản xuất theo chuỗi liên kết, ngành nông nghiệp phải nghiên cứu liên kết vùng trong sản xuất nông nghiệp. Tập trung làm sao để người nông dân có thu nhập cao hơn và khai thác tốt tiềm năng lợi thế của tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp”-Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm