Gia Lai: Tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 23-6-2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đạt nhiều kết quả tích cực. Nhận thức của người dân, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh ngày càng được nâng lên, số vụ ngộ độc thực phẩm giảm dần.
Xung quanh vấn đề này, ông MAI XUÂN HẢI-Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh, cho biết:
- Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU, đến nay, Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP các cấp được thành lập và kiện toàn, hoạt động đảm bảo VSATTP trên địa bàn được triển khai và thực hiện đầy đủ, thống nhất và đồng bộ.
Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về VSATTP được đa dạng hóa dưới nhiều hình thức. Nhờ đó, nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng chuyển biến tích cực. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã có sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang-thiết bị, dụng cụ, mua sắm nguyên liệu và thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ... Thị trường thực phẩm trong tỉnh cũng được quan tâm nhiều hơn, bước đầu hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu thực phẩm an toàn như các vùng trồng rau sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP, trồng nấm sạch, chăn nuôi an toàn… Bên cạnh đó, một số cơ sở đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế HACCP hoặc theo TCVN ISO 22000 như: Công ty cổ phần Cà phê Thu Hà, Công ty TNHH một thành viên Chè Biển Hồ, Công ty MASECO tại Gia Lai...
  Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở sản xuất nước uống trên địa bàn tỉnh. Ảnh: N.N
Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở sản xuất nước uống trên địa bàn tỉnh. Ảnh: N.N
Hoạt động thanh tra, kiểm tra được phối hợp và thực hiện nghiêm. Công tác giải quyết thủ tục hành chính được các cơ quan quản lý nhà nước về VSATTP tuyến tỉnh giải quyết đúng trình tự, thủ tục và kịp thời cho các tổ chức, công dân. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát huy vai trò phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tổ chức tuyên truyền, vận động và trong phối hợp liên ngành giám sát, kiểm tra về an toàn thực phẩm.
Kết quả đáng ghi nhận là tình hình ngộ độc thực phẩm có xu hướng giảm dần theo các năm cả về số vụ, số người mắc và số người tử vong. Trong giai đoạn 2008-2012, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 46 vụ ngộ độc thực phẩm với 2.184 người mắc, 12 người tử vong (trong đó, có 9 ca tử vong do uống rượu trắng có chứa hàm lượng methanol vượt quá giới hạn cho phép); giai đoạn từ 2013 đến tháng 6-2018, chỉ ghi nhận 22 vụ ngộ độc thực phẩm với 661 người mắc, 3 người tử vong. 
* P.V: Mặc dù đạt được kết quả đáng ghi nhận, song công tác đảm bảo VSATTP trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại. Ban Chỉ đạo liên ngành VSATTP tỉnh sẽ có những động thái gì để khắc phục, thưa ông?
- Ông MAI XUÂN HẢI: Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP tỉnh tiếp tục triển khai quyết liệt Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 14-6-2017 của UBND tỉnh về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông-lâm-thủy sản; Quyết định số 965/QĐ-UBND ngày 22-12-2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch phát triển chăn nuôi tỉnh Gia Lai đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Quyết định số 966/QĐ-UBND ngày 23-12-2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tỉnh Gia Lai đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tăng cường giám sát và thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, xử lý nghiêm các cơ sở có mẫu giám sát không đảm bảo an toàn. Đối với phát triển chuỗi nông sản an toàn, Ban Chỉ đạo sẽ đôn đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục thực hiện Quyết định số 369/QĐ-UBND ngày 30-5-2016 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động thực hiện “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu, giai đoạn 2016-2020” .
* P.V: Ông có thể cho biết thêm những nhiệm vụ trọng tâm nào sẽ được triển khai trong thời gian gần nhất?
- Ông MAI XUÂN HẢI: Đó là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai và đôn đốc, kiểm tra đối với công tác đảm bảo VSATTP từ tỉnh đến cơ sở. Người đứng đầu các ngành có liên quan chịu trách nhiệm trước cấp ủy, chính quyền về việc triển khai các nhiệm vụ, biện pháp thực hiện công tác bảo đảm chất lượng VSATTP theo chức năng, nhiệm vụ được giao và phân cấp quản lý. Tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức và pháp luật về VSATTP, nhất là Luật An toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Chú trọng phát huy vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng; huy động các nguồn lực tham gia hoạt động truyền thông về VSATTP.
Bên cạnh đó, tập trung xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ chuyên trách và đội ngũ cộng tác viên tuyên truyền VSATTP; tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP từ tỉnh đến huyện, xã. Tăng cường phối hợp liên ngành trong thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng VSATTP đối với từng công đoạn của chuỗi cung cấp thực phẩm. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về VSATTP. Quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể. Xây dựng hệ thống cảnh báo và phân tích nguy cơ ô nhiễm thực phẩm; phòng-chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Quan tâm xã hội hóa công tác bảo đảm VSATTP; huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, xã hội-nghề nghiệp, các tổ chức đoàn thể và nhân dân trong việc bảo đảm chất lượng VSATTP…
* P.V: Xin cảm ơn ông!
Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm