(GLO)- Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT), Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai phối hợp với UBND huyện Krông Pa vừa tổ chức Hội nghị tăng cường công tác phòng-chống bệnh khảm lá vi rút trên cây mì.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: R'Ô Hok |
Tại Gia Lai, bệnh khảm lá vi rút trên cây mì được phát hiện vào tháng 9-2018 với diện tích nhiễm là hơn 141,1 ha, phân bố cục bộ tại 5 địa phương gồm: Phú Thiện 60,5 ha, Ia Pa 45,26 ha, Krông Pa hơn 17,7 ha, Chư Pưh 14,7 ha và Ayun Pa 3 ha.
Để đối phó với tình trạng trên, ngay từ đầu năm 2019, ngành Nông nghiệp và các địa phương có trồng mì đã chủ động phối hợp triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng-chống bệnh khảm lá vi rút hại mì. Tuy nhiên, bệnh vẫn lây lan nhanh và rất khó phòng trừ do đó lan rộng ra các địa phương khác trong tỉnh, chủ yếu tập trung tại khu vực phía Đông và Đông nam tỉnh với diện tích 4.224 ha, tăng hơn 4.082 ha so với năm 2018.
Trong năm 2020, rút kinh nghiệm từ thực tiễn, ngành Nông nghiệp đã ra nhiều văn bản hướng dẫn, khuyến cáo người trồng mì để thực hiện biện pháp phòng trừ bệnh. Nhờ vậy, bệnh khảm lá vi rút hại mì được khống chế, toàn tỉnh có 1.821 ha mì bị nhiễm, giảm 2.403 ha so với năm 2019.
Trong vụ Đông Xuân 2020-2021, bệnh khảm lá vi rút tiếp tục gây hại trên 367 ha mì, trong đó, thị xã Ayun Pa 84 ha, An Khê 45 ha, Ia Pa 125 ha, Phú Thiện 58 ha, Krông Pa 10 ha và Kbang 45 ha. Qua thống kê, đánh giá, bệnh khảm lá vi rút nhiễm nặng trên các giống HL-S11, KM 419; nhiễm trung bình trên giống KM 98-5, KM 140 và nhiễm nhẹ ở giống KM 94.
Ông Vũ Ngọc An-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT phát biểu tại hội nghị. Ảnh: R'Ô Hok |
Kết luận tại hội nghị, ông Vũ Ngọc An-Phó Giám đốc Sở nông nghiệp và PTNT nêu rõ, trong năm tới cần tiếp tục hướng dẫn các địa phương và người dân thực hiện các biện pháp phòng-chống bệnh khảm lá vi rút hại mì, đồng thời cử cán bộ chuyên môn kỹ thuật bám sát địa bàn để hướng dẫn địa phương, người dân thực hiện có hiệu quả.
Tăng cương công tác kiểm định, không cho phép vận chuyển thân, lá mì từ vùng có bệnh sang nơi chưa nhiễm bệnh; kiểm tra, giám sát chặt chẽ giống mì mới nhập vào địa bàn tỉnh. Chỉ đạo Trung tâm Nghiên cứu giống cây trồng để nghiên cứu, chọn tạo giống mì mới có năng suất, chất lượng, khả năng chống bệnh và kháng bệnh cao...
R’Ô HOK