Gia Lai: Tăng cường quản lý các cơ sở giáo dục mầm non

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước hiện tượng bạo hành trẻ em xảy ra tại một số cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) ở một số tỉnh thành trong nước với tính chất nghiêm trọng, gây tâm lý hoang mang lo lắng cho các gia đình và  bức xúc trong dư luận xã hội.
 

Học sinh mầm non vùng dân tộc thiểu số. Ảnh: L.T
Học sinh mầm non vùng dân tộc thiểu số. Ảnh: L.T

Mới đây, UBND tỉnh Gia Lai đã có Công văn số 4519/UBND-KGVX yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các ngành liên quan của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền tập trung thực hiện Luật Trẻ em năm 2016 và Chỉ thị số 20/CT-TW của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới; Chỉ thị số 505/CT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn trong các cơ sở giáo dục, đặc biệt quan tâm đến các cơ sở GDMN.

Bên cạnh đó, thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các cơ sở GDMN tư thục đã được cấp phép hoạt động và chưa được cấp phép để phụ huynh lựa chọn trường lớp, đảm bảo điều kiện chăm sóc giáo dục cho con em mình. Đồng thời, tuyên truyền cho nhân dân tại khu dân cư giám sát, phát hiện các cơ sở GDMN tư thục hoạt động trái quy định, không đảm bảo an toàn cho trẻ, đề nghị với chính quyền địa phương xử lý theo quy định.

UBND tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các phòng Giáo dục  và Đào tạo, các cơ sở GDMN xây dựng kế hoạch, giải pháp phòng chống tai nạn thương tích và phòng chống bạo hành trẻ em, thường xuyên bồi dưỡng, giáo dục đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong các cơ sở GDMN về đạo đức nghề nghiệp, nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, cam kết với cơ quan chức năng, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng mất an toàn cho trẻ. Chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở GDMN, xử lý nghiêm những cơ sở GDMN không đủ điều kiện bảo đảm an toàn cho trẻ nhưng vẫn tổ chức hoạt động (nếu có), kịp thời ngăn chặn, răn đe các biểu hiện, dấu hiệu về xâm phạm thân thể và tinh thần của trẻ, báo cáo cơ quan chức năng khi phát hiện bạo hành trẻ em để xử lý theo quy định pháp luật.

Chỉ đạo các cơ sở GDMN lắp đặt hệ thống camera giám sát tất cả các phòng học; thiết lập đường dây nóng tại Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện, thị xã, thành phố và các phòng Giáo dục và Đào tạo để người dân kịp thời tố cáo hành vi bạo hành trẻ và những vấn đề liên quan đến mất an toàn cho trẻ tại các cơ sở GMMN.

UBND các huyện thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện phối hợp với các cơ quan chức năng và các xã phường, thị trấn kiểm tra rà soát các điều kiện nuôi dạy của các cơ sở GDMN tư thục trên địa bàn, đặc biệt là các nhóm trẻ gia đình, kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở GDMN ngoài công lập không đủ điều kiện để tổ chức nuôi dạy trẻ theo quy định. Chú trọng quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp GDMN phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội và nhu cầu của các bậc phụ huynh. Thực hiện nghiêm việc phân cấp quản lý các nhóm trẻ, nhà  trẻ, trường mầm non ngoài công lập, quy định rõ trách nhiệm của các cấp quản lý.

Lương Thanh

Có thể bạn quan tâm