(GLO)- Đó là chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai tại Công văn số 71/TB-VP. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm việc quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung.
Kiểm tra công tác xây dựng hệ thống cấp nước sạch vùng dân tộc thiểu số. Ảnh: T.N |
Nâng cao hiệu quả sử dụng công trình, tránh để xảy ra tình trạng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung bị hư hỏng, ngừng hoạt động. Phối hợp với Sở Tài chính đề xuất việc hỗ trợ kinh phí cho các địa phương khó khăn để sửa chữa các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung bị hư hỏng, xuống cấp. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các quy định của pháp luật, văn bản hiện hành của Trung ương về đầu tư, quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, các chính sách hỗ trợ theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về tham gia quản lý và sử dụng nước các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; phát động trồng rừng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng đầu nguồn, trồng cây phân tán đầu nguồn nước; không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật độc hại để bảo vệ chất lượng nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho dân. Từng công trình phải thành lập tổ quản lý và khai thác, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng có công trình nhưng không có tổ chức quản lý. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch từ nguồn WB, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để cấp nước cho người dân nông thôn, nhất là các khu vực nông thôn đang trong quá trình đô thị hóa.
Mặt khác, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện (trừ TP. Pleiku và thị xã An Khê, Ayun Pa) tiến hành rà soát, đánh giá và phân loại, xác định cụ thể từng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung có khả năng phục hồi, sửa chữa, công trình phải thanh lý. Đối với các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung không đảm bảo về nguồn nước, không khắc phục, sửa chữa được, khi thanh lý phải rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng đến bao nhiêu người dân dùng nước và có phương án cấp nước thay thế cho người dân khi thanh lý công trình, trình tự thủ tục thanh lý phải thực hiện đầy đủ và chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, các huyện khẩn trương xây dựng kế hoạch sử dụng các nguồn vốn này để sửa chữa các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung bị hư hỏng, xuống cấp theo đúng quy định; gắn việc cung cấp nước cho người dân với việc hình thành các hợp tác xã làm nhiệm vụ cấp nước sinh hoạt, góp phần thực hiện đạt chuẩn tiêu chí về nông thôn mới.
Thanh Nhật