Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai: Tạo nguồn nhân lực cho cơ sở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những sinh viên tốt nghiệp các trường đại học thừa năng động, nhiệt tình, chịu khó, chịu khổ được Tỉnh ủy Gia Lai lựa chọn tăng cường về cơ sở ngày nào giờ đã trưởng thành (Đề án 03/ĐA-TU ngày 12-6-2009 của Tỉnh ủy). Giờ họ đa số là công chức cấp xã, huyện, là cán bộ nguồn tại nhiều địa phương. Nhiều người giữ chức vụ lãnh đạo ở xã và đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế-xã hội vùng khó.

Giúp dân làm kinh tế

Những sinh viên ngày nào giờ đã trở thành công chức xã, huyện, nhiều người giữ chức vụ phó chủ tịch các xã vùng khó. Ảnh: M.N
Những sinh viên ngày nào giờ đã trở thành công chức xã, huyện, nhiều người giữ chức vụ phó chủ tịch các xã vùng khó. Ảnh: M.N
Tháng 4-2010, sau 6 tháng học việc tại Trạm Khuyến nông huyện Kbang, chàng trai tốt nghiệp ngành Phát triển nông thôn-Khuyến nông (Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh) Lê Văn Quang được giao nhiệm vụ tại xã đặc biệt khó khăn là Kon Pne. “Ngày đầu một mình cưỡi xe máy vào địa bàn nhận nhiệm vụ mới, tôi khởi hành từ huyện lúc 8 giờ sáng, nhưng mãi đến hơn 4 giờ chiều mới đến được xã. Đi miết mà vẫn chưa đến nơi, đường lúc đó rất khó đi, chủ yếu đường đất trơn trợt, một bên thì vách núi cheo leo, bên là vực sâu rất nguy hiểm. Đến được nơi làm việc đã là một hành trình gian nan, nhưng  khung cảnh hoang vắng càng khiến tôi bối rối với quyết định ban đầu của mình”-Quang kể.
Tuy nhiên, đó chưa phải là trở ngại lớn, nhiệt huyết cống hiến của chàng trai trẻ này lại thêm một lần nữa được đem ra thử thách. Hơn 4 tháng trời, Quang không định hình được mình phải làm gì vì không được ai phân công nhiệm vụ cụ thể. Anh phải hỏi hết người này đến người kia tự tìm việc cho mình để thoát khỏi tâm trạng chán nản. Thế nhưng, đến khi xã Kon Pne có Bí thư mới thì chuyên môn của Quang mới có “đất dụng võ”. Khi được giao nhiệm vụ cụ thể, đúng chuyên ngành đã học, Quang đã mạnh dạn đề xuất xây dựng mô hình phát triển cây bời lời đỏ. Từ vài ha bời lời ban đầu trồng theo kiểu tự phát, đến nay, diện tích này đã lên đến 250 ha. Đó là nhờ Quang ươm giống, hướng dẫn cho người dân trồng mở rộng diện tích (trước đây người dân tự lên rừng lấy giống về trồng). 
Chưa hết, với một sào lúa, mỗi vụ người dân chỉ thu được trăm ký, nay đã là 4 tạ. Quang đã mạnh dạn sử dụng máy cày xử lý đất, thay cho việc dùng trâu dẫm ruộng như trước đây nên năng suất lúa tăng lên rõ rệt. Ngoài ra, Quang cũng là người đầu tiên đưa giống mì cao sản vào sản xuất cho năng suất cao, diện tích này nay đã tăng lên đến 100ha. Những đổi thay ấn tượng ấy được Quang tóm lược ngắn gọn: “Ngày xưa người dân ở đây còn đói, bây giờ thì không ai đói nữa mà nay chỉ lo sản xuất để nâng cao thu nhập”. Và chỉ sau hơn 1 năm cống hiến, tháng 7-2011, Quang được tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã cho đến nay.
Muốn được là người của làng
Chàng sinh viên Nguyễn Công Lộc muốn trở thành người của làng
Nguyễn Công Lộc-chàng kỹ sư trẻ muốn được trở thành người của làng, muốn cải thiện dần đời sống của người dân bằng những kiến thức đã học. Ảnh: M.N
Đó là ước nguyện của Nguyễn Công Lộc-chàng kỹ sư trẻ tốt nghiệp Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh chuyên ngành Thú y tình nguyện về công tác ở xã vùng sâu của huyện Đak Pơ. Trước khi vào đại học, Lộc luôn ấp ủ dự định trở về cống hiến ở mảnh đất-nơi đã gắn với tuổi thơ của mình. Chính vì vậy, tháng 4-2010, chàng sinh viên trẻ tuổi tình nguyện về nhận công tác ở xã Ya Hội sau khi trúng cử theo đề 03 của Tỉnh ủy. 
Theo Lộc, Ya Hội chỉ cách nhà (xã Cư An, thị trấn Đak Pơ) trên dưới 20km, nhưng là xã vùng ba nên cơ sở vật chất thiếu thốn, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Tập tục canh tác nơi đây đa phần còn lạc hậu, trồng trọt, chăn nuôi theo kiểu manh mún nhỏ lẻ. Ý thức được điều này, chàng kỹ sư trẻ không quản ngại khó khăn,  luôn bám làng, bám dân. Dù nắng mưa, khuya sớm Lộc vẫn đều đặn đến từng làng, từng hộ dân để nắm bắt tình hình trồng trọt chăn nuôi của người dân. Từ đó có những đề xuất kịp thời với chính quyền, hướng đồng bào dần tiếp cận với những tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong sản xuất chăn nuôi. 
Lộc chia sẻ, anh thấy vui khi nhiều ngày nghỉ, thậm chí nửa đêm, có người vẫn gọi điện cho anh, vì... bầy heo ở nhà họ bị bệnh hay đẻ khó. Vậy là, anh lao xe máy về làng, cùng dân kiểm tra và sớm đưa ra biện pháp cứu chữa hợp lý. “Thấy rất vui vì bà con tin tưởng mình, xem mình như đã là người của làng. Mình muốn gắn bó lâu dài cùng bà con nơi đây, muốn được cải thiện dần đời sống của người dân bằng những kiến thức đã học"-Lộc cười hiền nói.
Nhận xét về Lộc, ông Dương Thái Thạch- Phó Chủ tịch UBND xã Ya Hội, cho biết: Lộc luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, anh luôn kịp thời nắm bắt tình hình dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi, từ đó giúp bà con có hướng xử lý thích hợp. Lộc đã chứng tỏ mình là người có chuyên môn, có trách nhiệm trong công việc. "Theo quy hoạch giai đoạn 2020-2025, Lộc sẽ là một trong những cán bộ chủ chốt của xã Ya Hội"- ông Thạch cho biết.
Đề án 03 của Tỉnh ủy đã, đang và đang lựa chọn được nhiều cán bộ trẻ có năng lực, yên tâm công tác lâu dài tại cơ sở. Đơn cử như: Phan Nguyễn Vi Sa-kỹ sư nông học hiện đã là Phó Chủ tịch UBND xã Đê Ar, Võ Thị Lại-cử nhân kinh tế nông nghiệp nay là Chủ tịch Hội Nông dân xã Ayun (Huyện Mang Yang); Đào Thị Minh, Đỗ Thị Thúy (huyện Đak Pơ) người thì làm cán bộ Tỉnh đoàn, người là cán bộ Văn phòng Thống kê thị trấn Đak Pơ và còn rất nhiều sinh viên mới tốt nghiệp ra trường ngày nào giờ đã được tuyển dụng vào công chức cấp xã, huyện… Họ là những cán bộ trẻ, có trình độ và năng lực, là nguồn nhân lực bổ sung, khắc phục tình trạng thiếu hụt cán bộ có trình độ tại cơ sở, đồng thời góp phần vào việc củng cố, nâng cao hiệu quả của hệ thống chính trị ở cơ sở hiện nay.
Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm