Gia Lai: Tạo sinh kế cho người khuyết tật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dự án Phục hồi lồng ghép cho người khuyết tật do bệnh phong và do nguyên nhân khác tại tỉnh (gọi tắt là dự án NLR) vừa kết thúc giai đoạn 1. “Tuy quy mô nhỏ nhưng dự án sát với thực tế và có ý nghĩa thiết thực với nhu cầu của người khuyết tật (NKT) nói chung, NKT do bị bệnh phong nói riêng, giúp họ cải thiện cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng”-Phó Giám đốc Sở Y tế Đinh Hà Nam nhận xét.

Dự án NLR được triển khai trên địa bàn tỉnh giai đoạn 1 từ tháng 9-2017 đến tháng 3-2018 tại thị trấn Đak Đoa (huyện Đak Đoa) và xã Ia Ake (huyện Phú Thiện). Tổng kinh phí thực hiện trong năm thứ nhất là 800 triệu đồng do Hiệp hội Cứu trợ bệnh phong Hà Lan tài trợ.

 

Người khuyết tật được quan tâm, chăm sóc sức khỏe. Ảnh: internet
Người khuyết tật được quan tâm, chăm sóc sức khỏe. Ảnh: internet

Ông Nguyễn Văn Đồng-Giám đốc Trung tâm Phòng-chống Bệnh xã hội tỉnh, thông tin: Dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt và có sự ủng hộ, đồng lòng của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội ở địa phương. Dự án góp phần đem lại hiệu quả thiết thực đối với bản thân NKT và gia đình họ; đặc biệt là làm thay đổi nhận thức của cộng đồng, các ban, ngành địa phương về NKT, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, nhất là NKT do phong.

Trong giai đoạn 1, dự án NLR đã triển khai một số hoạt động tại làng Ngol (thị trấn Đak Đoa) và làng Domak (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện). Theo đó, dự án hỗ trợ bò sinh sản (hình thức xoay vòng) nhằm tạo điều kiện cho hộ gia đình NKT có điều kiện khó khăn phát triển chăn nuôi. Khi  bò đẻ,  hộ gia đình nhận nuôi được hưởng con bê lứa đầu tiên, sau đó luân chuyển bò mẹ sang hộ tiếp theo. Đồng thời, tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm cho NKT tại TP. Huế. Bên cạnh đó, dự án đã hỗ trợ kinh phí đi học cho 4 con em bệnh nhân phong tại 2 địa phương triển khai dự án (bắt đầu hỗ trợ từ tháng 9-2017); sửa chữa khu vệ sinh làng Ngol, xây nhà vệ sinh tại làng Domak và cải tạo, xây dựng hệ thống nước sinh hoạt chung phục vụ NKT cho 2 làng nói trên. Ngoài ra, Trung tâm Phòng-chống Bệnh xã hội tỉnh còn tổ chức khám bệnh, chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho NKT tại thị trấn Đak Đoa và xã Ia Ake; tổ chức tập huấn cho y tế thôn làng, trưởng thôn, y tế xã, huyện về phát hiện và can thiệp sớm khuyết tật…

“Nhìn chung các hoạt động được triển khai đúng với mục tiêu đề ra của dự án là nâng cao năng lực và sự tham gia của NKT; hỗ trợ NKT tiếp cận với các nguồn lực và dịch vụ hiện có tại địa phương; tạo điều kiện để trẻ khuyết tật tiếp cận với các dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội…”-Giám đốc Trung tâm Phòng-chống Bệnh xã hội, cho biết thêm.

Tại cuộc họp sơ kết giai đoạn 1 dự án NLR, nhiều ý kiến, đề xuất cũng đã được nêu ra trên tinh thần góp ý, xây dựng để dự án triển khai hiệu quả trong thời gian tới. Chia sẻ về những hoạt động của dự án, ông Giáo-Trưởng thôn Ngol cho biết: “Ngày nay sự kỳ thị của cộng đồng về bệnh phong đã giảm. Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền cho dân làng về bệnh phong; lợi ích khi sử dụng thẻ bảo hiểm y tế lúc ốm đau để đến các cơ sở y tế khám-chữa bệnh… Triển khai dự án này, làng Ngol được cấp 3 con bò sinh sản cho 3 hộ NKT khó khăn, qua thời gian chăm sóc, bò sinh bê cho hiệu quả kinh tế nên người dân rất phấn khởi. Các công trình khác như nước sạch, nhà vệ sinh cũng đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân. Mong muốn của dân làng là thời gian tới sẽ có nhiều NKT được hỗ trợ hơn”.

Ông Diệp Đại Quốc-Chủ tịch UBND thị trấn Đak Đoa, cho biết: Người khuyết tật rất cần được hỗ trợ nhưng nguồn ngân sách của địa phương còn hạn chế. Vì vậy, những dự án như thế này có ý nghĩa thiết thực với người dân nên bà con rất phấn khởi.

Ông Nguyễn Văn Đồng-Giám đốc Trung tâm Phòng-chống Bệnh xã hội: Dự án có ý nghĩa nhân văn rất lớn nhưng mục tiêu có giới hạn nên một số hoạt động cần thời gian để khảo sát, đánh giá chu đáo, tránh lạm dụng và tạo sự công bằng cho tất cả NKT được hưởng thụ. Giai đoạn 2 của dự án triển khai tại tỉnh ta từ tháng 4-2018 đến tháng 3-2019 với kinh phí tài trợ 1 tỷ đồng.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm