Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai: Tập trung kiềm chế tai nạn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tại hội nghị sơ kết tình hình công tác quý I và triển khai giải pháp thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội quý II-2018 do UBND tỉnh Gia lai tổ chức ngày 5-4 vừa qua, một trong những vấn đề “nóng” được các đại biểu quan tâm là tình trạng tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh đang gia tăng đáng lo ngại. Trên cơ sở phân tích nguyên nhân, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp hữu hiệu để kiềm chế TNGT trong thời gian tới.

Thực trạng đáng lo ngại

Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai, tính đến ngày 31-3, trên địa bàn tỉnh xảy ra 119 vụ TNGT, làm 78 người chết, 122 người bị thương (tăng 4,3% số vụ và tăng 22% số người chết so với cùng kỳ năm 2017). Trong số đó có 8 vụ TNGT rất nghiêm trọng và 1 vụ đặc biệt nghiêm trọng làm chết 19 người, bị thương 6 người. Đặc biệt, trong 9 vụ TNGT trên, có 6 vụ (chiếm 66,67%) liên quan đến người dân tộc thiểu số, làm chết 13 người và làm bị thương 4 người.

 

Quang cảnh hội nghị sơ kết công tác quý I-2018. Ảnh: V.H
Quang cảnh hội nghị sơ kết công tác quý I-2018. Ảnh: V.H

Về nguyên nhân dẫn đến TNGT, theo phân tích của cơ quan chuyên môn, có đến 84% số vụ do lỗi của người điều khiển phương tiện giao thông; trong đó, lỗi lấn đường 39 vụ, thiếu quan sát 23 vụ, vi phạm tốc độ và khoảng cách an toàn 20 vụ. Điều đáng báo động là TNGT liên quan đến người dân tộc thiểu số tiếp tục tăng cao. Trong số 119 vụ TNGT xảy ra trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến ngày 31-3 thì có 45 vụ liên quan đến người dân tộc thiểu số (chiếm gần 39%), làm 34 người chết và 21 người bị thương. Đơn cử như vụ TNGT xảy ra vào lúc 18 giờ 30 phút ngày 11-2 tại thôn 2 (xã Đak Krong, huyện Đak Đoa), 5 thanh niên người dân tộc thiểu số đi trên 2 xe máy đã tông trực diện vào nhau, hậu quả làm 3 người chết và 2 người bị thương…

Cũng theo phân tích của cơ quan chuyên môn, người gây TNGT có độ tuổi từ 18 đến 30 chiếm hơn 40%; từ 31 đến 55 tuổi chiếm 24%. Thời gian xảy ra các vụ TNGT thường từ 17 giờ đến 22 giờ (58 vụ, chiếm hơn 48%) và từ 13 giờ đến 17 giờ (25 vụ, chiếm 21%). Trong quý I-2018, trên địa bàn tỉnh có 5 địa phương có số người chết do TNGT tăng từ 100% đến 450% là các huyện: Đak Pơ, Đức Cơ, Chư Sê, Ia Grai, Chư Prông.

Tập trung các giải pháp kiềm chế         

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, để hạn chế TNGT cần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Đại tá Vũ Văn Lâu-Giám đốc Công an tỉnh, cho biết: Phương tiện giao thông ngày càng tăng, người tham gia giao thông đông nhưng ý thức không tăng là nguyên nhân chủ yếu gây ra các vụ tai nạn. Để giải quyết được vấn đề này cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về chấp hành pháp luật đối với người tham gia giao thông. “Thời gian tới, lực lượng Cảnh sát Giao thông sẽ tăng cường công tác tuần tra kiểm soát để xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nhằm kìm hãm TNGT”-Đại tá Vũ Văn Lâu nhấn mạnh.

Còn theo ông Nguyễn Trường Sơn-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải, Ban An toàn Giao thông các địa phương cần tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phân tích rõ nguyên nhân dẫn đến TNGT. Từ đó, đề ra các giải pháp cụ thể, sát với tình hình thực tế của địa phương, các tuyến đường, các khu vực thường xảy ra TNGT.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành chỉ đạo: Các địa phương, đơn vị cần tăng cường vai trò trách nhiệm của mình trong việc kéo giảm các vụ TNGT. Hệ thống giao thông của tỉnh ngày càng hoàn thiện, phương tiện nhiều, vì vậy, nếu không có các giải pháp quyết liệt thì TNGT sẽ tiếp tục tăng. Các địa phương có số vụ tai nạn, số người chết tăng cao trong quý I cần chủ động các biện pháp kiềm chế, trong đó chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. “Kéo giảm TNGT không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị”-Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh.

Vĩnh Hoàng

Có thể bạn quan tâm