(GLO)- Cũng như mọi năm, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 Âm lịch) năm nay những người con Gia Lai cũng náo nức đưa bánh chưng, bánh dày- một trong những lễ vật không thể thiếu trên mâm lễ-dâng lên Vua Hùng. Ai ai cũng thành kính một lòng hướng về đất Tổ.
Ngay từ sáng sớm, đông đảo người dân đã đổ về Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương để dâng hương tưởng nhớ. Ảnh: Trần Dung |
Ngay từ sáng sớm, từng dòng người đã có mặt tại Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương (trong Công viên Văn hóa Đồng Xanh-xã An Phú-TP. Pleiku) để dâng lễ. Lễ vật dâng tiên tổ không chỉ được tạo nên bởi những nguyên vật liệu tinh túy mà còn chứa đựng tấm lòng thành kính, tri ân Vua Hùng của người dân Phố núi. Năm nay các nghi thức cúng lễ được rút gọn lại, không có Đội tiêu binh rước Quốc kỳ, cờ hội… như mọi năm. Tuy nhiên, mâm lễ truyền thống thì vẫn phải có bánh chưng, bánh dày. “Từ thời Vua Hùng đến nay, bánh chưng, bánh dày luôn có vị trí đặc biệt trong tâm thức của cộng đồng người Việt. Hai loại bánh đặc biệt này là lễ vật không thể thiếu dâng cúng Vua Hùng. Hàng năm, chúng tôi đều chuẩn bị lễ vật dâng lên gồm hương hoa, bánh chưng, bánh dày cùng các sản vật đặc trưng của địa phương. Chúng tôi luôn chuẩn bị chu đáo từ khâu chọn gạo, chọn lá, gói bánh… để làm nên những chiếc bánh chưng, bánh dày ngon và đẹp mắt nhất để dâng lên cúng Quốc Tổ”-ông Lê Văn Trường, cán bộ quản lý Công viên Văn hóa Đồng Xanh cho biết.
Những người dâng lễ vật phải là những nam thanh, nữ tú. Ảnh: Trần Dung |
Theo ông Trường, những chiếc bánh chưng dâng lên Vua Hùng được làm từ loại gạo nếp có hạt to, tròn, dẻo và thơm hương. Ngoài gạo nếp, nguyên liệu để làm bánh chưng còn có lá dong, đậu xanh và thịt heo. Gạo nếp sau khi đã được ngâm và xóc muối, được đổ vào khuôn lót lá dong, cho nắm đậu đã đồ chín, rồi đặt miếng thịt đã ướp hạt tiêu, hành củ vào giữa, phủ lên lớp đỗ và lớp gạo sau đó gói lại bằng lạt mỏng, mềm và dẻo dai. Còn làm bánh dày cũng phải chọn gạo nếp thơm ngon. Sau khi được đồ chín, đổ vào cối giã nhuyễn. Cơm nếp càng giã kỹ càng dẻo, tạo thành bột trắng mịn. Sau đó dùng tay vắt thành từng cục bột nhỏ, nặn tròn tròn rồi ấn bẹp xuống.
Theo quan niệm dân gian, bánh chưng màu xanh và có hình vuông, tượng trưng cho đất. Bánh dày màu trắng và có hình tròn, tượng trưng cho trời. Hay bánh chưng là âm-tượng trưng cho mẹ, bánh dày là dương-tương xứng với cha. Vì thế bánh chưng, bánh dày được dùng để cúng tổ tiên, trời đất thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn, biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước.
Dâng lễ tại Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương (trong Công viên Văn hóa Đồng Xanh-xã An Phú-TP. Pleiku). Ảnh: Trần Dung |
Cùng con gái lên dâng lễ tại Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương trong ngày Quốc giỗ, bà Trần Thị Mến (xã Ia Tô-huyện Chư Prông) chia sẻ: “Năm nào tới ngày này, tôi lại nhớ quê hương Phú Thọ của mình. Để nguôi ngoai nỗi nhớ quê, tôi lên đây để thắp hương tưởng nhớ. Tôi có thể tìm thấy những cảm xúc yên bình khi thành kính bái lạy trước Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương. Dâng lên các Vua Hùng chiếc bánh chưng, bánh dày là cách để thế hệ con cháu hôm nay tưởng nhớ sâu sắc công đức tổ tiên đã dạy ta biết yêu quý hạt gạo-thứ "ngọc thực” quý nhất trời đất này”.
Sau phần nghi lễ cúng Quốc Tổ, hàng trăm người dân Phố núi đã dâng lên tổ tiên những nén hương bày tỏ lòng thành kính. Nhiều người dân không những ở TP. Pleiku mà còn từ các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh đã tranh thủ tập trung về đây. Trong không khí trang nghiêm, dưới làn khói hương tỏa ra nghi ngút, người người thành tâm khấn vái, cầu mong cho quốc thái dân an cũng như sự bình an, mạnh khỏe cho gia đình. Nhiều người đến viếng còn dẫn con cháu theo với mong muốn nhắc cho chúng nhớ về nguồn cội, về công ơn trời biển của các vua Hùng, cũng như giáo dục truyền thống yêu nước của dân tộc. Em Nguyễn Chí Chương-học sinh lớp 2, Trường Tiểu học Ngô Mây (TP. Pleiku), bày tỏ: “Em được mẹ đưa tới Đền thờ Vua Hùng để dâng hương tưởng nhớ các vị vua đã có công dựng nước. Em được nghe kể về sự tích bánh chưng, bánh dày và sự tích về những ngày đầu dựng nước của cha ông. Em cảm thấy rất tự hào và hiểu hơn về công lao của các vua Hùng”.
Chắc hẳn ai ai cũng mong muốn được đặt chân đến Đền Hùng (TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) trong dịp giỗ Tổ. Tuy nhiên, với những người con sống xa quê hay nhân dân Gia Lai thì họ vẫn tự hào khi được tự tay mình dâng lễ vật và những nén hương thơm lên Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương, được trở về nguồn cội và cảm nhận được sự thiêng liêng của ngày Giỗ Tổ tại Gia Lai.
Trần Dung