Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia lai: Tháo gỡ rào cản ngôn ngữ cho học sinh dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sử dụng tiếng Việt thành thạo là điều kiện tiên quyết giúp trẻ mầm non vùng dân tộc thiểu số (DTTS) tiếp thu tốt các nội dung trong giờ học cũng như những kỹ năng khác. Để tháo gỡ rào cản ngôn ngữ cho các em, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai đã có nhiều giải pháp nhằm tăng cường tiếng Việt. 
Khó khăn từ rào cản ngôn ngữ
Trước đây, giáo viên Trường Mẫu giáo Hoa Sữa (xã Ia Kly, huyện Chư Prông) gặp rất nhiều khó khăn trong việc giảng dạy do trẻ bị hạn chế về tiếng Việt. Trường có 5 lớp học tại 5 điểm làng với 143 học sinh,100% là người DTTS. Khi mới ra lớp, vốn tiếng Việt của hầu hết trẻ mầm non ở đây rất ít, thậm chí bằng không. Điều này vô hình trung đã tạo ra một rào cản trong giao tiếp, khiến các em tự ti, nhút nhát, hiệu quả học tập không cao. Cô giáo Trần Thị Thu Năm chia sẻ: “Đa phần giáo viên mầm non ở đây đều là người Kinh, không thông thạo tiếng Jrai. Do vậy, muốn hướng dẫn cho các bé hiểu một vấn đề, cô giáo mất rất nhiều thời gian. Ngay cả việc truyền đạt các kỹ năng cần thiết cho trẻ 3-5 tuổi như vệ sinh cá nhân, sắp xếp, tổ chức các hoạt động vui chơi cũng gặp khó khăn. Trước tình hình đó, Ban Giám hiệu nhà trường và giáo viên đã tích cực triển khai dạy tiếng Việt cho trẻ ngay từ ngày đầu tiên ra lớp. Với quan điểm lấy trẻ làm trung tâm, đối với các cháu ở từng độ tuổi, giáo viên lại có những phương pháp khác nhau để giúp trẻ dễ dàng làm quen, tiếp nhận tiếng Việt như ngôn ngữ mẹ đẻ”.
Một tiết học tăng cường tiếng Việt cho trẻ tại Trưởng Mẫu giáo Hoa Sữa (huyện Chư Prông). Ảnh: T.D
Cụ thể, 11 cán bộ, giáo viên Trường Mẫu giáo Hoa Sữa đã tích cực tuyên truyền, hỗ trợ phụ huynh trong việc tăng cường sử dụng tiếng Việt, xây dựng môi trường tiếng Việt tại gia đình và cộng đồng; vận động các gia đình tạo điều kiện cho con em đến lớp chuyên cần và tham gia học 2 buổi/ngày. Phía nhà trường cũng tạo môi trường thực hành tiếng Việt bằng cách tổ chức các hoạt động vui chơi, trải nghiệm như bán hàng, chơi các trò chơi dân gian; giao tiếp bằng tiếng Việt thường xuyên ở trường; khuyến khích phụ huynh đóng góp vật liệu làm đồ dùng, đồ chơi, các vật dụng sinh hoạt quen thuộc của người Jrai như: quả bầu khô, tre, rơm… để giáo viên sử dụng trong tăng cường tiếng Việt. “Đó là những cách làm hay mà Trường Mẫu giáo Hoa Sữa nói riêng và 21 trường mầm non của huyện nói chung đã áp dụng và đạt hiệu quả cao”-ông Lê Hồng Sơn-Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chư Prông-cho biết.
Ông Lê Duy Định-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT: “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non DTTS là bước đệm để các em tự tin bước vào cấp tiểu học. Những năm qua, với sự vào cuộc quyết liệt của ngành và các đơn vị liên quan, khả năng sử dụng tiếng Việt của trẻ DTTS trên địa bàn tỉnh được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, để chất lượng giáo dục vùng DTTS được nâng cao hơn nữa, ngoài việc phát huy những cách làm sáng tạo, chúng ta cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS”.

Trường Mẫu giáo Kông Lơng Khơng (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) cũng đang từng bước tháo gỡ rào cản ngôn ngữ cho trẻ DTTS. Trường có 225 học sinh DTTS, chiếm 81%. Xác định trẻ không thạo tiếng Việt sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dạy và học nên những năm gần đây, nhà trường tăng cường giao tiếp, dạy từ mới tiếng Việt cho trẻ thông qua mọi hoạt động vui chơi, múa hát... Cô Lê Thị Hường-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: “Trẻ là chủ thể trong trò chơi phát triển ngôn ngữ, được khen ngợi khi trả lời đúng. Các cô giáo cũng đặt nhiều câu hỏi để khuyến khích trẻ nói, phát biểu ý kiến trước đông người. Ngoài ra, nhà trường sử dụng đồ chơi, dụng cụ học tập bằng nguyên vật liệu địa phương, tạo sự gần gũi để giúp trẻ tăng cường tiếng Việt và thêm tự hào về nét văn hóa bản sắc của dân tộc mình. Hiện nay, 100% học sinh của trường đều thông thạo tiếng Việt trong giao tiếp”.

Hiệu quả thiết thực
Toàn tỉnh hiện có 36.031 học sinh mầm non là người DTTS, chiếm 41,4%. Việc tăng cường tiếng Việt cho các em luôn được ngành GD-ĐT tỉnh quan tâm và xác định là nhiệm vụ thường xuyên. Sau 5 năm thực hiện đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025”, 100% cơ sở giáo dục mầm non trong toàn tỉnh đã triển khai thực hiện và mang lại những kết quả tích cực.
Những tiết học ngoài trời tạo sự gần gũi cho trẻ. Ảnh: T.D
Bà Nguyễn Thị Phương Huệ-Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD-ĐT) thông tin: Để khắc phục những khó khăn về rào cản ngôn ngữ, những năm qua, Bộ GD-ĐT đã ban hành các thông tư, hướng dẫn thực hiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non vùng DTTS; tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn về giáo dục phát triển ngôn ngữ, tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, là chìa khóa để nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh, Sở GD-ĐT đã tổ chức rà soát thực trạng ở từng địa phương; tổ chức hội thảo chuyên đề: “Nâng cao chất lượng giáo dục lớp ghép; chỉ đạo công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học người DTTS”, xây dựng môi trường học tập lấy trẻ làm trung tâm; xây dựng 9 thư viện kiểu mẫu tại các trường mầm non ở 3 huyện Krông Pa, Mang Yang, Kbang; phát động phong trào tự làm đồ dùng dạy học để thông qua đó giúp trẻ học tiếng Việt nhanh và hiệu quả...
“Với những nỗ lực đó, đến nay, 100% trường mầm non đều có kế hoạch tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non vùng DTTS và triển khai thực hiện; 17 trường mầm non được xây dựng chỉ đạo điểm. Mô hình bán trú được mở rộng đến các điểm trường vùng DTTS, tỷ lệ học 2 buổi/ngày đạt trên 94%; kỹ năng sống và giao tiếp của trẻ vùng DTTS ngày càng được cải thiện, trẻ diễn đạt được suy nghĩ, mong muốn, thích đến trường và tích cực tham gia vào các hoạt động ở trường. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đều ý thức được trách nhiệm của mình nên đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả”-bà Nguyễn Thị Phương Huệ cho biết thêm. 
TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm