Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai: Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đề ra

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Các ngành, địa phương cần tập trung rà soát các nhiệm vụ còn lại của 6 tháng cuối năm 2018 để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả và hoàn thành nhiệm vụ đề ra; đẩy mạnh triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản…”. Đó là một trong những chỉ đạo của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 diễn ra vào sáng 25-6.

“Nóng” việc giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản

Báo cáo với lãnh đạo UBND tỉnh, ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Năm 2018, UBND tỉnh đã phân bổ vốn đầu tư là 3.276 tỷ đồng nhưng tính đến ngày 14-6, khối lượng các dự án công trình xây dựng chỉ thực hiện trên 493,8 tỷ đồng, đạt 15% kế hoạch; giải ngân cũng chỉ hơn 776,2 tỷ đồng, đạt 23,5% kế hoạch. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản thường xuyên được tỉnh chỉ đạo tích cực; tiến độ thực hiện được tổng hợp báo cáo UBND tỉnh hàng tuần để kịp thời chỉ đạo, đôn đốc.

 

Dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú (TP.Pleiku) chậm giải ngân vốn do ách tắc trong khâu giải phóng mặt bằng. Ảnh: M.T
Dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú (TP.Pleiku) chậm giải ngân vốn do ách tắc trong khâu giải phóng mặt bằng. Ảnh: M.T

Tuy nhiên, công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án còn chậm trễ và kéo dài. Do vậy, trong 64 dự án khởi công mới, đến nay mới có 1 dự án hoàn thành; 45 dự án đang triển khai thi công và các dự án khác đang hoàn chỉnh thủ tục đầu tư. “Còn 5 ngày nữa buộc phải giải ngân hơn 15% mới đạt chỉ tiêu 40% so với kế hoạch. Tuy vậy, hiện rất nhiều công trình chưa giải ngân được đồng nào, thậm chí có đến 9 dự án đang trong giai đoạn lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, chưa triển khai đấu thầu thì khả năng đến cuối năm mới có thể giải ngân được. Đặc biệt, 2 dự án của TP. Pleiku và thị xã Ayun Pa có khả năng mất vốn và không luân chuyển được do đã hết thời hạn 5 năm”-ông Thành thông tin.

Theo ông Trần Xuân Quang-Chủ tịch UBND TP. Pleiku, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ các nguồn vốn Trung ương và địa phương phân bổ cho thành phố trong năm 2018 là 156 tỷ đồng, chủ yếu dành cho dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú và chỉnh trang đô thị. Đến nay, tiến độ giải ngân chậm và không có khả năng đạt 40% vào ngày 30-6. Giải trình về sự chậm trễ này, Chủ tịch UBND TP. Pleiku thừa nhận là do lỗi chủ quan trong công tác triển khai thủ tục đối với công trình chỉnh trang đô thị Pleiku, giải quyết các vướng mắc không kịp thời. “Đối với dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú, chúng tôi phấn đấu giải phóng mặt bằng đến ngày 30-6 là xong. Tuy nhiên đến nay vẫn còn bị ách tắc bởi chưa thỏa thuận được với 49 hộ dân. Hiện thành phố đang tập trung vận động, giải thích, tìm phương án tháo gỡ”-ông Quang cho biết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lộc-Chủ tịch UBND thị xã Ayun Pa thì cho rằng: Dự án kè chống sạt lở bờ Tây sông Ba còn vướng mắc do các yếu tố khách quan. Ông Lộc đề nghị UBND tỉnh tạo điều kiện cho địa phương đến ngày 30-9 sẽ thực hiện giải ngân khoảng 60%.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành khẳng định, công tác giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa đạt yêu cầu, thậm chí một số dự án kêu gọi đầu tư chậm triển khai thực hiện và kéo dài. Đến nay, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản toàn tỉnh mới đạt 25% và khả năng hoàn thành giải ngân 40% vào cuối tháng 6-2018 có thể sẽ không đạt. “Thời tiết thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nhưng không thuận lợi cho xây dựng cơ bản làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Tuy nhiên, một số địa phương chuẩn bị các điều kiện để thực hiện dự án đầu tư xây dựng cực kỳ chậm, trách nhiệm không cao. Công tác giải tỏa đền bù chưa sát, lãnh đạo nhiều địa phương còn chủ quan. Nếu những tồn tại này không được xử lý kịp thời thì các địa phương sẽ không có nguồn đầu tư năm 2019”-Chủ tịch UBND tỉnh cảnh báo.

 

Thi công nâng cấp đường Cách Mạng Tháng 8 (TP. Pleiku). Ảnh: Đ.T
Thi công nâng cấp đường Cách Mạng Tháng 8 (TP. Pleiku). Ảnh: Đ.T

Tập trung nhiệm vụ 6 tháng cuối năm

Đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2018, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho rằng: Kết quả trên các mặt công tác của tỉnh có sự đóng góp tích cực của các ngành, địa phương, đơn vị, qua đó góp phần đưa tốc độ tăng trưởng của tỉnh trong 6 tháng đầu năm ước đạt 7,39%. Đây là điều đáng khích lệ, tạo tiền đề để tỉnh và các ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực thực hiện hoàn thành nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2018.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh cũng nêu một số hạn chế, tồn tại như: tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép ở một số địa phương vẫn còn diễn ra; công tác quản lý theo quy hoạch, quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường còn bất cập; tình trạng “tín dụng đen” vẫn còn diễn ra ở một số địa phương làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, nhất là một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số; phạm pháp hình sự, tệ nạn xã hội và tai nạn giao thông giảm chưa bền vững; công tác cải cách hành chính, đặc biệt là ở bộ phận một cửa của một số sở, ngành, địa phương vẫn chưa hiệu quả.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành yêu cầu các ngành, địa phương tập trung rà soát các nhiệm vụ còn lại của 6 tháng cuối năm để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả và hoàn thành nhiệm vụ đề ra; đẩy mạnh triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; tập trung thu ngân sách và rà soát lại nợ đọng thuế để có giải pháp thu; tập trung công tác quản lý theo quy hoạch và xử lý nghiêm các vi phạm về tài nguyên, khoáng sản, đất đai. Đặc biệt, tập trung triển khai xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, nhất là đối với hộ nghèo là gia đình chính sách; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao kỷ cương, kỷ luật, trách nhiệm của người đứng đầu và xem nhiệm vụ chung của tỉnh là nhiệm vụ của địa phương, của ngành để quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong năm 2018.

Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm