Kinh tế

Doanh nghiệp

Gia Lai: Tìm giải pháp nâng cao chỉ số thương mại điện tử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Năm 2021, chỉ số thương mại điện tử (TMĐT) của tỉnh Gia Lai tăng 2 bậc so với năm 2020, xếp thứ 44/56 tỉnh, thành phố được đánh giá xếp hạng. Ngành Công thương đang quyết liệt triển khai các giải pháp phấn đấu đến năm 2025 vào nhóm trung bình.

Thực trạng

Chỉ số TMĐT được tổng hợp từ 3 nhóm chỉ số thành phần làm trụ cột với trọng số lần lượt là: chỉ số nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin chiếm 20%; chỉ số về giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) chiếm 40%; chỉ số về giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) chiếm 40%.

Thanh toán không dùng tiền mặt đang được ứng dụng rộng rãi trong các giao dịch mua hàng hóa. Ảnh: Vũ Thảo



Năm 2021, Gia Lai được 5,04 điểm tổng hợp, thấp hơn 0,75 điểm so với điểm trung vị cả nước (5,79 điểm) và xếp thứ 3/5 tỉnh khu vực Tây Nguyên và đứng thứ 44/56 tỉnh, thành phố cả nước đánh giá xếp hạng. Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-đánh giá: “Thời gian qua, các doanh nghiệp đã chủ động đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng các phần mềm TMĐT phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tham gia các sàn giao dịch TMĐT trong và ngoài nước. Kết quả, chỉ số nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin tăng 6 bậc so với năm 2020; chỉ số về giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C) tăng 3 bậc so với năm 2020; chỉ số về giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) tăng 6 bậc so với năm 2020”.

Tuy chỉ số nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin tăng 6 bậc nhưng vẫn đứng ở vị trí thấp trong bảng xếp hạng (49/56 tỉnh, thành phố). Nguyên nhân do tỷ lệ dân số/1 tên miền quốc gia “.vn” của tỉnh còn thấp; chỉ tiêu các loại thẻ thanh toán và đơn vị chấp nhận thẻ, ví điện tử, dịch vụ chuyển phát cho bán lẻ trực tuyến chưa được phát triển mạnh; nguồn nhân lực chuyên trách về TMĐT chiếm tỷ lệ còn thấp. Bên cạnh đó, chỉ số về giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng Gia Lai tuy tăng 3 bậc nhưng một số tiêu chí thành phần vẫn còn thấp như thu nhập bình quân trên đầu người; số lượng doanh nghiệp của tỉnh chấp nhận các hình thức thanh toán trực tuyến, bao gồm ví điện tử, thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán còn hạn chế. Còn chỉ số về giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp cũng tăng 6 bậc nhưng hầu hết các doanh nghiệp ở tỉnh ta có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, khả năng tài chính hạn hẹp, hạn chế về năng lực ngoại ngữ cũng như nhân lực công nghệ thông tin để có thể tham gia các sàn TMĐT của thế giới; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng chữ ký số, hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử chưa cao…

Và giải pháp

Ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-cho biết: “Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp đều nhận thức rõ vai trò của TMĐT đối với phát triển kinh tế-xã hội, tác động của TMĐT đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, doanh nghiệp phải chủ động tham gia các sàn giao dịch TMĐT lớn, các ứng dụng TMĐT để trao đổi, mua bán; xây dựng website với thiết kế theo giao diện, góc kỹ thuật để tiện lợi trong việc quảng bá thương hiệu sản phẩm và bán hàng hóa”.

Thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến trong các giao dịch thương mại. Ảnh: Vũ Thảo


Để phấn đấu đến năm 2025 tỉnh ta thuộc nhóm trung bình của cả nước, ông Phạm Văn Binh cho rằng, cần tập trung nâng cao cả 3 chỉ số thành phần, trong đó, chú trọng các chỉ tiêu thành phần mà tỉnh còn ở vị trí thấp và các chỉ tiêu thành phần có trọng số cao trong các chỉ số thành phần như: tỷ lệ dân số/1 tên miền quốc gia “.vn” theo địa phương; số lượng tài khoản ví điện tử và thẻ thanh toán; thu nhập bình quân đầu người theo địa phương; số lượng gian hàng của địa phương kinh doanh trên các sàn TMĐT; tỷ lệ doanh nghiệp tham gia các giải pháp kinh doanh trực tuyến và tham gia các sàn TMĐT B2B hàng đầu thế giới; tỷ lệ doanh nghiệp có website; số lượng doanh nghiệp của địa phương chấp nhận các hình thức thanh toán trực tuyến, bao gồm ví điện tử, thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán; sử dụng chữ ký điện tử, hợp đồng điện tử; nhận đơn đặt hàng qua các công cụ trực tuyến…

Mục tiêu đến năm 2025 tỉnh ta có khoảng 2.200 website có tên miền “.vn”; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ công như: thuế, điện, nước, học phí, viện phí, bảo hiểm...; 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm, các đơn vị cung cấp dịch vụ điện nước, viễn thông, truyền thông, bệnh viện, trường học... trên địa bàn thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Với tốc độ tăng trung bình hàng năm khoảng 5%, đến năm 2025, khoảng 40% doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tham gia mua bán hàng hóa trên các sàn TMĐT, mạng xã hội, website TMĐT, các phần mềm ứng dụng.

Đề cập đến giải pháp nâng cao chỉ số TMĐT, ông Phạm Văn Binh cho hay: Sở Công thương sẽ phối hợp với Hiệp hội TMĐT Việt Nam tổ chức các phiên kết nối thương mại trực tuyến, hội chợ trực tuyến cho các sản phẩm hàng hóa của tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng website TMĐT; tham gia giới thiệu và mua bán sản phẩm, hàng hóa trên các sàn TMĐT uy tín như: Sendo, Lazada, Tiki, Shopee…; đẩy mạnh hoạt động mua bán các sản phẩm địa phương, đảm bảo 100% các sản phẩm OCOP Gia Lai được trưng bày, mua bán trên sàn TMĐT ocopgialai.vn; hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu tham gia các sàn TMĐT uy tín thế giới như Amazon, Alibaba. Bên cạnh đó, Sở phối hợp với các ngân hàng thương mại, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, đơn vị bán lẻ hàng hóa ứng dụng các dịch vụ trên nền tảng di động, thực hiện hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt.

 

VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm