Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai: Tìm giải pháp xử lý lâm sản tịch thu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Qua công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng Kiểm lâm đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, tịch thu hàng trăm mét khối gỗ tang vật. Tuy nhiên, việc tổ chức bán đấu giá số gỗ này đang gặp một số bất cập cần sớm tháo gỡ.
Theo ông Nguyễn Long Sơn-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang (Gia Lai), từ năm 2018 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện 32 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trên địa bàn huyện, thu giữ 78 m3 gỗ tang vật (từ nhóm I đến nhóm VIII). Toàn bộ số gỗ này đang được tập kết tại sân của Hạt Kiểm lâm huyện để quản lý. Thời gian qua, đơn vị đã đề xuất Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức bán đấu giá, thanh lý nhưng qua nhiều lần đấu giá vẫn không thành công. Qua thời gian dài, gỗ tang vật không được bảo quản tốt đã dần bị hư hỏng, mất phẩm chất. “Thời gian tới, số gỗ tang vật vi phạm bị tịch thu sẽ được làm thủ tục để lại xã hoặc các ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp trên địa bàn huyện bảo quản, trông coi bởi việc thuê vận chuyển gỗ tang vật trong các vụ vi phạm về Hạt chi phí rất cao. Việc không thể bán đấu giá số gỗ này cũng đồng nghĩa không có kinh phí để chi trả cho các chủ phương tiện được thuê vận chuyển”-ông Long nêu bất cập.
Mặt khác, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang cũng đề xuất, số gỗ tang vật sau khi bị lực lượng Kiểm lâm huyện tịch thu nên làm thủ tục bàn giao về tỉnh để tổ chức bán đấu giá tập trung. Bởi lẽ, việc tổ chức 1 cuộc đấu giá không hề đơn giản về thủ tục, từ thông báo trên các phương tiện truyền thông cho đến thuê các cơ quan định giá tài sản… Đây là những việc rất khó với cấp huyện. Do vậy, đề nghị các ban, ngành của tỉnh sớm xem xét phương án thanh lý để tránh tình trạng gỗ tịch thu bị hư hỏng theo thời gian, giảm dần giá trị, gây lãng phí.
   Ông Nguyễn Long Sơn-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang đề nghị các sở, ngành của tỉnh sớm có phương án xử lý số gỗ tang vật đang được tập kết tại đơn vị.              Ảnh: M.N
Ông Nguyễn Long Sơn-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang đề nghị các sở, ngành của tỉnh sớm có phương án xử lý số gỗ tang vật đang được tập kết tại đơn vị. Ảnh: M.N
Về vấn đề này, ông Nguyễn Nhĩ-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai-cho rằng, trước đây, việc bán lâm sản tịch thu được giao cho Chi cục Kiểm lâm thành lập hội đồng, thông qua thẩm định giá rồi tổ chức bán đấu giá. Tuy nhiên, theo hướng dẫn mới của tỉnh, việc xây dựng giá quá cao so với thực tế. Một bất hợp lý nữa là tất cả số gỗ đều quy ra gỗ tròn (lấy số gỗ theo tiêu chuẩn có bán kính 50 cm trở lên, trong khi gỗ tịch thu đa số gỗ xẻ, nhỏ) đã khiến việc đấu giá khó thành công. “Ở các tỉnh khác, có gỗ xẻ thì bán gỗ xẻ, có gỗ tròn thì bán gỗ tròn theo giá thị trường. Giờ chúng ta ban hành giá khởi điểm cứng nhắc, khi giá thị trường lên hoặc xuống thì vẫn bán theo giá khởi điểm là chưa sát với thực tế, chưa linh động. Do vậy, tỉnh nên thống nhất quy về một mối, bán theo lô, gỗ tốt hay xấu, nhỏ hay lớn, gỗ tròn, gỗ xẻ đều bán được. Đồng thời, mời cơ quan thẩm định giá và cơ quan đấu giá chuyên nghiệp tổ chức đấu giá số lâm sản tịch thu này mới đảm bảo tính khách quan”-ông Nhĩ đề nghị.
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Dũng-Giám đốc Sở Tài chính-cho biết, những năm trước, việc tổ chức bán đấu giá đều đưa về tỉnh để tránh tiêu cực. Nhưng qua tính toán, chi phí vận chuyển lớn nên để lại các Hạt Kiểm lâm, đồng thời xây dựng giá khởi điểm và giao Chi cục Kiểm lâm làm các bước thuê đơn vị thẩm định giá, trung tâm bán đấu giá. Đơn vị này cùng các sở, ngành phê duyệt, thẩm định giá khởi điểm ban đầu, nhưng qua 2 lần tổ chức đấu giá vẫn không bán được. “Mới đây, Bộ Tài chính lại có hướng dẫn về việc phân cấp thẩm quyền quyết định phê duyệt phương án xử lý tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu nên Sở đã tham mưu phân cấp việc này cho cấp huyện. Bây giờ xin ý kiến lãnh đạo tỉnh tiếp tục giao hết số lâm sản là tang vật tịch thu về tỉnh để tổ chức bán đấu giá”-ông Dũng đề nghị.
Trong chuyến thị sát tại các địa phương cùng Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang và các sở, ngành để chỉ đạo triển khai công tác quản lý, bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng mới đây, khi làm việc với Hạt Kiểm lâm huyện Mang Yang, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành yêu cầu các ngành liên quan phải xác định giá khởi điểm bán đấu giá gỗ tang vật tịch thu phù hợp, chia thành từng lô, phân loại gỗ xẻ và gỗ tròn để định giá cho hợp lý. Chủ tịch UBND tỉnh giao Chi cục Kiểm lâm cùng Sở Tài chính đề xuất phương án xử lý, lấy ý kiến các ngành trình UBND tỉnh để có hướng giải quyết cụ thể, dứt điểm vấn đề này trong thời gian tới.   
 MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm