Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Gia Lai: Tôn vinh những người có công tiêu biểu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 25-7, trong buổi kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, tỉnh ta đã tôn vinh 27 tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” và 70 người có công tiêu biểu đại diện cho trên 16 ngàn người có công toàn tỉnh. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành, việc biểu dương, vinh danh những người có công tiêu biểu là một trong những hành động hết sức ý nghĩa trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ. Việc làm này còn thể hiện tinh thần trách nhiệm của chính quyền, người dân đối với những người có công.

70 cá nhân được vinh danh lần này gồm Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương-bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người bị địch bắt tù đày và người có công với cách mạng. Họ là những tấm gương sáng, luôn vượt qua mọi khó khăn để xây dựng gia đình và đóng góp xây dựng quê hương.

 

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành trao bằng khen cho người có công tiêu biểu. Ảnh. Đ.T

Điển hình trong nỗ lực vượt khó để vươn lên là thương binh Rơ Châm Thới (xã Hòa Phú, huyện Chư Pah). Từng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông Thới quan niệm rằng chỉ có tích cực lao động sản xuất thì mới có cuộc sống ấm no. Với 1 ha đất bố mẹ chia cho khi ra ở riêng, vợ chồng ông Thới bắt tay vào trồng bời lời. Khi bời lời cho thu hoạch, ông Thới bán đi mua thêm đất trồng cà phê. Mới đầu chỉ đủ tiền mua vài sào đất hoang, vợ chồng ông lại tích cực phát dọn trồng cà phê. Sau đó, dành dụm được bao nhiêu tiền là vợ chồng ông lại bàn nhau mua thêm đất. Giờ đây, gia đình ông Thới đã có 2 ha cà phê, 1 ha bời lời, 10 con bò sinh sản, trừ chi phí, gia đình ông cũng để ra được gần 300 triệu đồng mỗi năm.

Chia sẻ về kinh nghiệm làm giàu, ông Thới cười tươi: “Nhiều lúc những vết thương trên cơ thể tái phát, đau nhức ê ẩm nhưng phải cố gắng làm. Mình thường xuyên tham quan, học hỏi những mô hình làm kinh tế giỏi quanh vùng. Nhờ thế, 2 ha cà phê của gia đình mình luôn đạt năng suất cao”. Vốn là người năng động, nhiệt tình, ông Thới không chỉ sản xuất giỏi mà còn là người gương mẫu, sống vì mọi người. Ông tích cực cùng với chính quyền địa phương vận động người dân xóa bỏ những tập tục lạc hậu, chịu khó sản xuất vươn lên làm giàu.

Ông Siu Miên (làng Obung, xã Ia Ko, huyện Chư Sê) đến với lễ tôn vinh lần này không chỉ là một cán bộ lão thành, người uy tín trong cộng đồng mà còn là người chăm lo phát triển kinh tế gia đình. Ông Miên bị địch bắt trong một trận đánh không cân sức. Tại Nhà lao Pleiku, ông bị địch tra tấn dã man suốt hơn 1 năm: từ ngày 26-10-1965 đến tháng 11-1966. Tuy vậy, ông không khai một lời nào, cuối cùng địch buộc phải thả ông về.

Trở về quê hương, ông Miên tiếp tục tham gia chiến đấu cho đến năm 1984 thì được điều về công tác ở Ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum. Từ năm 1987, ông công tác ở huyện Chư Sê với nhiều chức vụ khác nhau: Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Bí thư rồi Bí thư Huyện ủy Chư Sê. Đến tháng 6-2008 thì ông về hưu.

Ở tuổi 70, dù mang trong người nhiều vết thương chiến tranh nhưng ông Miên chưa bao giờ ngơi nghỉ. Hiện ông là đảng viên tích cực của chi bộ làng Obung, Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị yêu nước huyện Chư Sê. Ngoài ra, ông còn được bầu là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số huyện… “Còn sức thì còn cố gắng để cùng với chính quyền xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp hơn”-ông Miên nói.

Với bà con trong vùng, ông Miên luôn đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ông là người đầu tiên đưa cây cao su, cà phê, hồ tiêu về trồng ở vùng Ia Ko. Hiện gia đình ông đang sở hữu 10 ha cao su, 1 ha cà phê và 1.200 trụ hồ tiêu, góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động người dân tộc thiểu số trong vùng. Mỗi năm gia đình ông tích lũy gần nửa tỷ đồng.  

Tại lễ tôn vinh, còn nhiều tấm gương tiêu biểu như bà Ngô Thị Tơi (tổ dân phố 19, thị trấn Kbang, huyện Kbang) 9 năm là bộ đội, 16 năm là thanh niên xung phong, chưa một lần được thấy mặt cha và trở thành vợ liệt sĩ khi tuổi đời còn trẻ. Mang trong mình những vết thương chiến tranh và nhiễm chất độc hóa học, đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần nhưng chưa khi nào bà Tơi đầu hàng số phận. Bà luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống để nuôi 2 cô con gái trưởng thành. Thương binh Rơ Ô Blia (xã Đất Bằng, huyện Krông Pa), thương binh Nguyễn Quang Chiến (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah), thương binh Lê Văn Tiến (thị trấn Kbang, huyện Kbang) dù thân thể không còn lành lặn nhưng họ luôn vượt qua khó khăn để làm giàu cho gia đình, thường xuyên giúp đỡ đồng đội.

Phúc Nguyên

Có thể bạn quan tâm