Gia Lai: Triển khai Đề án tuyên truyền, hỗ trợ phụ nữ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch số 4585/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027 trên địa bàn tỉnh.
 

Trao đổi công tác tuyên truyền vận động phụ nữ dân tộc thiểu số. Ảnh: T.N
Trao đổi công tác tuyên truyền vận động phụ nữ dân tộc thiểu số. Ảnh: T.N

Mục tiêu nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng, thực hành của phụ nữ, phát huy vai trò chủ động của phụ nữ trong ứng phó và tham gia giải quyết có hiệu quả một số vấn đề  xã hội có liên quan đến phụ nữ, giảm thiểu những tác động tiêu cực, nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ.

Đề án được triển khai tại 17/17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Đối tượng của Đề án gồm cha mẹ có con dưới 16 tuổi, cán bộ hội phụ nữ và các cơ quan triển khai Đề án các cấp, cùng đối tượng chung là phụ nữ (trong đó chú trọng các nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ vùng sâu, vùng xa, nhóm phụ nữ có nguy cơ hoặc vi phạm đạo đức, pháp luật trong những vấn đề xã hội nổi cộm...).

Đề án cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2027, có 290.000 hội viên phụ nữ, cha mẹ có con dưới 16 tuổi được cung cấp thông tin, kiến thức về sự cần thiết phải giữ gìn và rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật; về giáo dục làm cha mẹ; về khả năng, vai trò của phụ nữ trong đảm bảo an toàn thực phẩm; phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, phòng-chống mua bán người, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, trong đó 60% thực hiện chuyển đổi hành vi. 100% cán bộ chuyên trách của các cơ quan tham gia triển khai đề án được bồi dưỡng nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nhằm hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội ưu tiên.

Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ được 2.200 phụ nữ còn thiếu kiến thức, kỹ năng, có nguy cơ hoặc vi phạm đạo đức, pháp luật trong các vấn đề xã hội nổi cộm được lựa chọn tác động có chuyển biến tích cực về hành vi. Ít nhất 160.000 phụ nữ được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực giới, bạo lực gia đình sẵn sàng lên tiếng trước các hành vi bạo lực. Hàng năm, không để xảy ra tình trạng các vụ việc xâm hại, bạo lực nghiêm trọng đối với phụ nữ và trẻ em mà Hội không lên tiếng kịp thời...

UBND tỉnh yêu cầu Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, các địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Đề án. Xây dựng các mô hình nhằm tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ hội viên, phụ nữ nâng cao kiến thức, kỹ năng về các nội dung Đề án can thiệp. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động mô hình địa chỉ tin cậy ở cộng đồng nhằm hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo lực giới, bạo lực gia đình... UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và Hội cấp huyện triển khai thực hiện Đề án phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương triển khai thực hiện các nội dung Đề án theo quy định. Bố trí ngân sách hàng năm để thực hiện Đề án.

Thanh Nhật

Có thể bạn quan tâm