Kinh tế

Doanh nghiệp

Gia Lai ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gia Lai đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong nhiều hoạt động, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận những thông tin cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào tỉnh.

Sau gần 2 năm đưa vào vận hành, phần mềm dữ liệu bản đồ dự án đầu tư tích hợp phục vụ cho công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh (https://gialaiinvest.vn) của Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư) đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích về các dự án đầu tư cho doanh nghiệp.

Tại trang chủ của phần mềm, bên cạnh mục giới thiệu chung là các mục bản đồ đầu tư, dữ liệu đầu tư, tin tức… Phần chính của trang giới thiệu các nội dung liên quan đến môi trường đầu tư (gồm 5 mục: Gia Lai-tiềm năng và cơ hội; các khu công nghiệp; thủ tục hành chính; chính sách; bản đồ Gia Lai) và các dự án đang kêu gọi đầu tư.

Ông Lê Tiến Anh-Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư-cho biết: “Nhà đầu tư chỉ cần truy cập vào trang gialaiinvest.vn sẽ có đầy đủ mọi thông tin mình cần, từ dự án tỉnh đang kêu gọi đầu tư, nhu cầu kêu gọi đầu tư của các địa phương, các chính sách ưu đãi của tỉnh hay các thủ tục hành chính cần thực hiện”.

Phần mềm dữ liệu bản đồ dự án đầu tư sau gần 2 năm triển khai đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho doanh nghiệp. Ảnh: H.D

Xác nhận điều này, ông Nguyễn Văn Tuấn-Giám đốc Công ty TNHH An Phát (tỉnh Nghệ An) chia sẻ: “Các thông tin về dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh Gia Lai được cập nhật khá cụ thể, đầy đủ, rõ ràng. Tôi đang quan tâm đến các dự án liên quan đến du lịch. Khi tra cứu ở đây, tôi có thể biết các địa phương đang kêu gọi đầu tư dự án nào, ví dụ huyện Đức Cơ có dự án du lịch suối Đôi, cây đa làng Ghè…; ở huyện Đak Pơ thì có dự án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng đồi thông Hà Tam; huyện Ia Grai thì có dự án Khu di tích Chư Nghé-Bến đò A Sanh, thác Chín tầng…

Căn cứ vào quy mô triển khai, vốn dự kiến đầu tư của dự án, doanh nghiệp có thể chủ động tìm hiểu, khảo sát để quyết định lựa chọn đầu tư phù hợp”.

Trong khi đó, ông Lê Ngọc Phúc-Giám đốc Công ty TNHH Thương mại-dịch vụ Thiên Phúc (phường Yên Thế, TP. Pleiku) lại ấn tượng với cơ sở dữ liệu cây thuốc tỉnh Gia Lai được đăng tại địa chỉ http://caythuocgialai.com.vn của Sở Khoa học và Công nghệ.

Ông Phúc nhận định: “Việc thu thập thông tin, số hóa và tích hợp dữ liệu về những cây dược liệu có trên địa bàn tỉnh đã đem lại lợi ích rất lớn cho những người muốn tìm hiểu nói chung, các doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội đầu tư liên quan đến cây dược liệu nói riêng”.

Nói về cơ sở dữ liệu cây thuốc, ông Nguyễn Nam Hải-Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ-cho hay: “Cơ sở dữ liệu cây thuốc xây dựng trên cơ sở gắn kết dữ liệu không gian và dữ liệu địa lý, được thiết kế trên môi trường internet giúp cho việc quản lý, khai thác dễ dàng, thuận tiện.

Đồng thời, làm cơ sở khoa học cho công tác lập quy hoạch, khai thác và phát triển vùng cây dược liệu quý hiếm. Dữ liệu cũng nhằm phục vụ việc thu hút, xây dựng các dự án đầu tư cũng như có những định hướng, giải pháp cụ thể để bảo tồn và phát triển cây dược liệu một cách bền vững cho giai đoạn từ nay tới năm 2025 và định hướng đến năm 2030, làm cơ sở cho việc bố trí nguồn vốn đầu tư, thu hút các doanh nghiệp đầu tư chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ cây dược liệu.

Việc này góp phần đáng kể thúc đẩy sản xuất hàng hóa, tạo thu nhập ổn định cho hàng vạn người dân sống phụ thuộc vào rừng, đồng thời bảo vệ rừng một cách bền vững”.

Các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận được thông tin chi tiết đối với dự án tỉnh đang kêu gọi đầu tư mà mình quan tâm tại phần mềm dữ liệu bản đồ dự án đầu tư tích hợp. Ảnh chụp màn hình

Để gia tăng tính minh bạch, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận được với những thông tin liên quan đến đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục triển khai xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2024; hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh (không bao gồm cơ sở dữ liệu địa chính); phối hợp với Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) triển khai hoàn thành phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu đất đai.

Hiện nay, đã kết nối liên thông với cơ quan thuế để thực hiện các nghĩa vụ về đất đai trên nền tảng phần mềm VBDLIS; đã kết nối cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh với cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia (https://nlis.vilg.gov.vn); thực hiện cập nhật, khai thác thông tin cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh (tại địa chỉ http://gla.mplis.gov.vn).

Một số sở, ngành, đơn vị cũng xây dựng các trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Việc tỉnh triển khai hợp nhất cổng dịch vụ công tỉnh và hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh thành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh là một bước tiến mới giúp người dân nói chung, doanh nghiệp nói riêng thuận lợi hơn trong thực hiện thủ tục hành chính.

Tất cả thủ tục hành chính của tỉnh được cung cấp trên cổng dịch vụ công tỉnh và cổng dịch vụ công cũng được triển khai thử nghiệm trợ lý ảo giúp tra cứu, giải đáp thắc mắc các thủ tục hành chính công của tỉnh. Việc tích cực ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động chính là một trong những điểm sáng góp phần xây dựng môi trường thân thiện để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Gia Lai.

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến nay, có 13 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với số vốn 1.111 tỷ đồng. Đây là kết quả chưa cao so với những năm trước nhưng cũng đã góp phần “tô sáng” bức tranh kinh tế của tỉnh.

Ông Đinh Hữu Hòa-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-thông tin: “Sở đang tập trung hoàn thiện sổ tay về quy trình đầu tư, đồng thời tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của tổ công tác đặc biệt để rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh”.

Có thể bạn quan tâm