(GLO)- Nhân Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) toàn tỉnh Gia Lai lần thứ III, đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã có cuộc trao đổi với Báo Gia Lai Điện tử về việc thực hiện chính sách đối với vùng đồng bào DTTS trong những năm qua và giải pháp trong thời gian tới.
* P.V: Đồng chí đánh giá như thế nào về hiệu quả thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?
- Đồng chí DƯƠNG VĂN TRANG: Phải khẳng định, việc thực hiện các chính sách dân tộc là một trong những nội dung quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quán triệt, ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tỉnh luôn ưu tiên nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, vùng căn cứ cách mạng. Nhờ đó, kinh tế vùng đồng bào DTTS đã từng bước có sự chuyển biến tích cực; cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng hàng hóa; công tác định canh, định cư đạt trên 90% về số hộ, cơ bản giải quyết tình trạng di cư tự do. Phong trào sản xuất giỏi ngày càng nhân rộng; công tác triển khai các chính sách đầu tư, hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS được thực hiện kịp thời, công khai, minh bạch, dân chủ, phù hợp với nhu cầu của người dân; công tác phối hợp lồng ghép các nguồn lực trên địa bàn được triển khai đồng bộ, góp phần nâng cao đời sống nhân dân vùng DTTS, từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh, từ 19,71% năm 2015 giảm xuống còn 10,04% năm 2018 (theo tiêu chí mới).
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang (thứ 4 từ trái qua) kiểm tra tình hình sản xuất, đời sống của các hộ dân ở khu vực núi Cheng Leng (xã Hbông, huyện Chư Sê) tháng 8-2018. Ảnh: Đ.P |
Đặc biệt, các công trình thiết yếu như điện, đường, trường, trạm... được đầu tư cơ bản, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; đường giao thông đến thôn, làng một số nơi được bê tông hoặc cứng hóa; 100% thôn, làng có điện lưới quốc gia và trên 99% hộ ở khu vực nông thôn sử dụng điện; trên 70% hộ đồng bào sử dụng nước hợp vệ sinh, nhà sinh hoạt cộng đồng nhiều nơi được xây dựng; 100% xã có trạm y tế...
Công tác giáo dục vùng DTTS có nhiều đổi mới; mô hình trường bán trú tập trung được tăng cường, con em người đồng bào DTTS được đến trường học tập trong điều kiện tốt hơn, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm rõ rệt. Văn hóa truyền thống của các dân tộc được gìn giữ và phát huy. Các loại báo, tạp chí được cấp đến các trường mầm non, trường dân tộc bán trú và nội trú; Báo Gia Lai xuất bản báo ảnh bằng 2 thứ tiếng (Jrai, Bahnar) phát hành đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, đã phủ sóng truyền thanh, truyền hình đến các vùng trong tỉnh... góp phần cập nhật thông tin kịp thời và nâng cao sự hiểu biết của nhân dân. Bên cạnh đó, thông qua chính sách dân tộc, đội ngũ cán bộ là người DTTS được bổ sung về số lượng, chuẩn hóa trình độ, nhận thức, bản lĩnh chính trị được nâng lên một bước, góp phần củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở.
Những kết quả đó cho thấy, các chính sách dân tộc được triển khai một cách kịp thời, đồng bộ, chính xác và phù hợp với điều kiện thực tiễn và phong tục tập quán của đồng bào các DTTS trong tỉnh, góp phần không nhỏ trong việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân và thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
* P.V: Tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp gì để đưa vùng DTTS phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế, thưa đồng chí?
- Đồng chí DƯƠNG VĂN TRANG: Mục tiêu xuyên suốt mà các cấp ủy, chính quyền quan tâm là ưu tiên cho các giải pháp giảm nghèo bền vững, các dự án định canh, định cư, giải quyết việc làm; thực hiện kịp thời các chính sách đối với người nghèo, người DTTS tiến tới khá, giàu; nông thôn giàu đẹp, văn minh; gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống. Đặc biệt, sẽ ưu tiên hơn nữa trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở các vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, vùng căn cứ cách mạng thực sự trong sạch, vững mạnh. Trong đó, ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ DTTS hợp lý.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu; từng bước tạo điều kiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, trước hết là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các xã đặc biệt khó khăn, huyện nghèo, thu hẹp dần khoảng cách giàu-nghèo giữa vùng thuận lợi với vùng khó khăn, giữa thành thị và nông thôn gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, nhất là việc thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh”.
Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vùng đặc biệt khó khăn; đẩy mạnh phát triển các cơ sở thương mại dịch vụ, hệ thống chợ và hợp tác xã mua bán ở các xã vùng khó khăn; tạo lập mối liên kết giữa nhà sản xuất, nhà khoa học, nhà phân phối và người tiêu dùng tạo kênh lưu thông hàng hóa. Tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào vùng đồng bào DTTS. Thu hút đầu tư từ nguồn vốn ODA, các nguồn tài trợ hợp pháp trong và ngoài nước và kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị hỗ trợ các xã, thôn, làng đặc biệt khó khăn của tỉnh và chính sách đặc thù hỗ trợ hộ đồng bào DTTS nghèo của tỉnh vay vốn phát triển sản xuất.
Một giải pháp hết sức quan trọng nữa là nâng cao chất lượng giáo dục, dạy nghề; kiên trì công tác truyền thông, làm sao cho tất cả đồng bào DTTS trong tỉnh được quyền tiếp cận thông tin, bình đẳng với vùng miền khác.
* P.V: Thưa đồng chí, công tác truyền thông có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển ở vùng đồng bào DTTS của tỉnh hiện nay?
- Đồng chí DƯƠNG VĂN TRANG: Việc cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin là giải pháp căn cơ nhất để người dân biết, nắm bắt và xác định hướng đi trong phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Do đó, truyền thông phải được ưu tiên hàng đầu.
Có thể thấy, thông qua các phương tiện truyền thông, người dân đã hiểu, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc như: tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống, các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, kiến trúc, công cụ sản xuất, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán, văn hóa, nghệ thuật... Truyền thông đã hướng dẫn, cổ vũ, động viên đồng bào sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; khơi dậy quyết tâm, thúc đẩy đồng bào các dân tộc tự giác vươn lên thoát nghèo, tạo sự đồng thuận xã hội, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Bên cạnh đó, truyền thông đã phản bác kịp thời những luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu và các thế lực thù địch, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức, giúp người dân đủ sức “miễn dịch” và có khả năng “tự đề kháng” cao trước mọi âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, kích động ly khai, chia rẽ dân tộc...
Có thể khẳng định, việc chú trọng công tác truyền thông, đáp ứng nhu cầu thông tin của đồng bào DTTS là một trong những hoạt động mang tính chiến lược. Do đó, trong thời gian tới, làm tốt công tác truyền thông ở vùng DTTS sẽ góp phần rút ngắn khoảng cách thông tin dành cho đồng bào dân tộc với đồng bào miền xuôi, thay đổi nhận thức và hành vi cho đồng bào DTTS theo hướng tích cực, vì sự phát triển chung của xã hội.
* P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
ĐOÀN NGA (thực hiện)