Gia Lai: Vào vụ thu hoạch cà phê - “khát” công nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiếm gần 1/6 diện tích cà phê của cả nước (77.000/500.000 hecta), Gia Lai là tỉnh có diện tích cà phê lớn của Tây Nguyên cũng như cả nước. Mùa cà phê vào vụ thu hoạch, cả ngàn lao động từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên… đổ về Gia Lai để hái cà phê, nhưng số này vẫn chưa “thấm” khi cơn khát nhân công lúc một nhiều.
 

Nhân công đang thu hoạch cà phê tại xã Nghĩa Hưng, Chư Pah. Ảnh: Nguyễn Giác
Nhân công đang thu hoạch cà phê tại xã Nghĩa Hưng, Chư Pah. Ảnh: Nguyễn Giác

Xã Nghĩa Hưng (Chư Pah) nơi được xem là vựa cà phê của huyện tập trung khoảng 1.800 hecta của người dân và doanh nghiệp (trong đó của người dân là 1.040 hecta) tại khu vực đồi Cựu chiến binh của thôn 10 (Nghĩa Hưng) nơi có khoảng 150 hecta cà phê đang bước vào kỳ thu hoạch chính. Ông Phạm Văn Đằng, tổ 11, phường Yên Thế (TP. Pleiku) chủ nhân của 1 hecta cà phê ở đây cho biết: “Tìm nhân công mấy ngày này thật khổ, ngày đầu tôi huy động 29 người để hái, lúc đến chỉ còn 17 người, dù hái đến ngày thứ 4 nhưng cũng chưa xong”.

Nhiều hộ không được may mắn như ông Đằng, nên phải chạy, hỏi khắp nơi để tìm nhân công hái cà phê, có khi phải ra tận TP. Pleiku để thuê người về hái. Tâm lý của người dân lúc này ai cũng muốn thu hoạch xong sớm để vườn cây được dưỡng sức cho mùa vụ năm sau, đồng thời tránh thất thoát do bị hái trộm và người đi mót cà phê. Anh Hoàng Đức Thành, thôn 10, Nghĩa Hưng (Chư Pah) là chủ vườn của 9 hecta cà phê, trong đó 7 hecta cà phê kinh doanh. Hiện nay, trong nhà anh đang túc trực khoảng 15 người chuẩn bị để bắt tay vào hái cà phê trong vài ngày đến. Anh Thành cho biết: Thời gian hái khoảng 2 tháng, rút kinh nghiệm từ những năm trước phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm nhân công, nên năm nay tôi đã “đặt cọc” với một số lao động nhàn rỗi tại địa phương để hái cà, cùng với đó, tôi đã liên lạc với một số nhân công quen ở các tỉnh khác.

Theo một số người có kinh nghiệm trong việc tuyển lao động khi cây cà phê chín rộ thì: Lao động tại chỗ không đủ nên phải thuê nhân công từ tỉnh khác đến, với ngày công hiện nay trung bình từ 140-150 nghìn đồng/ngày, nếu khoán thì khoảng 800 đồng/kg và đây cũng là kinh phí được chấp nhận ở nhiều địa bàn có diện tích cà phê lớn như huyện Chư Pah, Ia Grai, TP. Pleiku…

Cà phê đang chín rộ, đâu đâu cũng thấy không khí hối hả, tất bật của nhân công hái cà phê. Những hộ có nhiều cà phê như anh Đào Văn Trụ ở thôn Tân Bình, anh Trần Văn Hiền, đội 8 xã Ia Sao (Ia Grai) đã có được lực lượng nhân công hái cà phê hùng hậu do có sự chủ động từ rất sớm, anh Trụ phải thuê một lúc 50 lao động để hái 7 hecta cà phê của nhà.

Anh Nguyễn Văn Khang, xã Hòa Tiến, (TP. Tuy Hòa, Phú Yên) cho biết: Chỉ riêng xã Hòa Tiến của tôi lên Gia Lai khoảng 100 người hái cà phê, tập trung đông vẫn ở Ia Sao (Ia Grai) và Nghĩa Hưng (Chư Pah). Mỗi mùa hái cà phê, trừ chi phí mỗi người có chừng 7 triệu đồng. So ở quê vào thời điểm này thì số tiền có được chừng phân nữa nhưng công việc không ổn định và mệt nhọc hơn nhiều. Cùng suy nghĩ với anh Khang, anh Hoàng Văn Trung, ở xã Mỹ Chánh, Phù Mỹ (Bình Định) nói: Xã tôi lên đây chừng 20 người, do mối quen nên cứ đến mùa là được chủ hộ gọi lên hái. Một mùa hái cà phê hai tháng, trừ chi phí mọi người còn dư chút đỉnh để sắm Tết cho các cháu.

Nguyễn Giác

Có thể bạn quan tâm