Gia Lai với bài toán "người lang thang, cơ nhỡ"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong gần một năm trở lại đây, tình trạng người lang thang cơ nhỡ với những bộ dạng đáng thương như nghèo khổ, bệnh tật… xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn TP. Pleiku và một số huyện, thị xã. Tụ điểm nhất là các bến xe, chợ, các điểm du lịch… Điều đó đã làm mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng tới an ninh trật tự trên địa bàn, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Trò mưu sinh phản cảm!

 

Ảnh: C.L
Ảnh: C.L

Đảo qua một vòng trong thành phố Pleiku, chúng tôi thấy tại đường Võ Thị Sáu nằm trước Trung tâm Thương mại và dọc trục đường Lê Duẩn, đường Tôn Thất Tùng (tụ điểm quanh Bệnh viện Đa khoa tỉnh), đường Trường Chinh… có rất nhiều người lang thang với đủ mọi chiêu thức.

Riêng tại đường Võ Thị Sáu hàng ngày người dân bắt gặp 4-5 người tầm khoảng 40 tuổi, cứ ngồi trệt một chỗ trước văn phòng Hội Nhà báo tỉnh, Hội Luật gia tỉnh và Hội Đông y. Không nhà cửa, không tên tuổi, quê quán, mọi người dân sống xung quanh chỉ biết là ngày cũng như đêm họ đều nằm lăn lóc ở vỉa hè-tuyến phố. Những ai qua đường thấy thương thì cho họ vài ba ngàn đồng… Quần áo quanh năm suốt tháng mặc mỗi bộ duy nhất. Thấy thương, người dân gần đó cho những bộ quần áo khác, nhưng các đối tượng vẫn không lấy, có thể theo họ lang thang như vậy mặc quần áo càng rách rưởi, bẩn thỉu thì người ngoài càng rủ lòng thương hơn.

Khác hẳn với những người lang thang ở đường Võ Thị Sáu, trên tuyến đường Lê Duẩn thì những người lang thang có những hành động cư xử có phần thô thiển và phản cảm hơn. Nhiều du khách cũng như các chủ quán ăn ở hai bên đường đều tỏ ra bức xúc. Một người dân bán quán ăn cho biết: “Trên tuyến đường này có rất nhiều người lang thang cơ nhỡ, tôi còn nhớ có một lần khách đang vào quán tôi nhậu, bỗng từ đâu ra 2 ông trông rất khỏe mạnh, chạy vào xin tiền.

Thấy thế khách cũng rút ra 20 ngàn đồng cho, tưởng cho rồi thì 2 ông đi, ai ngờ khi lấy tiền xong không được câu cảm ơn, 2 ông còn định bê luôn cả nồi lẩu mà khách vừa mới gọi… thấy thế một ông khách đứng dậy định đánh, cũng may mà nhân viên chúng tôi ra can ngăn kịp thời…”.

Đem chuyện này chúng tôi trò chuyện với ông Doãn Xuân Mùi-Trưởng phòng Bảo trợ Xã hội (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội), ông cho biết: “2-3 năm nay chúng tôi không thống kê, nhưng tôi vẫn xác định số người lang thang cơ nhỡ trên địa bàn vẫn còn, còn gia tăng hay không thì chúng tôi không thống kê được.

Tâm lý chung của những người lang thang là thích đi ăn xin hơn là đi làm nên có nhiều trường hợp sau khi đưa vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh rồi, khi được thả ra “ngựa quen đường cũ”. Cá biệt có một vài đối tượng đã được đưa ra đón xe rồi nhưng không về quê mà lại quay trở lại.

Bà Đoàn Thị Hường-Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh cho biết thêm: “Từ đầu năm đến nay Trung tâm đã tiếp nhận thêm 18 đối tượng, nâng tổng số người lang thang cơ nhỡ trong Trung tâm lên đến 143 người, trong đó có 97 cháu mồ côi và 46 cụ già, còn các đối tượng trung tuổi thì vào được thời gian số thì trốn trại, số thì thả ra…”.

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Các đối tượng lang thang cơ nhỡ sống nay đây, mai đó nên công tác thu gom là rất khó, lực lượng chức năng cũng không thể trong thời gian ngắn gom hết được. Điều đầu tiên khi phát hiện và thu gom được người lang thang là phải phân loại các đối tượng ra, nếu biết được địa chỉ, nơi ở sẽ tổ chức ra bắt xe để trả về gia đình, với các đối tượng lang thang không xác định được quê quán thì tập trung lại đưa vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh.

Ông Mùi cũng cho biết thêm: “Sau khi đi học tập cách làm của TP. Đà Nẵng, Sở cũng đã có những đề xuất về chính sách đãi ngộ cho người dân khi phát hiện ra những người lang thang cơ nhỡ, nhưng đề xuất này lại không được sự đồng thuận của các ban ngành khác, điều đó đã làm cho quá trình thu gom trên địa bàn gặp nhiều khó khăn”.

Bên cạnh đó theo ghi nhận của chúng tôi ở tỉnh Kon Tum đã tổ chức tốt các đợt truy quét trên địa bàn nên các đối tượng nói trên đã tìm đến TP. Pleiku làm nơi trú ngụ mới cho mình. Tỉnh Kon Tum đã thực hiện chủ trương đối với những ai phát hiện ra người hành nghề ăn xin ở trên địa bàn thành phố thì báo ngay cho Chủ tịch UBND phường, xã nơi đó sẽ được thưởng 100 ngàn đồng. Chủ trương này bước đầu đã mang lại kết quả rất khả quan cho bộ mặt của thành phố.

Thiết nghĩ để Phố núi Pleiku được sạch đẹp hơn, văn hóa hơn nên chăng Gia Lai cũng cần có những biện pháp thiết thực nhằm giảm thiểu số người lang thang trên địa bàn. Muốn giải được bài toán đó cần phải có sự liên kết vào cuộc giữa các ban ngành; sự chung tay góp sức của nhân dân, điều đặc biệt là phải có những biện pháp mang tính lâu dài để khi được trả về địa phương các đối tượng không còn quay trở lại.

Chu Loan-Trần Sỹ

Có thể bạn quan tâm