Kinh tế

Nông nghiệp

Gia Lai xây dựng vùng nguyên liệu lúa cạn đặc sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc xây dựng thành công vùng nguyên liệu lúa cạn đặc sản năng suất cao theo hướng hàng hóa đã góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sự liên kết giữa người dân và doanh nghiệp theo chuỗi giá trị để phát triển bền vững.

Duy trì nguồn giống

Giống lúa cạn chủ yếu được gieo trồng ở khu vực đồi núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với các hộ dân tộc thiểu số, giống lúa cạn được truyền từ đời này qua đời khác, họ chỉ lưu giữ giống cho gia đình và không chia sẻ ra ngoài. Bởi vậy, khi Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây hồ tiêu Gia Lai triển khai Dự án “Xây dựng vùng nguyên liệu lúa cạn đặc sản địa phương theo hướng hàng hóa” tại 2 huyện Kông Chro và Mang Yang đã gặp không ít khó khăn.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Quang Ngọc-Chủ nhiệm dự án: Gia Lai có diện tích lúa cạn trên 9.000 ha, chiếm 12,36% tổng diện tích trồng lúa của tỉnh. Tuy nhiên, năng suất chỉ đạt 11-15 tạ/ha. “Khi chọn các giống lúa cạn: Ba Chăm, Ba Jú, Ba Ruê để triển khai dự án, chúng tôi gặp khó trong việc thu thập giống vì người dân không muốn chia sẻ ra ngoài. Sau khi chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, một số hộ dân đã đồng ý tham gia. Theo đó, chúng tôi thành lập 2 cơ sở sản xuất lúa giống Ba Chăm, Ba Jú, Ba Ruê. Các hộ tham gia mô hình được đầu tư giống, một số vật tư nông nghiệp và được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất”-ông Ngọc cho biết.

Lúa Ba Chăm đã được Viện Khoa học và Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên tuyển chọn là giống bản địa của tỉnh. Ảnh: Mai Ka



Trên cơ sở các quy trình kỹ thuật, Ban Chủ nhiệm dự án đã nghiên cứu hoàn thiện quy trình canh tác giống lúa Ba Chăm, Ba Jú, Ba Ruê theo hướng hữu cơ, đảm bảo năng suất cao. Trong đó, giống lúa Ba Chăm được đánh giá là nổi trội nhất. Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trịnh Quốc Việt, đây là những giống lúa cạn dài ngày (6 tháng) của người Bahnar có ưu điểm sinh trưởng khỏe, ít bị nhiễm sâu bệnh, thích nghi với điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Đồng thời, lúa Ba Chăm có chất lượng gạo thơm ngon, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Việc duy trì và xây dựng nguồn giống này có ý nghĩa thiết thực. Vì vậy, việc xây dựng vùng nguyên liệu là rất cần thiết, sẽ phát huy được tiềm năng, lợi thế của vùng và góp phần tăng hiệu quả sản xuất, phát triển kinh tế cho người trồng lúa.

Xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng hàng hóa

Hiệu quả kinh tế là một trong những tiêu chí quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, Dự án đã xây dựng vùng nguyên liệu lúa cạn đặc sản với diện tích 80 ha (năng suất 3,5-4 tấn/ha). Dự án cũng đã liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã bao tiêu sản phẩm nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa cho người dân. Ảnh: Mai Ka


Ông Mưn (làng Tơ Bla, xã Đak Trôi, huyện Mang Yang) chia sẻ: Xưa nay, dân làng trồng lúa Ba Chăm theo tập quán tự cung, tự cấp nên năng suất chỉ khoảng 13 tạ/ha. Từ khi tham gia vào vùng nguyên liệu của dự án, bà con đã thay đổi nhận thức trong việc phát triển kinh tế, cải thiện đời sống cho gia đình. “Tôi là thành viên Hợp tác xã Nông-lâm nghiệp và dịch vụ Đak Trôi. Tôi tham gia mô hình xây dựng vùng nguyên liệu lúa đặc sản theo hướng hàng hóa với diện tích 1,5 ha. Mỗi vụ, gia đình thu về trên 5 tấn lúa”-ông Mưn nói.

Còn theo ông Nguyễn Văn Lân-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông-lâm nghiệp và dịch vụ Đak Trôi thì: “Hợp tác xã hiện có 15 thành viên tham gia vùng nguyên liệu với diện tích gần 17 ha. Chúng tôi thu mua lúa với giá ổn định 7.500 đồng/kg nên người dân rất phấn khởi. Nhờ đó mà Hợp tác xã có nguồn nguyên liệu ổn định để cung ứng ra thị trường”.

Nhằm gắn kết các thành viên cùng sản xuất lúa, có đủ diện tích đất làm cơ sở cho việc xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, đủ sản lượng cung cấp cho thị trường, dự án đã thành lập 2 tổ hợp tác tại huyện Mang Yang và Kông Chro. Ông Võ Văn Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro-cho biết: “Ba Jú, Ba Ruê là 2 giống lúa đặc sản có từ lâu đời ở địa phương. Sau khi mô hình sản xuất lúa giống, sản xuất lúa nguyên liệu đặc sản theo hướng hàng hóa triển khai đạt hiệu quả, người dân đã nắm vững kỹ thuật canh tác. Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục được các ngành, các cấp kết nối thị trường để đưa lúa đặc sản đi theo hướng hàng hóa”.

Ngoài việc liên kết các hộ thành tổ hợp tác để xây dựng vùng nguyên liệu, dự án đã kết nối với các đơn vị tiêu thụ để đảm bảo đầu ra và xây dựng chứng nhận sản xuất VietGAP, đăng ký nhãn hiệu nhằm xây dựng thương hiệu và bản quyền. Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Nam Hải-Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ-nhấn mạnh: “Đây chính là cơ sở để nâng tầm các sản phẩm lúa cạn đặc sản nhằm góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Chứng nhận VietGAP đóng vai trò quan trọng đối với sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng nông sản; khẳng định chất lượng sản phẩm lúa của vùng sản xuất, góp phần tạo thị trường tiêu thụ, đảm bảo đầu ra cho người sản xuất. Từ thành công của dự án này, mô hình sẽ tiếp tục được nhân rộng và chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân”.

 

MAI KA

 

Có thể bạn quan tâm