Gia Lai: Xử phạt xe chở hàng cồng kềnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lâu nay, tại TP. Pleiku, những chiếc xe máy, xe ba gác, xe lôi chở đầy hàng hóa, vật liệu xây dựng… với chiều dài quá khổ quy định và không buộc kỹ đi trên phố vừa gây mất mỹ quan đô thị, vừa tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. Các loại phương tiện chở hàng kiểu này tập trung chủ yếu tại khu vực các bến xe, chợ...

 Lực lượng chức năng xử phạt xe chở hàng hóa cồng kềnh. Ảnh: T.U
Lực lượng chức năng xử phạt xe chở hàng hóa cồng kềnh. Ảnh: T.U
Theo quy định tại Thông tư 10/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông-Vận tải thì xe máy chở hàng vượt quá 30 cm về hai phía, vượt quá 50 cm ở phía sau và chiều cao tính từ mặt đất lên là 2 mét bị coi là chở hàng cồng kềnh và bị xử phạt 350.000 đồng/phương tiện. Đối với ô tô, chiều dài hàng hóa vượt 10% so với chiều dài thân xe đều bị xử phạt 900.000 đồng/phương tiện.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát, thống kê số lượng xe thô sơ, mô tô, cơ giới 3 bánh và các loại xe tương tự chuyên dùng để chở hàng hóa hiện có trên địa bàn; kiểm soát, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân sử dụng, chở hàng hóa cồng kềnh.

Từ cuối tháng 9 đến nay, lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an TP. Pleiku đã ra quân nhắc nhở và xử phạt nhiều trường hợp vi phạm. Trung tá Hồ Thanh Sơn-Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông Công an TP. Pleiku, cho biết: “Từ ngày 29-9 đến 8-11, lực lượng Cảnh sát Giao thông Công an TP. Pleiku đã phát hiện và nhắc nhở trên 80 trường hợp chở hàng kiểu này, xử phạt hành chính 56 trường hợp, trong đó có 50 trường hợp là xe mô tô với tổng số tiền phạt là 45 triệu đồng. Tuy nhiên, vào đêm khuya và sáng sớm vẫn còn tình trạng xe lôi chở hàng nông sản ra vào chợ đêm. Với tính chất công việc nhỏ lẻ, mặt hàng chuyên chở chủ yếu là hàng nông sản nên các chủ vựa kinh doanh thường chọn phương tiện xe lôi, xe ba gác để vận chuyển. Mặt khác, công việc chở hàng là một nghề nuôi sống nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên rất khó để xử lý triệt để.

Ông Lê Công Vinh (trú tại phường Chi Lăng, TP. Pleiku, người chuyên chở vật liệu xây dựng bằng xe ba gác gắn máy hơn 30 năm nay) chia sẻ: “Nghề chở hàng của tôi là nguồn thu nhập chính trong gia đình. Từ trước tới nay, tôi chỉ chở hàng trong phạm vi cho phép. Riêng những vật liệu dài như tôn, thanh sắt thì hạn chế nhận chở vì xe ba gác khó điều khiển, dễ gây nguy hiểm cho người đi đường. Nếu Nhà nước áp dụng mức phạt 350.000 đồng đối với phương tiện của tôi thì chắc tôi bỏ nghề hoặc không dám nhận chở hàng cồng kềnh vì tiền công mỗi chuyến hàng nhận được không quá 100.000 đồng”.

“Bên cạnh việc xử phạt, lực lượng chức năng yêu cầu cá nhân, chủ doanh nghiệp cam kết không tái phạm chở hàng cồng kềnh, gây mất an toàn giao thông, tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp tái phạm. Thời gian tới, tổ tuần tra khu vực nội thành sẽ tiếp tục rà soát và xử lý vi phạm ở tất cả các tuyến đường trong khung giờ hành chính. Ngoài ra, khi làm nhiệm vụ ngoài giờ, tất cả các tổ tuần tra, nếu phát hiện vi phạm đều có thể lập biên bản xử lý”-Trung tá Hồ Thanh Sơn nhấn mạnh.

 Tú Uyên

Có thể bạn quan tâm