(GLO)- Sáng 1-4, Phòng Tiêm dịch vụ-Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Gia Lai tiếp nhận 14 trường hợp tại TP. Pleiku đến tiêm vắc xin phòng bệnh dại do bị chó cắn. Đa số đều bị chó cắn vào chân, nhiều người vết thương sâu, chảy nhiều máu.
Ông Vương Huy Mạc- 179 Lê Duẩn, phường Phù Đổng, TP.Pleiku cho biết: 5 giờ 15 phút sáng 1-4, tôi mở cửa đi tập thể dục thì bất ngờ bị một con chó trắng có đốm tầm 8 đến 9kg xông vào cắn vào chân. Để đảm bảo sức khỏe, phòng ngừa bệnh dại nên tôi vội đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiêm vắc xin phòng dại. “Đến đây thì thấy không chỉ mình tôi mà còn có nhiều người khác cũng bị con chó này cắn”- ông Mạc nói.
Con chó này đã cắn nhiều người trong sáng 1-4. Ảnh: Như Nguyện |
Bị chó cắn vào chân, ông Nguyễn Văn Tố- 66 Trương Định, phường Thắng Lợi, TP.Pleiku bị nhiều vết cắn sâu, chảy máu. Ông Tố cho hay: Không biết đây là chó nuôi hay chó thả rông nhưng nó rất hung dữ, gặp ai cắn nấy. Sau khi cắn nhiều người, con chó này đã bị người dân đập chết. Để an toàn, tôi lập tức đi tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh dại.
Cũng bất ngờ gặp nạn, chị Nguyễn Thị Hoa-tổ 9, phường Phù Đổng, TP.Pleiku bức xúc nói: Sáng nay, tôi đi tập thể dục như mọi ngày thì bất ngờ bị con chó xông vào cắn. Không phải mình tôi mà ít nhất có khoảng 17 người đã bị chó cắn. Tôi nghĩ rằng, các gia đình khi nuôi chó thì cần phải có trách nhiệm, quản lý vật nuôi chặt chẽ, không nên thả rông chó, phải rọ mõm cho chó khi ra ngoài đường… để bảo vệ an toàn cho cộng đồng.
Chị Nguyễn Thị Hoa-tổ 9, phường Phù Đổng, TP.Pleiku tiêm phòng sau khi bị chó cắn. Ảnh: Như Nguyện |
Chưa biết số người bị con chó trên cắn là bao nhiêu nhưng chỉ trong sáng ngày 1-4, Phòng tiêm dịch vụ- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tiếp nhận 14 trường hợp đến tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Bác sĩ Nguyễn Mai Tuyết Trinh- Phụ trách Phòng tiêm dịch vụ thông tin: Trong sáng 1-4, đã có 10 người tiêm vắc xin phòng dại và có 4 trường hợp hẹn đến chiều sẽ quay lại tiêm. “Bệnh dại rất nguy hiểm, tất cả các trường hợp lên cơn dại đều tử vong. Vì vậy, khi bị chó, mèo, súc vật cắn, người dân cần nhanh chóng đi tiêm vắc xin hoặc huyết thanh kháng dại để phòng ngừa bệnh dại tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra”- bác sĩ Trinh khuyến cáo.
Ông Hồ Ngọc Gia- Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Trung tâm đã nắm tình hình và sẽ liên lạc với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh để họ kiểm tra và triển khai kế hoạch tiêm phòng cho đàn vật nuôi. Đồng thời, Trung tâm cũng thông tin cho các phường có nhiều người bị chó cắn như trên thông báo rộng rãi đến người dân để họ biết và trường hợp nào bị chó cắn mà chưa tiêm vắc xin phòng bệnh dại thì cần nhanh chóng đi tiêm phòng ngay để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Gia Lai hiện đang bước vào mùa khô, thời tiết nắng nóng nguy cơ bệnh dại có khả năng gia tăng. Tỉnh Gia Lai cũng là một trong những địa phương có số người tử vong do bệnh dại rất cao vài năm trở lại đây. Theo thống kê của ngành Y tế tỉnh, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 21 ca tử vong do bệnh dại. Riêng trong năm 2019, số ca tử vong do bệnh dại của Gia Lai cao nhất so với các năm trước với 8 trường hợp. Từ đầu năm đến nay, tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do bệnh dại nhưng không thể chủ quan. Bệnh dại có thể phòng được bằng vắc xin nhưng qua điều tra xác minh, 100% trường hợp tử vong do bệnh dại trên địa bàn tỉnh đều không tiêm huyết thanh và vắc xin phòng bệnh dại khi bị chó cắn; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 80%.
Nhiều người dân bị chó cắn phải đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại trong sáng 1-4. Ảnh: Như Nguyện |
Việc quản lý đàn chó, mèo chưa được quan tâm đúng mức cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ gia tăng bệnh dại. Hiện toàn tỉnh có khoảng 200.000 con chó, mèo nuôi tại gia đình; tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó hàng năm đạt thấp chỉ khoảng trên 10%. Ngoài ra, hầu hết các gia đình nuôi chó mèo vẫn chưa tuân thủ theo các quy định như: nuôi chó phải đăng ký với chính quyền địa phương, khi chó có biểu hiện bất thường phải báo cáo với cơ quan thú y; chưa quan tâm đến công tác phòng, chống bệnh cho vật nuôi; thiếu sự quản lý, giám sát; còn thói quen thả rông...
Theo Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, để phòng chống bệnh dại hiệu quả, người dân khi bị chó, mèo hoặc vật nuôi cắn cần nhanh chóng đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Bên cạnh đó, các gia đình cần có ý thức trách nhiệm trong việc quản lý vật nuôi, thực hiện nghiêm các quy định, chủ động tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo… Cùng với đó, ngành Nông nghiệp và PTNT phải kiểm soát chặt chẽ và tăng cường triển khai kế hoạch tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó. Có như vậy công tác phòng chống bệnh dại tại tỉnh mới đạt được hiệu quả như mong muốn.
Như Nguyện