Phóng sự - Ký sự

Gia tộc anh hùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bà mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Tới sinh năm 1926, hiện đang sống tại thôn 1, xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.

Mẹ có chồng và 2 người con hy sinh. Mẹ ruột và hai con gái của mẹ cũng là Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Những người mẹ thầm lặng

Mẹ đón chúng tôi bằng nụ cười hồn hậu. “Mẹ tôi là Bà mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Sửu, có 3 con hy sinh và một thương binh nặng. Em gái tôi là Bà mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Hoa, cũng có chồng và 2 con là liệt sĩ”, mẹ kể. Thật bất ngờ khi chúng tôi đang bước vào một gia tộc của các thế hệ Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

 

Bà mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Tới nhìn chân dung mình trong iPad.
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Tới nhìn chân dung mình trong iPad.

Ký ức những ngày chiến tranh cuồn cuộn trở về, đầy ắp trong lòng mẹ. Mẹ nhớ những ngày chống Pháp với tầm vông vạt nhọn đánh giặc. Bà Trần Thị Sửu, mẹ ruột của mẹ là Hội trưởng Hội Mẹ chiến sĩ. Những năm đầu cuộc kháng chiến, bộ đội gặp khó khăn, sống dựa vào dân, đồng bào ở đây đã trở thành một bộ phận của lực lượng hậu cần trực tiếp, tại chỗ. Hội Mẹ  chiến sĩ và Hội Phụ nữ gắn chặt trong công tác nuôi quân, lo cho các chiến sĩ từng chiếc chăn, tấm áo. Mẹ nhớ các má, trong đó có mẹ mình đi trước vận động bà con, các chị trẻ theo sau gánh đầy những gánh quà, nhất là dịp lễ, ngày tết. Mùa đông đến, xúc động trước những lời kêu gọi của các má, đồng bào sẵn lòng quyên góp quần áo, khăn mền cho bộ đội. Và mẹ không ngăn được xúc cảm bật lên bài hát đã nằm lòng suốt mấy mươi năm:

“… Lấy chiếc áo che thân cho hàng ngàn chiến sĩ/ Nơi sa trường chịu lạnh giữa đêm đông /Hỡi ai những kẻ có lòng /Nghĩ đến chiến sĩ mùa đông tới rồi /Mùa đông lạnh lắm ai ơi!/ Biết bao chiến sĩ đêm đông xa nhà…”.

Bà mẹ chiến sĩ ấy trong thời chống Mỹ tiếp tục nuôi giấu cán bộ, dũng cảm gánh xương trâu bò bị cà-nông địch bắn chết, đi đấu tranh trực diện đòi bồi thường thiệt hại cho đồng bào. Người mẹ ấy dám dang tay cản xe tăng địch càn hoa màu. Chiến tranh càng ác liệt, mẹ càng mong đợi anh em đi tập kết trở về…

“Mẹ tôi mất năm 1960, lúc Đồng khởi mới lên. Anh em tập kết sau ngày hòa bình về nhưng không gặp mẹ. Hồng Sơn này có nhiều bà mẹ thầm lặng như mẹ tôi. Cực khổ, hy sinh nhiều nhưng không kịp thấy ngày hòa bình”, mẹ Võ Thị Tới bùi ngùi nói.

Mẹ say sưa kể về những ngày thanh xuân sôi nổi tham gia chống Pháp, thời mẹ là Trung đội trưởng trung đội nữ du kích thôn Dân Bình Tây, xã Dân Thạnh (nay là xã Hồng Sơn). Mẹ nhớ đến năm 1949, toàn xã có gần 400 nam nữ thanh niên vào dân quân du kích, mỗi thôn có một trung đội nữ và một trung đội nam dân quân, mỗi xóm có từ 1 đến 2 tổ, mỗi tổ trên 15 người. Với sự nhanh nhẹn và linh hoạt, cô trung đội trưởng trung đội nữ du kích thôn Dân Bình Tây cùng một số chị em nắm tình hình liên lạc, đưa đường cho bộ đội đột nhập vào Ma Lâm diệt ác…

Trên nền ngôi nhà xưa, bao câu chuyện thời kháng chiến sống dậy. Hai chị em nhắc lại nhiều chị em làm binh vận rất giỏi. Đâu ai ngờ dưới những gánh gạo là vũ khí chị em lấy được, mang về cho du kích. Ở tuổi ngoài 80, các bà mẹ vẫn còn nhớ như in những tấm gương anh hùng của người dân Hồng Sơn, từng ông già liều chết ôm vật giết Tây để giải thoát cho bộ đội, đến em bé liên lạc để bảo vệ bí mật cơ quan, đã ưỡn lồng ngực trẻ thơ hứng những loạt đạn tàn bạo của kẻ thù. Các mẹ nhớ ngọn lửa rực sáng đêm đêm trên đất làng, soi đường cho thanh thiếu niên toàn huyện về họp, cắm trại, mở lớp huấn luyện; nhớ ngọn đèn thắp lên từ bóng tối, soi những đêm học bình dân học vụ, có mẹ tập viết i tờ bằng đôi bàn tay chai cứng…

Những ngày nồng nhiệt, trong sáng đó, cô đội trưởng dân quân du kích mới 20 tuổi được học cảm tình Đảng. Tháng sau, nữ đội trưởng Võ Thị Tới được kết nạp Đảng nhưng cô sợ mình lấy chồng, sinh con sẽ bỏ bê việc của Đảng. Việc vào Đảng ngày ấy với mẹ rất hệ trọng, thiêng liêng. Rồi cô nữ trung đội dân quân lao vào công tác, chống càn, đánh giặc. Ở Hồng Sơn thời đó ai cũng lao vào kháng chiến, quên việc mẹ đã chuẩn bị vào Đảng. “Dù vậy, mẹ vẫn tự nhủ phải sống xứng đáng, như một đảng viên, theo lời dạy của Bác Hồ”. Lời mẹ nói từ đáy lòng, được chứng thực bằng máu thịt cuộc đời trong cuộc kháng chiến ác liệt…

Tiếp tế, nuôi giấu cán bộ lúc bấy giờ trở thành nhiệm vụ chính nhưng vô cùng khó khăn, nguy hiểm nhưng với tấm lòng kiên trung dành cho cách mạng, mẹ vẫn duy trì các hũ gạo, hộp thơ bí mật ở nhiều điểm hẹn, vẫn đưa được vào vùng căn cứ những thứ cần thiết như gạo, thuốc, mắm muối, cá khô, quần áo… Bị những tên ác ôn, chiêu hồi chỉ điểm, mẹ nhiều lần bị địch bắt vào tù vì tội “tiếp tế cho Việt cộng”. Mẹ bị địch mang xuống nhà tù Phan Thiết thẩm vấn, khai thác. Mẹ nhất quán trong lời khai “mang cơm ra đồng cho chăn trâu”, nên 4 lần bị bắt đều được thả. “Người dân Hồng Sơn vẫn tìm cách tiếp tế cho cách mạng bằng mọi cách. Chúng không cho tôi mang cá ra thì tôi mần, kho ở nhà, gởi cho mỗi đứa chăn trâu mỗi đứa một ít, dồn đống lại thành một nồi lớn, mang cho du kích. Ngày tết anh em ngoài căn cứ vẫn đầy đủ bánh tét, thịt heo. Địch biết mà không làm gì được”, mẹ tủm tỉm cười, kể.

Những năm tháng ấy, từng liếp mì vẫn lên xanh, để dành cho bộ đội ăn no đánh giặc. Mẹ vẫn tranh thủ cắm những cây mì ở những nơi nào có thể cắm được, để cán bộ, du kích khi đói có thể nhổ mì luộc ăn đỡ lòng… Mẹ không sao quên được những ngày tận cùng đói khổ, tủi cực. Bị ghi vào bảng đen “Gia đình Việt cộng”, ngôi nhà mẹ luôn bị bọn chỉ điểm rình rập. Hàng xóm dù rất thương mẹ cũng không ai dám qua lại. Lúc vào mùa, mẹ không thuê mướn ai được, do sợ bị “liên lụy với Việt cộng”. Năm ấy, mẹ có thai gần ngày sinh, gia đình cách mạng bị cô lập, phải tự mình đi cày.  

Nếu với mẹ Võ Thị Hoa, ký ức bọc nước bị gai cào rách không bao giờ quên được thì với mẹ Võ Thị Tới, những “vòng tròn” trên những luống cày luôn khắc sâu vào lòng mẹ. Mẹ kể: “Khi chồng con đi thoát ly hết, nhà chỉ còn mẹ và mấy đứa nhỏ. Không ai cày ruộng, những người đàn bà phải làm việc nặng nhọc này. Trời mưa tầm tã, hai chị em, hai đôi trâu cày ruộng dưới mưa. Thấy mẹ bụng vượt mặt, vẫn đứng trên cái bừa cày ruộng, bà con rất xót xa mà không giúp gì được cho mẹ”.

Cách mạng luôn ở trong lòng dân

“Gian nan nhiều nỗi, khổ thì nhiều năm”, mẹ Võ Thị Tới thốt lên lời cảm thán từ chính cuộc đời máu thịt của mình. Gian nan là vậy, khổ là vậy nhưng người mẹ gần đến ngày sinh con vẫn kiên gan cày bừa, đã kiên cường vượt lên đói nghèo, bom đạn, âm thầm chịu đựng nhiều nỗi khổ, lặng lẽ nuôi con khôn lớn, cho chồng nhẹ gánh đi kháng chiến.

Chồng mẹ - ông Nguyễn Văn Của,  bộ đội thời chống Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ, lại tiếp tục cầm súng chiến đấu, trong đơn vị Tiểu đoàn 86 của tỉnh. Miệt mài với nhiệm vụ người lính, chồng mẹ ít khi về nhà. Nhưng con trai mẹ - anh Nguyễn Quang Long thì luôn nhớ đến cha mình. Anh mặc bộ quân phục của cha, cứ đòi đi bộ đội như cha. Cha đi miệt mài lo việc nước, anh Long không đợi lớn mới đi bộ đội. Đang đi học, anh bỏ về nhà, đi cùng một anh ở đội vũ trang của tỉnh. Con đi rừng sâu núi thẳm, mẹ thấy thương con, vừa lo lắng… Từ buổi chia tay, anh Long không gặp lại mẹ lần nào nữa.

Hai năm sau, mẹ nhận được tin báo tử con trai. Nghe tin con hy sinh, mẹ chết đi sống lại nhiều lần. Mẹ ôm vào lòng chiếc áo mới tinh mẹ vừa may còn chưa kịp gửi cho con…

Nhiều bà mẹ ở Hồng Sơn tiếp tục khóc những người con đã ngã xuống cho Tổ quốc. Những năm sau Mậu Thân 1968, Hồng Sơn là một xã giữ vị trí cửa ngõ vào chiến khu Lê Hồng Phong và căn cứ của huyện Thuận Phong, trở thành trọng điểm dồn dân, lập ấp, bình định cấp tốc của địch. Một đêm anh Phụng từ căn cứ về thăm mẹ. Mẹ mừng rỡ đón con, hối hả dọn cơm cho con ăn, chắt chiu từng thứ, nào khô mắm, thức ăn, quần áo bỏ vào ba lô con… Biết kẻ thù đang rình rập, giăng mắc mạng lưới chỉ điểm khắp nơi, mẹ lại hối con đi sớm, căn dặn: “Con cắt đường đi ngã Bàu Sen, đừng đi ngã Bàu Tam Lang, nguy hiểm lắm!”.

 

Tất cả lịch sử đau thương, anh hùng của gia tộc, trên vùng đất anh hùng được mẹ khắc ghi vào tâm khảm. Mẹ khắc ghi vào lòng những bài hát cách mạng, những câu thơ binh vận vì đó là vũ khí giúp mẹ chiến đấu với kẻ thù. Mẹ muốn con cháu ghi chép lại để hiểu những công việc làm thầm lặng của những người mẹ, người vợ bám đất, giữ làng, cưu mang cán bộ, đánh giặc bằng đấu tranh chính trị, binh vận, quân sự… Vâng, như lời nói cuối cùng của chồng mẹ trước giờ vĩnh biệt: “Dân ở trong lòng địch. Cách mạng luôn ở trong dân”, khi mỗi người dân đều là những chiến sĩ thầm lặng, thì kẻ thù không thể nào tiêu diệt được cách mạng.

Nhưng đồng đội anh lại chọn đi ngã “Bàu Tam Lang” để không phải đi đường vòng, để rồi rơi vào ổ phục kích của địch. “Đoàn đi ba người, một đứa quay lại lấy vắt cơm bỏ quên, đi ngã khác nên sống. Hai chiến sĩ đi đường “Bàu Tam Lang” hy sinh, trong đó có thằng Phụng, con mẹ…”, mẹ nghẹn ngào kể.

Mang xác con về chôn, lòng mẹ đau xé ruột. Con trai mẹ mới 17 tuổi, chưa có người yêu. Mẹ chôn con trong khu đất vườn nhà. Nỗi đau của mẹ không dừng lại ở đó. Càng về gần cuối cuộc chiến tranh, trong cơn giãy chết, kẻ thù càng tàn bạo. Vào tháng 3-1975, trên đường đi công tác, chồng mẹ bị địch phục kích, bị bắn trọng thương. Địch đưa ông Nguyễn Văn Của vào đồn. Chúng lục soát người ông lấy hết tiền và dùng những ngón đòn tra tấn bắt ông khai ra bí mật của cách mạng. Người chiến sĩ kiên cường ấy đã nhìn thẳng vào mặt quân thù, ưỡn ngực, dõng dạc nói: “Tao là chiến sĩ cách mạng. Dân ở trong lòng địch. Cách mạng luôn ở trong lòng dân. Cách mạng cuối cùng sẽ thắng. Bắt được tao tụi bây có bắn thì bắn đi!”. Những loạt đạn của kẻ thù ghim vào ngực người chiến sĩ kiên trung. Chồng mẹ đã ngã xuống trong tư thế của người anh hùng…

Trầm Hương/sggp

Có thể bạn quan tâm