Phóng sự - Ký sự

Giấc mơ nơi ở trọ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đường đến trường phải băng rừng hàng chục cây số nên những học sinh Xê Đăng ở xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei, Kon Tum phải trọ học ở trung tâm xã, hoặc tại điểm bán trú tạm bợ của trường.

Giận bạn, bỏ trường về làng !

Thấy A Mới, học sinh lớp 9 Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Mường Hoong về phòng nghỉ ở khu bán trú, tôi đến làm quen. A Mới cho biết hôm nay thứ sáu, nên bữa trưa phải ăn cơm thật no để có sức chiều về làng Đăk Bối, cách trường trên chục cây số. A Mới đã có “thâm niên” 4 năm về xã học. "Cơm trường ngon hơn nhà. Ở đây ăn cơm no nê, ngày nào cũng có cá hoặc thịt kho, với rau luộc, xào và canh. Ở nhà mình chẳng mấy khi có cá, thịt để ăn", A Mới nói.

 

Nơi ở trọ và học của 3 em Y Hân, Y Điệu và A Quân (từ trái sang).

Tại nhà ăn của trường vào buổi trưa, ngoài chị nuôi Y Bác, còn có các giáo viên chủ nhiệm, lãnh đạo nhà trường. Thầy Trần Nhật Lam, Hiệu trưởng Trường THCS dân tộc bán trú Mường Hoong, kể: Các em xuống núi học, mang theo cả tập tục của làng. “Ngay cả ăn cũng lạ, bàn này chỉ 4 em, bàn kia hơn 10 em nhưng vẫn không chịu sang bàn này ăn cơm, bởi ở khác làng”.

Ngay cả chỗ ở, học chung lớp, ra chơi… các em cũng chỉ muốn người cùng làng mình. Mỗi khi làng có cúng, học sinh làng đó cùng nghỉ vài ngày. "Có hôm thầy cô vào lớp thấy vắng hoe, mới thấy sai lầm của mình là biên chế các em cùng làng học chung một lớp", thầy Lam cười nói. Cách đây vài hôm, ảnh hưởng bão số 10 nên đêm có mưa dầm. Đang ngủ thì cán bộ ở làng Đăk Bối nhắn xuống: "Thầy Lam ơi, mày làm sao học sinh về hết làng rồi!". Thầy Lam nhảy ra khỏi giường, dựng mấy thầy cô chủ nhiệm xuống khu bán trú hỏi nguyên nhân. Thì ra lúc chiều, các học sinh cãi nhau với bạn nên giận dỗi bỏ trường về làng. Sáng hôm sau, giáo viên chủ nhiệm có học sinh bỏ về, phải khăn gói đi bộ vào làng, đưa các em xuống trường. “Các em cũng thương nhau nhưng rất tự ái. Cứ đụng đến làng mình là không chịu, nên hay phản ứng kiểu đó”, thầy Lam nói.

Dạy chữ cho người xê đăng

Theo chân 3 học sinh Y Hân, Y Điệu (lớp 8) và A Quân (lớp 7), chúng tôi vào nhà trọ vách ghép bằng ván bìa, nền đất, mái tôn. Y Điệu chỉ cho xem căn phòng tồi tàn có kê giường, ẩm thấp, bảo đó là chỗ ngủ. Phòng bên ngoài có cái bàn dài hơn 1 m, 2 cái ghế nhựa, nói đó là chỗ học ban đêm của 3 chị em. “Bạn Hân học thì em và Quân nghỉ, sau đổi lại”, Y Điệu nói. Gợi chuyện, nghe Y Điệu kể, cách đây 3 năm, em về xã học, phải khóc vài tháng mới hết nhớ làng, nhiều khi muốn băng núi về lắm. Cuối tuần về nhà, ba A Lâm bảo: "Mày học nhiều chữ vào. Người Xê Đăng bây giờ nhờ cô giáo dạy cho nhiều chữ, sau còn về giúp làng nữa".

Thế là Y Điệu cắm cúi học đến lớp 8. "Hồi học lớp 6, đầu tuần về trường thì cõng theo bó củi. Giờ các thầy cô bảo không cõng củi nữa, chỉ mang sách vở thôi", Y Điệu thủ thỉ. Ngày về trường tuần nào, ba A Lâm cũng cho 10.000 - 20.000 đồng để con gái mua quà vặt, nhưng có tuần không bán kịp nông sản nên ba, mẹ không cho tiền. Y Điệu học tốt, lớp 6 và lớp 7 đều nhận giấy khen cuối năm. "Nhiều đêm em nằm mơ thấy sau này làm cô giáo đi dạy chữ cho người Xê Đăng", Y Điệu nói.

Thầy Lam còn dẫn chúng tôi qua nhiều nhà trọ khác, nơi nào cũng tạm bợ, nhưng không ngăn được những giấc mơ nhú lên từ những mái đầu xanh hồn nhiên, mộng mơ. "Trường có 135 em, thì trọ ngoài bán trú có 44 em. Các em nay trọ chỗ này, mai chuyển chỗ khác nên giáo viên chủ nhiệm theo dõi quản lý rất vất vả", thầy Lam nói.

Để hun đúc ý chí cho các em, tuần nào chiếu phim cho các em xem, thầy Lam cùng giáo viên tại đây cũng kể về những tấm gương "trọ học" nơi này. Đó là anh A Thiên, bây giờ là bác sĩ giỏi ở Trung tâm y tế H.Đăk Glei; chị Y Hồng, anh A Vang đều nghèo nhưng thi đỗ và hiện là sinh viên năm thứ 2 Trường ĐH Quy Nhơn… cùng bao tấm gương khác nữa. Những chuyện ấy mỗi một ngày bén rễ vào những suy nghĩ non trẻ ấy, để những giấc mơ tương lai được nhú mầm từ những ngày trọ học bây giờ.

Phạm Anh/thanhnien

Có thể bạn quan tâm