Rõ ràng, sự bùng nổ, duy trì và phát triển của các nền tảng như Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki cùng các dịch vụ hỗ trợ như logistics, thanh toán điện tử và tiếp thị số đã tạo nên hệ sinh thái thương mại điện tử tại TPHCM sôi động bậc nhất cả nước.
Điều đó càng khẳng định TPHCM nên có các chính sách thông thoáng, đột phá hơn để thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa của 2 ngành thương mại điện tử và vận tải công nghệ. Bài toán mục tiêu tăng trưởng 2 con số của TPHCM trong năm 2025 đặt ra một phép giải: Tăng trưởng của ngành dịch vụ phải đạt được 9%-10% bởi ngành này chiếm đến 65% cơ cấu kinh tế thành phố. Với tăng trưởng dẫn đầu thuộc về lĩnh vực logistics như đã nêu cho thấy thành phố đang đi đúng hướng, song trong cơ cấu ngành, vẫn nên có tính đột phá hơn nữa.
Khi dư địa đất đai của TPHCM không còn nhiều, thì chính vai trò liên kết vùng sẽ củng cố vai trò đầu mối, đa dạng hóa khu vực kho bãi, hình thức vận tải. Hướng đi này là tất yếu khi các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm của thành phố (cũng là của quốc gia) hiện đều kết nối vùng, mang tính “vành đai” ngày một rộng lớn. Chính nó là lực đẩy cho đầu tư công, tác động lên những cận ngành, liên ngành và lực lượng lao động - xã hội rộng lớn.
Điểm tích cực là sự khai thông thị trường bất động sản cuối năm 2024 đã tạo được bước “gối đầu” cho năm 2025, qua đó tăng giải ngân vốn đầu tư công. Quyết tâm tăng trưởng 2 con số tỷ lệ thuận với quyết tâm sử dụng nguồn lực nhà nước đủ mạnh và hiệu quả. Điều đáng lưu ý ở đây là phải thúc đẩy mạnh mẽ ở hai nguồn lực của đầu tư công: hạ tầng đường sá, nhà ở và hạ tầng số.
Một điểm nữa kích hoạt nhiều thuận lợi trong năm 2025 chính là gói ngân sách tinh giảm biên chế ở các địa phương trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy. Dự báo, những người nhận gói này sẽ dùng vào tiết kiệm, bổ sung nguồn cung thanh khoản lớn cho hệ thống ngân hàng, từ đó kích thích đầu tư tư nhân.
Đó là chưa kể, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đặt kỳ vọng vào cải cách lần này ở Việt Nam, cũng là tín hiệu tích cực cho đầu tư nước ngoài vào thành phố. Đó còn là tận dụng hiệu quả “năm sự kiện” 2025, từ đó kích hoạt công nghiệp văn hóa, tiêu dùng, mua sắm, giải trí thông qua các chương trình, hoạt động, lễ kỷ niệm…
Khi bối cảnh toàn cầu còn nhiều bất ổn, chúng ta phải tìm mọi cách gia cố nội lực, khơi thông sức mạnh nội sinh, phát triển trụ cột tiêu dùng - dịch vụ nội địa bên cạnh đầu tư công - vốn mồi cho đầu tư tư nhân để cân bằng với trụ cột xuất nhập khẩu, vừa đảm bảo tăng trưởng bền vững vừa đạt mốc 2 con số như mục tiêu đề ra.
Thành phố cũng rất mong Trung ương giải quyết, tháo gỡ những dự án “treo” để giải phóng một lượng vốn rất lớn, hoặc thí điểm cơ chế giao các công trình lớn cho tư nhân triển khai nhằm rút ngắn thời gian hoàn thành, đưa vào khai thác.
Đồng thời, TPHCM cũng mong muốn hướng đến cơ chế phát triển đô thị đặc biệt - trước khi luật hóa thành Luật Đô thị đặc biệt cho TPHCM thay vì thực hiện các cơ chế chỉ có hiệu lực trong 5 năm; có quy định sandbox (khung thể chế thí điểm, cho phép một số doanh nghiệp thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới…) trong công nghệ cao, đường sắt đô thị và công trình ngầm; được miễn thị thực nhập cảnh khoảng 5 năm với các quốc gia có lượng khách đến TPHCM nhiều, chi tiêu cao nhằm thúc đẩy du lịch, tiêu dùng và dịch vụ.
Trong mối quan hệ với vùng, rất cần chú trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở giai đoạn 6 tháng đầu năm 2025 và ưu tiên tầm quan trọng của phát triển kinh tế vùng, bởi vì khi vùng Đông Nam bộ có GRDP tăng 0,1%, TPHCM sẽ tăng 0,4% GRDP. Kích hoạt tăng trưởng từ sớm, từ xa, trên diện rộng và ở từng chỉ số ngành cụ thể sẽ góp phần giúp chúng ta hiện thực hóa kỳ vọng năm 2025 tăng trưởng đạt 2 con số.
Theo NGUYỄN QUÂN CÁT (SGGPO)