Thời sự - Bình luận

Ngăn ngừa tận gốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái không mới nhưng rất nhức nhối. Đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh, hàng giả, hàng nhái càng có "đất sống".

Bản thân tôi là nạn nhân của hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc khi nhiều lần mua phải mỹ phẩm giả, quần áo nhái thương hiệu hay thức ăn không rõ nguồn gốc ở nhiều thời điểm trong năm. Cận Tết Nguyên đán, tình trạng này lại càng nhức nhối, những sản phẩm giả ẩn nấp trong các giỏ quà tặng hoặc được làm giả tinh vi y như hàng thật đến khi sử dụng mới phát hiện.

Có thể thấy vấn nạn hàng giả, hàng nhái không mới nhưng rất nhức nhối. Đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh, hàng giả, hàng nhái càng có "đất sống". Nguyên nhân là do pháp luật về hàng giả, hàng nhái còn chồng chéo, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, số vụ xử lý truy tố trách nhiệm hình sự chưa nhiều.

Vừa qua, dư luận xôn xao về thông tin một hot girl nổi tiếng chuyên bán hàng online trên mạng xã hội xin nộp phạt hành chính để thay khởi tố hình sự vì một ngày bán hàng online thu vài tỉ đồng đã cho thấy rõ bất cập này. Hay, nhiều người sau khi nộp phạt vì bị phát hiện bán hàng giả, hàng nhái, một thời gian sau "tẩy trắng" lại lên mạng bán sản phẩm khác.

Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chủ động, thiếu quyết liệt trong việc tuyên chiến với hàng giả; người tiêu dùng thiếu thông tin, thiếu cảnh giác và vẫn còn tình trạng thích dùng "hàng hiệu giá rẻ" dù biết đó là hàng giả…

Để ngăn chặn vấn nạn này, quy định pháp luật nên xem xét tăng nặng hình phạt gắn với xử lý hình sự để ngăn chặn tận gốc vấn nạn và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trong nước. Cùng với đó, cần có những quy định pháp luật mới, phù hợp với thực tế khi thương mại điện tử đang phát triển mạnh như hiện nay thông qua đẩy nhanh ứng dụng công nghệ định danh người bán, người mua trên nền tảng số.

Tới đây, khi kết thúc mô hình Tổng cục Quản lý thị trường, việc chuyển giao cục quản lý thị trường về các địa phương quản lý là phù hợp, bởi thực tế, muốn ngăn chặn tận gốc hàng giả, hàng nhái là phải chặn từ nơi sản xuất, cơ quan quản lý ở các địa phương sẽ nắm rõ tình hình hoạt động của các cơ sở sản xuất, buôn bán trên địa bàn; thay vì để hàng giả lưu thông, tiêu thụ rồi mới bị phát hiện.

Đặc biệt, các thương hiệu, doanh nghiệp phải kết hợp với cơ quan quản lý nhà nước để ứng dụng công nghệ như tem chống hàng giả, tem xác thực, tem truy xuất nguồn gốc…, đăng ký sở hữu trí tuệ và giám sát việc tiêu thụ sản phẩm để kịp thời phát hiện hành vi vi phạm và thông báo tới cơ quan quản lý.

Cuối cùng là người tiêu dùng. Việc dùng hàng giả ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, hình ảnh cá nhân, do vậy, cần ý thức trở thành người tiêu dùng thông thái, tìm hiểu cách nhận diện hàng thật, chọn mua hàng hóa có rõ nguồn gốc, xuất xứ; tham gia các lớp học về nhận diện hàng thật, hàng nhái.

Sự phối hợp hiệu quả giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ là biện pháp hữu hiệu so với việc truy lùng, phát hiện hàng giả như "bắt cóc bỏ dĩa".

Theo Lê Thúy (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm