Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Giải Báo chí tỉnh: Dấu ấn 10 năm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai vừa tổ chức lễ tổng kết và trao Giải Báo chí tỉnh lần thứ X-2021. Diễn ra muộn hơn so với thông lệ hàng năm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng đây vẫn là sự kiện quan trọng nhằm tôn vinh những cống hiến của đội ngũ người làm báo đối với sự nghiệp báo chí tỉnh nhà.
Thành tựu giữa mùa dịch 
Giải Báo chí tỉnh lần thứ X phải hoãn lại việc trao giải cho thấy dịch bệnh đã tác động lên mọi mặt đời sống xã hội. Nhà báo Trần Quốc Anh-Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh, Phó Trưởng ban tổ chức Giải Báo chí tỉnh-cho rằng: Những biến động, nhất là diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 cũng là nguồn đề tài để khai thác cả mảng thời sự và bàn luận chuyên sâu. Cuộc chiến chống dịch bệnh đã làm nóng các diễn đàn báo chí suốt 2 năm qua. Nhiều nhà báo không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, xung phong tác nghiệp ở tâm dịch, cố gắng phản ánh đầy đủ tình hình, những khó khăn, gian khổ của các lực lượng nơi tuyến đầu cũng như sự san sẻ yêu thương của phòng tuyến nơi hậu phương.
Theo sát cuộc chiến chống dịch từ những ngày đầu, nhà báo Như Nguyện (Báo Gia Lai) có nhiều trải nghiệm lẫn cảm xúc trong quá trình tác nghiệp. Chị cho biết, yêu cầu công việc là thông tin chính xác, kịp thời song vẫn luôn phải tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch. “Bài viết “Chiến sĩ áo trắng trên tuyến đầu chống dịch” tôi viết khi tỉnh Gia Lai bước vào đợt dịch lần thứ 3 hồi đầu năm 2021. Đó cũng là thời điểm Tết Nguyên đán cận kề. Trong khi mọi người chuẩn bị đón cái Tết đầm ấm bên gia đình thì lực lượng tuyến đầu chống dịch, trong đó có các y-bác sĩ phải gác lại niềm riêng lên đường chống dịch. Để đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân, họ đã không quản ngại gian lao đi vào tâm dịch, xuyên ngày xuyên đêm truy vết, lấy mẫu xét nghiệm và chăm sóc bệnh nhân. Nhiều người trong số đó phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm chéo và có không ít y-bác sĩ bị lây nhiễm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ... Trong khuôn khổ bài viết, tôi không thể kể hết nhọc nhằn của các “chiến sĩ áo trắng” mà chỉ khắc họa một phần như là sự tri ân đội ngũ y-bác sĩ nói riêng, lực lượng tuyến đầu nói chung trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19”-nhà báo Như Nguyện chia sẻ.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tống Thới Mốc trao giải B cho các tác giả. Ảnh: Đức Thụy
Dịch bệnh diễn biến nguy hiểm, phức tạp thì những người làm báo cũng phải xông pha tuyên truyền, phản ánh. Không bỏ sót thông tin dù địa phương bị phong tỏa và phải tác nghiệp giữa “trùng vây” khó khăn là cảm xúc của tác giả Nguyễn Sang (Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao thị xã Ayun Pa) khi thực hiện tác phẩm truyền hình: “Trận chiến” với dịch Covid-19 ở thị xã Ayun Pa”. Anh chia sẻ: “Ayun Pa là địa phương đầu tiên xuất hiện Covid-19 trong đợt dịch thứ 3. Đối diện với dịch bệnh, bản thân tôi có chút lo lắng, hoang mang. Nhưng xác định nhiệm vụ của một người làm báo trong tâm dịch, tôi tìm cách thông tin nhanh nhất, kịp thời nhất tình hình dịch bệnh cho người dân cả tỉnh biết để chung sức, đồng lòng chống dịch. Cái khó lúc đó là tôi hầu như chỉ có một mình vừa ghi hình, vừa dựng, vừa biên tập, thông tin trải đều hàng ngày. Suốt nhiều ngày, tôi quay trong guồng công việc với không ít mệt mỏi, áp lực, không dám sơ suất bỏ sót thông tin. Dù vậy, chứng kiến những vất vả, khó nhọc của lực lượng tuyến đầu, tôi thấy khó khăn của mình chưa là gì và càng cố gắng phản ánh chân thực, đầy đủ nhất toàn cảnh cuộc chiến chống dịch trên địa bàn”.
Tác nghiệp trong điều kiện khó khăn nhưng kết quả của mùa giải báo chí lần thứ X cho thấy sự nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ người làm báo trong tỉnh. Số lượng tác phẩm dự giải tăng lên cả về chất và lượng so với mùa giải trước. Nhà báo Huỳnh Kiên-Tổng Biên tập Báo Gia Lai, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, Trưởng ban tổ chức giải-đánh giá: Tác nghiệp trong điều kiện khó khăn của dịch bệnh nhưng các tác giả đã có nhiều tác phẩm xuất sắc, góc tiếp cận mới mẻ, phản ánh đầy đủ, kịp thời toàn cảnh bức tranh kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị, du lịch, nhất là trong phòng-chống dịch bệnh. Điều đó khẳng định rõ tính chuyên nghiệp và bản lĩnh nghề nghiệp của người làm báo. Dù khuôn khổ giải thưởng chỉ trao giải cho 33 tác phẩm nhưng 105 tác phẩm gửi dự giải đều có chất lượng, cách khai thác đề tài mới mẻ, kỹ thuật làm báo ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp. Các tác phẩm có sức hấp dẫn riêng và uy tín của nhà báo đối với công chúng chính là giải thưởng cao quý nhất.
Khẳng định uy tín giải thưởng
Năm nay đánh dấu chẵn 1 thập kỷ hình thành và phát triển Giải Báo chí tỉnh. Qua thời gian, giải thưởng này ngày càng khẳng định được uy tín, có tác dụng thúc đẩy sự nghiệp báo chí tỉnh nhà ngày càng phát triển. Có thể nhìn thấy điều đó thông qua sự gia tăng về quy mô, số lượng, chất lượng các tác phẩm dự giải qua mỗi lần tổ chức. Trong hành trình này, nhà báo Song Nguyễn (Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh) có nhiều tác phẩm xuất sắc, đạt giải cao. Anh chia sẻ, sân chơi nghề nghiệp này là suối nguồn năng lượng để bản thân tái tạo sức lao động, nuôi dưỡng cảm hứng, đam mê nghề nghiệp. “Mỗi năm, tôi đều ấp ủ, đầu tư 1-2 đề tài thật tâm đắc và bắt tay vào thực hiện với tất cả sự say mê, thích thú để tham gia giải. Đó vừa là tác phẩm giúp tôi thỏa sức sáng tạo, vừa là tiếng lòng tôi đối với những vấn đề của cuộc sống, thời đại, số phận con người, được nhìn nhận một cách chân thực, khách quan dưới sự cảm nhận và góc nhìn của một người làm báo”-nhà báo Song Nguyễn chia sẻ.
Nhà báo Huỳnh Kiên-Tổng Biên tập Báo Gia Lai, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh, Trưởng ban tổ chức Giải Báo chí tỉnh lần thứ X-2021 trao giải A cho các tác giả. Ảnh: Đức Thụy
Bên cạnh những “cây đa cây đề” trong làng báo, giải cũng có sức hút lớn với nhiều gương mặt trẻ. Điều này cho thấy, giải thực sự là động lực để các nhà báo trẻ không ngừng phấn đấu, trau dồi nghề nghiệp. Nhà báo Huỳnh Kiên cho rằng: “Sự trỗi dậy của các nhà báo trẻ là hiện tượng hợp quy luật phát triển của báo chí. Tuy nhiên, có sự tiếp nối trong dòng chảy của nền báo chí cách mạng khi thế hệ người làm báo đi trước vẫn khẳng định vai trò dẫn dắt, nêu gương bằng tinh thần lao động bền bỉ, nghiêm túc”.
Giải Báo chí tỉnh lần thứ X đánh dấu sự gia tăng số lượng tác phẩm đáng kể so với các năm trước, cơ cấu giải thưởng có thêm loại hình báo điện tử là sự khẳng định vai trò chuyên biệt của một kênh báo chí quan trọng. Và việc chuyên biệt hóa các loại hình là yêu cầu xã hội đang đặt ra, giúp cho việc đánh giá chất lượng tác phẩm sát thực hơn, đội ngũ người làm báo cũng có thể phát huy sở trường khi lựa chọn loại hình để tham gia giải. Tin rằng, tinh thần “trỗi dậy mạnh mẽ” của các thế hệ người làm báo sẽ tiếp tục được giữ vững trong hành trình chinh phục các mùa giải tiếp theo.
Giải Báo chí tỉnh lần thứ X thu hút 105 tác phẩm thuộc 4 loại hình gồm: 44 tác phẩm báo in và báo điện tử, 36 tác phẩm báo hình, 25 tác phẩm báo nói (phát thanh). Kết quả, Ban tổ chức đã trao 2 giải A, 6 giải B, 10 giải C và 15 giải khuyến khích cho 33 tác phẩm xuất sắc của các tác giả, nhóm tác giả (báo hình không có giải A). Trong đó, tác phẩm “Ly nông bất ly hương” của nhóm tác giả Phương Duyên, Phương Dung (Báo Gia Lai) đạt giải A báo viết; “Xây dựng Đảng vùng đặc thù ở Gia Lai-Những điểm sáng”-tác giả Minh Lý (Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh) đạt giải A báo nói; 2 giải B ở thể loại báo hình thuộc về các tác phẩm: “Phát triển năng lượng tái tạo-cú hích phát triển kinh tế Gia Lai” của nhóm tác giả Hồng Uyên, R’Piên, Huy Toàn; “Linh thiêng Tây Sơn Thượng đạo” của nhóm tác giả Kim Ngân, Đức Hải, Thanh Sáng, Năng Hùng (Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh).
HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm