Giải cơn “khát” cho người dân Kông Chro

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ở Gia Lai, Kông Chro là một trong những vùng khô khát nhất của tỉnh. Thiếu nước luôn là nỗi ám ảnh của hàng ngàn người dân nơi đây. Thiếu nước sinh hoạt cũng như sản xuất đã ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống cũng như việc phát triển kinh tế của người dân. Người dân vùng khốn khó này, ngoài nỗi lo chuyện cái ăn, thì cái uống cũng ngốn của họ không ít công sức và tiền của-trong khi, đây lại là địa phương kinh tế phát triển kém vào bậc nhất tỉnh.
 

Khổ vì thiếu nước

Chúng tôi ghé thăm nhà ông Trần Mẫn (tổ dân phố 1-thị trấn Kông Chro). Ngôi nhà nằm trên đỉnh một con dốc khá cao, đá lởm chởm trồii lên ngay ở con mương thoát nước bên đường. Ông Mẫn ở một mình, cặm cụi với vài chục gốc cây cảnh được chăm sóc khá tỉ mẩn. Cùng với nghề này, nước trở thành thứ quyết định tới câu chuyện cơm áo của ông.

“Hồi mới chuyển lên đây, tính làm nghề trồng cây cảnh nên tui lo kiếm chỗ đào một cái giếng lấy nước tưới, ai dè chỗ nào cũng vậy, cứ đào chừng 4-5 tấc là tới đá, hết đào nổi”-ông Mẫn nói.
 

Chiếc giếng khoan này của người dân đã ngưng hoạt động hơn 2 năm nay do nguồn nước khô cạn. Ảnh: Lê Hòa
Giếng khoan này của người dân đã ngưng hoạt động hơn 2 năm nay do nguồn nước khô cạn. Ảnh: Lê Hòa

Ông Mẫn là cán bộ về hưu. Nhờ có khoản lương hưu nên so với bà con chung quanh, cuộc sống ông thong thả hơn. Theo ông, ở đây đừng mơ tới chuyện đào được giếng. Toàn bộ dùng nước máy, mà nước máy cũng mới có từ năm 2005-2006 trở lại đây và cũng chẳng thể đủ đáp ứng nhu cầu, phải dùng tằn tiện lắm. Theo lịch, mỗi tuần tổ dân phố ông được cấp nước 2 ngày, vào thứ ba và thứ sáu. “Có nước máy nhưng sông Ba bị ô nhiễm, nhà tui đâu dám dùng nước máy nấu ăn. Tui phải mua nước bình về dùng ăn, uống”-ông Mẫn, nói. Mỗi tháng, ngoài chi phí trả tiền nước máy, một mình ông phải tiêu tốn thêm gần trăm ngàn tiền nước bình.

Chị Đinh Thị Hngoek cũng như bà con ở làng Nghe nhỏ (thị trấn Kông Chro) còn khốn khó hơn. Bà con trong làng tuy đã được xây dựng giọt nước để cấp nước sinh hoạt nhưng năm nào cũng vậy, cứ qua Tết chừng một hai tháng, các giọt nước đã khô queo. “Bà con trong làng phải đi mua nước của một số hộ người Kinh có điều kiện khoan giếng hoặc có bể lớn trữ nước mưa về dùng”-chị Hngoek, cho biết. Nhà chị có 3 đứa con, đứa lớn nhất mới 14 tuổi. “Thiếu nước lũ trẻ là khổ nhất”-chị Hngoek tâm sự như vậy.

Theo lời người dân ở đây, ngoài nguyên nhân nước khan hiếm thì cấu tạo địa chất vùng này rất khắc nghiệt, dưới lớp đất chừng vài mét, thậm chí có nơi chỉ vài chục phân là có lớp đá, khiến người dân rất khó khăn trong việc đào giếng lấy nước. Chi phí khoan giếng quá cao, không nhiều hộ dân có đủ điều kiện để đầu tư, phần còn lại dùng nước máy hoặc xây bể tích trữ nước mưa, thậm chí là mua nước về dùng nên riêng chuyện nước sinh hoạt đã khiến người dân chịu khá nhiều tốn kém. Những hộ nghèo-chủ yếu là hộ người dân tộc thiểu số ở đây, chuyện lo lắng nước nôi này càng khó khăn hơn.

Giải bài toán thiếu nước

Theo ông Nguyễn Xuân Thành-Bí thư Đảng ủy thị trấn Kông Chro, hiện mới chỉ có khoảng 65% số hộ dân ở khu vực thị trấn Kông Chro được hưởng thụ nguồn nước máy; còn 6 làng (trong đó có 1 làng đặc biệt khó khăn) chưa có nước máy để dùng. Tuy nhiên, lượng nước máy cung cấp vẫn chưa thể đáp ứng được so với nhu cầu của người dân, hơn nữa, chất lượng nước chưa thể đảm bảo do nguồn nước sông Ba-nơi cung cấp nước cho nhà máy để lọc nước bị ô nhiễm quá nặng. Người dân dùng nước máy đa phần vẫn chỉ để sinh hoạt hàng ngày, còn dùng để ăn uống thì chỉ trừ những hộ không thể có điều kiện mua nước lọc hoặc trữ được nước mưa mới đánh liều để dùng. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của nhân dân trong vùng mà còn làm tăng nguy cơ xảy ra dịch bệnh.

“Vấn đề thiếu nước sinh hoạt luôn là vấn đề “nóng” tại các cuộc tiếp xúc cử tri ở địa phương, gây khó khăn cho bà con rất nhiều”-ông Thành cho biết.
 

Trạm bơm nước bị bỏ hoang do giếng khoan không còn nước. Ảnh: Lê Hòa
Trạm bơm nước bị bỏ hoang do giếng khoan không còn nước. Ảnh: Lê Hòa

Xuất phát từ tình hình trên, để giải quyết những khó khăn trong việc thiếu nước sinh hoạt cho nhân dân, UBND huyện Kông Chro đã lập tờ trình gửi lên các cơ quan, ngành của tỉnh đề nghị cho phép lập dự án đầu tư xây dựng công trình hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung xã Ya Ma và thị trấn Kông Chro.

“Theo thiết kế, công trình sẽ cung cấp nguồn nước sạch cho 10.907 nhân khẩu với 2.207 hộ ở xã Ya Ma và thị trấn Kông Chro; góp phần bảo đảm an toàn nguồn nước, chống lây lan các loại dịch bệnh, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của vùng, ổn định đời sống nhân dân cũng như đảm bảo an ninh chính trị”-ông Phan Văn Trung-Phó Bí thư Huyện ủy-Chủ tịch UBND huyện Kông Chro, cho biết.

Dự kiến, kinh phí để thi công xây dựng công trình vào khoảng gần 40 tỷ đồng, bao gồm các hệ thống hạng mục: nhà trạm bơm, hệ thống các bể lọc, máy bơm, hệ thống đường ống dẫn nước… Để đảm bảo chất lượng nguồn nước, công trình hệ thống cấp nước này sẽ lấy nước nguồn từ sông Đak Pơ Kơ (thuộc xã Ya Ma, huyện Kông Chro).

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm