Báo cáo mới cho thấy tình trạng hiện tại của sao Thiên Vương, hành tinh thứ 7 từ hệ mặt trời, là hậu quả còn sót lại sau một vụ va chạm kinh hoàng vào thời điểm hệ mặt trời còn non trẻ.
Thiên Vương tinh. Ảnh: NASA |
Trục quay gần như song song với mặt phẳng quỹ đạo của Thiên Vương tinh và các vành đai bất thường của nó từ lâu luôn là bí ẩn chưa giải thích được đối với các nhà nghiên cứu Trái đất.
Trên trực tế, Thiên Vương tinh, thuộc nhóm hành tinh băng khổng lồ, là một “dị nhân” của hệ mặt trời vì nó là hành tinh duy nhất có độ nghiêng trục quay lên đến 98o.
Từ Trái đất, các nhà thiên văn học khi quan sát có cảm giác hành tinh này bị lung lay trong quá trình tự xoay quanh trục. Sao Thiên Vương cũng có hệ thống vành đai và hơn 20 mặt trăng cùng xoay theo trục “kỳ dị” của nó.
Báo cáo mới của đội ngũ chuyên gia Nhật Bản cuối cùng đã hóa giải bí ẩn đằng sau những đặc điểm lạ của hành tinh này.
Theo đó, Thiên Vương tinh được cho vào nhiều tỉ năm trước đã trúng đòn tấn công của một hành tinh băng có kích thước nhỏ hơn, khiến nó bị “lật ngang” trên trục, theo trang Slash Gear hôm 8.4 dẫn lời giáo sư Shigeru Ida của Viện Khoa học Sự sống – Trái đất (ELSI) thuộc Viện Công nghệ Tokyo.
Hành tinh băng cũng để lại nhiều mặt trăng trên “bãi chiến trường” khi xưa, đồng thời đẩy nhanh tốc độ xoay quanh trục của sao Thiên Vương, đó là lý do tại sao một ngày trên hành tinh thứ 7 của hệ mặt trời chỉ kéo dài 17 giờ.
“Ngoài ra, các nhà thiên văn học giờ đây cũng phát hiện hàng ngàn hành tinh xoay quanh những ngôi sao khác, và kết quả quan sát cho thấy nhiều hành tinh trong số này có lẽ chứa nước dưới dạng băng trên bề mặt”, theo giáo sư Ida.
Theo Hạo Nhiên (Thanh Niên)