Multimedia

Emagazine

E-magazine Pleiku hoàn thiện hạ tầng giao thông vùng ven để phát triển du lịch xanh

Xác định hạ tầng giao thông là khâu đột phá, mang tính chiến lược cho sự phát triển kinh tế-xã hội, những năm qua, xã Biển Hồ đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, tạo động lực phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Cụ thể, cùng với các tuyến đường có tên được các cấp quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp, mở rộng, nhiều tuyến đường liên thôn cũng được UBND xã bê tông hóa, nhựa hóa theo hình thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm.

Được sự quan tâm đầu tư của các cấp, hạ tầng giao thông của xã Trà Đa cũng từng bước được hoàn thiện, cơ bản đáp ứng việc giao thương, đi lại của người dân. Đến nay, 100% tuyến đường xã, đường trục thôn và liên thôn được nhựa hóa, bê tông hóa; 86% đường nội đồng được bê tông và cứng hóa.

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thị Thủy Tiên cho hay: Năm 2024, HĐND xã thông qua chủ trương đầu tư 12 công trình giao thông với tổng kinh phí 20 tỷ đồng. Theo dự kiến, xã sẽ đầu tư mở rộng 3,5 km đường giao thông, làm mới 550 m đường bê tông, 7 km hệ thống thoát nước kiên cố.

Thời gian qua, phường Chi Lăng cũng tập trung triển khai thực hiện các kế hoạch, giải pháp để xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, trong đó chú trọng đến hạ tầng giao thông, tạo động lực để phát triển du lịch.

Theo Chủ tịch UBND phường Chi Lăng Lê Giang Sơn, cùng với sự quan tâm đầu tư của cấp trên, phường cũng có định hướng quy hoạch khu vực dọc hai bên tuyến đường Lý Chính Thắng thành các loại hình du lịch như: trải nghiệm thung lũng lúa vàng; du lịch canh nông, du lịch cộng đồng tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số.

Các hộ dân sống dọc đường Lý Chính Thắng rất phấn khởi trước thông tin tuyến đường này được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Ông Nguyễn Thanh Sơn (tổ 4) vui vẻ nói: “Tuyến đường hiện còn nhỏ hẹp, nhiều đoạn xuống cấp. Nếu tuyến đường được đầu tư, tôi tình nguyện tháo dỡ, di dời vật kiến trúc nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thi công”.

Cách trung tâm TP. Pleiku khoảng 10 km về phía Bắc, mô hình du lịch xanh được chị Phan Thị Hoài Thu triển khai tại thôn 4 (xã Biển Hồ) với tên là Upes Garden. Đây được xem là mô hình điểm trong việc phát triển du lịch theo xu hướng nông nghiệp của địa phương.

Với diện tích hơn 4 sào, Upes Garden là một quán cà phê kết hợp với khu vườn trồng dâu tây, cà chua Nova, khu vui chơi, hồ bơi và phục vụ ăn uống, tiệc ngoài trời. Thời gian gần đây, quán trở thành điểm dừng chân, nghỉ ngơi, chụp ảnh của nhiều du khách gần xa.

Chị Thu cho biết: Trước đây, khu vực này là vườn cà phê, đường đất nhỏ hẹp nên đi lại rất khó khăn. Từ khi được Nhà nước đầu tư làm đường bê tông rộng rãi, chị đã cải tạo vườn cà phê thành mô hình du lịch theo xu hướng nông nghiệp.

“Tôi chọn mô hình nông nghiệp kết hợp với trải nghiệm du lịch vì nó tích hợp nhiều chức năng. Du khách tới đây không chỉ thưởng thức nước uống mà còn có thể tham quan trải nghiệm không gian, cảnh đẹp. Những người đam mê nông nghiệp thích về với thiên nhiên thì có thể tham gia hái dâu, hái cà chua. Ngoài không gian dã ngoại cho các gia đình, tôi còn phối hợp với Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh tổ chức các chương trình giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em với những trải nghiệm lý thú”-chị Thu nói.

Tọa lạc tại thôn 5 (xã Trà Đa), XOM Organic Farmstay được đầu tư xây dựng đẹp mắt, thu hút đông du khách đến nghỉ ngơi, thư giãn. Sau 6 năm đi vào hoạt động, lượng khách du lịch đến lưu trú ngày một tăng.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Dung-Chủ XOM Organic Farmstay-chia sẻ: “Hiện nay, hầu hết khách đều muốn gần gũi với thiên nhiên, cỏ cây hoa lá nên chúng tôi thiết kế theo từng căn nhà riêng biệt để tạo không gian riêng cho khách thoải mái, tạo cảm giác như ở nhà. Bên cạnh đó, tôi còn trồng nhiều cây xanh, làm nhiều tiểu cảnh giúp cho khách được hòa mình vào thiên nhiên để tận hưởng không khí trong lành, yên tĩnh".

Theo ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TP Pleiku: Trên địa bàn thành phố hiện có nhiều mô hình du lịch nông nghiệp của các hộ dân. Tại đây, du khách có thể tham quan, trải nghiệm và tự tay thu hoạch sản phẩm.

Tháng 5-2024, UBND thành phố phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn BigSea Việt Nam tổ chức hội thảo “Tiềm năng và cơ hội phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tỉnh Gia Lai với trung tâm là TP. Pleiku” và trưng bày sản phẩm OCOP, giới thiệu điểm đến du lịch với mục đích tham vấn ý kiến của các chuyên gia, một số chủ cơ sở farmstay về kinh nghiệm phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp thành công ở Việt Nam.

Tại hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp, chủ cơ sở homestay, farmstay đã có nhiều ý kiến phát biểu, thảo luận, đóng góp về cơ hội đầu tư phát triển du lịch của thành phố, nhất là du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn.

Trao đổi với P.V, ông Đỗ Việt Hưng-Chủ tịch UBND TP. Pleiku-thông tin: Những năm qua, thành phố đã tập trung phát triển du lịch nông thôn và tích hợp, bổ sung trong định hướng phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch nông thôn; ưu tiên phát triển du lịch ở những nơi có lợi thế về điều kiện tự nhiên.

Đồng thời, đề nghị các xã, phường có tiềm năng du lịch xây dựng đề án, chương trình phát triển du lịch gắn với rà soát các điểm du lịch nông thôn phù hợp với các quy hoạch liên quan. Phối hợp hướng dẫn thực hiện quy trình đánh giá chất lượng điểm du lịch nông thôn, dịch vụ du lịch, thực hiện việc công nhận điểm du lịch.

Cùng với đó, thành phố ưu tiên nguồn lực đảm bảo hoàn thành việc phát triển du lịch, hình thành theo hướng tập trung chủ yếu vào các khu vực nông thôn, cụ thể như: ban hành Đề án xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng tại làng Ia Nueng (xã Biển Hồ) và làng Ốp (phường Hoa Lư), Khu danh thắng Biển Hồ; Khu di tích lịch sử cách mạng Khu 9 (làng C, xã Gào)...

Có thể bạn quan tâm