Giai thoại về một "vị tướng già"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sở dĩ tôi phải để cụm từ trên trong ngoặc kép vì biệt hiệu này do quân đội Mỹ dành cho ông, một trong những vị tướng từng làm Tư lệnh trưởng tại Mặt trận Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ. Ông còn được Bác Hồ và lính Tây Nguyên tặng những danh-biệt hiệu khác nữa. Xin giới thiệu một ít giai thoại về ông.

Ông già “vác cần câu mà đánh giặc”

Sông suối Tây Nguyên trước đây chỗ nào cũng lắm cá. Gần như chiến sĩ nào cũng sắm vài ba lưỡi câu và một cuộn sợi dây cước. Hễ dừng quân chỗ nào để ăn trưa hay tạm trú dọc đường đi, lính ta đều tranh thủ buông câu. Chỉ cần vài chục phút là được dăm mười con, góp lại tha hồ nấu canh chua bằng lá rừng cho cả tiểu đội. “Vị tướng già” cũng có thú vui này. Mỗi khi làm việc căng thẳng, ông thường đi ra suối gần lán ở để câu cá. Ông thường đem theo cần vụ, vệ binh và một trợ lý tác chiến, cùng với một tấm bản đồ. Ông tìm một chỗ bằng phẳng hoặc một tảng đá đẹp, cùng mọi người ngồi xuống và thả câu.

Đầu ông cũng cúi xuống như thể đang chăm chú chờ đợi con cá tới đớp mồi. Chỉ đến khi chú cần vụ nhắc thủ trưởng, ông mới “ờ” một tiếng và cài lại mồi câu khác. Đang câu nửa chừng, chợt ông nhớ ra điều gì, liền bảo đồng chí trợ lý tác chiến ngồi cạnh:
 

Anh hùng Núp (hàng đầu thứ hai từ phải sang) dự Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua (Ảnh: Tư liệu)
Anh hùng Núp (hàng đầu thứ hai từ phải sang) dự Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua (Ảnh: Tư liệu)

Cậu lấy bản đồ đem trải ra đi!

Đồng chí trợ lý tác chiến liền mở xắc cốt đeo theo mình, lấy tấm bản đồ ra, trải phẳng phiu trên một tảng đá. Cả hai thầy trò cùng chụm đầu chỉ trỏ trên tấm bản đồ và bàn bạc cùng nhau. Họ đang trao đổi về cách điều binh và các mẹo đánh trong chiến dịch sắp sửa diễn ra nay mai một cách say sưa, mặc cho lưỡi câu bị cá lôi đi.

Thì ra, “vị tướng già” đi câu để thay đổi không khí và nghĩ, tìm kế đánh giặc.

“Tôi sẽ “điều” Mỹ ra cho các cậu tú tha hồ mà đánh!”

Thời chiến tranh, đồng bào dân tộc thiểu số Jrai, Sê Đăng ở phía Tây sông Sa Thầy, Pô Cô thường có thói quen phát rẫy trồng lúa, trỉa bắp một hai mùa thì bỏ hoang và đi phát rẫy mới. Tấm bản đồ của “vị tướng già” cũng đánh dấu các rẫy hoang đó bằng ký hiệu B1, B2, B3… Lính ta quen gọi là: bãi một, bãi hai, bãi ba…

 

Một hôm, ông ra lệnh cho các đơn vị lập trận địa bao quanh các bãi trống mà ông đã dự kiến từ trước. Ông yêu cầu trận địa phải có hầm hào chắc chắn và ngụy trang chu đáo. Riêng các phân đội pháo binh, ông còn yêu cầu đo đạc cự ly cẩn thận bằng dây chính xác từ điểm đặt pháo đến từng điểm mà địch có thể đặt sở chỉ huy, trạm truyền tin, trận địa pháo và các ụ súng bộ binh của chúng, nhằm tính toán các phần tử bắn sẵn, khi có lệnh phát hỏa sẽ bắn trúng địch ngay từ loạt đạn đầu.

Lính ta bàn tán xôn xao: “Ông già kỳ quặc thật! Ở nơi khỉ ho cò gáy, sâu trong vùng căn cứ của ta, làm gì có Mỹ mà bắt anh em xây dựng trận địa!”. Ông già nghe được liền bảo: “Tôi sẽ “điều” Mỹ ra cho các cậu tha hồ mà đánh! Nếu đánh không xong, tôi sẽ phạt nặng đấy!”.

Vài hôm sau, người ta thấy một tiểu đoàn hành quân giữa ban ngày vào một vùng rừng ven thị xã Pleiku. Đêm lại bí mật rút ra và sáng hôm sau lại luồn rừng đi vào, đêm lại rút ra. Lại vào… lại ra…, thám báo địch báo về: “Có cỡ cấp sư đoàn Việt cộng đang lần lượt tiến vào gần thị xã Pleiku! Chúng chắc mẫm ta đang chuẩn bị đánh lớn vào Pleiku trong mùa khô 1965-1966. Cùng lúc đó, ta bao vây đồn biệt kích địch ở Plei Me. Quân địch điều một chiến đoàn ngụy đến giải vây. Ta mở trận giao thông chiến đón đánh quân cứu viện, diệt 68 xe cơ giới các loại, loại ra khỏi vòng chiến đấu chiến đoàn ngụy này. Đó là ngày 23-10-1965.

Lập tức quân Mỹ dùng chiến thuật nhảy cóc bằng trực thăng vận, lần lượt đổ quân đóng chốt từ xa đến gần tại các điểm B1, B2, B3,… để chặn đường rút lui của quân ta. Đồng thời dùng B52 rải thảm bom phát quang để tiêu diệt hoặc sát thương quân ta trên đường hành quân, tập kích vào các điểm chốt của chúng.

 

Bức ảnh Anh hùng Núp và bác sĩ Nguyễn Khắc Quảng chụp năm 1993 tại Hà Nội, vẫn được bác sĩ Quảng cất giữ trân trọng (ảnh chụp lại).
Bức ảnh Anh hùng Núp và bác sĩ Nguyễn Khắc Quảng chụp năm 1993 tại Hà Nội, vẫn được bác sĩ Quảng cất giữ trân trọng (ảnh chụp lại).

Nhưng nhờ có hầm rào vững chắc và đã ém sẵn từ trước nên lính ta vẫn an toàn. Bộ Tư lệnh lập tức phát lệnh cho pháo binh nã pháo vào các trận địa địch vừa đóng chốt, hầm hào còn sơ sài. Và bộ binh chớp nhoáng đánh vào các điểm chốt đó. Bị bất ngờ, quân Mỹ bị tiêu diệt gọn một tiểu đoàn và một tiểu đoàn khác bị thiệt hại nặng, tạo điều kiện cho chiến dịch Plei Me mùa khô 1965-1966 thắng lợi giòn giã. Lực lượng vũ trang Tây Nguyên vinh dự được Bộ Chỉ huy Miền tặng một lúc 2 Huân chương Quân công Giải phóng hạng nhất vì lập công xuất sắc và đã tiêu diệt một tiểu đoàn bộ binh Mỹ đầu tiên trên chiến trường miền Nam.

Nụ hôn nhớ đời

Đầu năm 1967, Bộ Tư lệnh B3-Mặt trận Tây Nguyên-mở Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua. Các anh hùng chiến sĩ thi đua mắc võng nghỉ đêm trong những khung lán tạm, phủ bạt. Đúng lúc ấy, vị Tư lệnh kiêm Chính ủy của Mặt trận bảo tôi (tác giả viết bài này) cùng đi với ông tới thăm các lán. Ông bảo, không được giới thiệu ông với mọi người mà lẳng lặng đi ngang qua để quan sát. Tôi chỉ giới thiệu với ông: Lán đó thuộc đơn vị nào, mà chỉ nói nhỏ vừa đủ để ông nghe thấy.

Trăng sáng vằng vặc, ánh sáng lọt qua cánh rừng bằng lăng lung linh, khiến các chiến sĩ thêm vui. Họ bàn tán về đội văn nghệ xung kích của Mặt trận vừa biểu diễn hồi hôm khá sôi nổi. Rồi họ lại chuyển qua những đề tài khác. Nào là Bộ Tư lệnh rất tâm lý: Thấy anh em từ chiến trường về, quần áo, giày dép chẳng ra sao cả, liền lệnh cho hậu cần phát ngay cho mỗi người một bộ quần áo và đôi dép cao su. Họ còn nghe được câu nói của Tư lệnh kiêm Chính ủy: “Anh chị em không tiếc xương máu, nên ta càng không thể tiếc mấy bộ quần áo, mấy đôi dép”. Giữa lúc các cơ quan, đơn vị phục vụ phía sau đã 4 năm qua chưa được cấp phát một thứ gì, chủ yếu tự vá víu lấy mà mặc, tự đi lấy lốp xe địch bị bắn cháy làm dép, do chiến trường còn nhiều khó khăn.

Sáng hôm sau khai mạc Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua thì được tin một chiến sĩ bắn rơi một chiếc trực thăng và bắt sống tại trận tên phi công Mỹ. Chiến sĩ ấy liền được triệu tập về dự Đại hội. Ban tổ chức Đại hội giới thiệu người chiến sĩ ấy lên sân khấu. Lập tức từng tràng pháo tay rộ lên như sấm dậy. Tư lệnh trưởng kiêm Chính ủy ngồi hàng ghế đầu vội nhanh nhẹn bước lên, ôm chầm lấy người chiến sĩ bé nhỏ ấy và hôn lấy hôn để. Mái đầu bạc ôm âu yếm mái đầu xanh. Cả hội trường đứng dậy vỗ tay không dứt.

Thật là những nụ hôn hiếm có, nụ hôn nhớ đời, nụ hôn dành cho tất cả mọi người có mặt trong hội trường, nụ hôn của lớp người già dành cho những “Hoài Văn Hầu” thế hệ Hồ Chí Minh. Ông đúng là vị Tư lệnh kiêm Chính ủy của Mặt trận, ông xứng đáng được Bác Hồ đặt cho danh hiệu: “Chú Hai Mạnh!”-Mạnh cả quân sự và mạnh cả về chính trị-ông là Đại tướng, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam: Chu Huy Mân.

Nguyễn Khắc Quán

Có thể bạn quan tâm