Trong giai đoạn 2016-2020, với việc đưa tỉ lệ nghèo từ 9,88% (năm 2015) xuống còn 3,75% vào năm 2019 và dự kiến dưới 3% trong năm 2020, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích trước Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc về giảm nghèo.
Đây là những số liệu được công bố tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, tổ chức sáng 11-12.
Thông tin từ hội nghị này cũng cho biết mặc dù ngân sách còn nhiều khó khăn trong giai đoạn 2016-2020 nhưng Quốc hội, Chính phủ đã tăng nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo gấp 2 lần so với giai đoạn trước. Việt Nam là nước có mức cao nhất trong số các nước ASEAN khi dành tới 21% ngân sách nhà nước cho phúc lợi xã hội. Ngay cả trong đại dịch Covid-19, Việt Nam đã có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho 13 triệu người, với các mức độ khác nhau.
Đây là những thông tin rất đáng mừng về một giai đoạn phát triển của đất nước; đồng thời, cũng là cơ sở để khẳng định rằng Đảng và nhà nước ta đã luôn nhất quán quan điểm phát triển kinh tế gắn với xã hội, môi trường, trong đó luôn chú trọng giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội.
Bên cạnh thành công đó, cũng cần thừa nhận rằng kết quả lẽ ra còn cao hơn nữa, nếu không vì quá trình thực hiện vẫn còn nhiều lực cản.
Lực cản ấy có thể thấy được từ một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với địa bàn nghèo, khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa hiệu quả; kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, dễ tái nghèo; chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, các nhóm dân cư chưa được thu hẹp. Nhiều nơi tỉ lệ nghèo vẫn còn trên 50%. Tỉ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm còn cao. Chuẩn thu nhập trong chuẩn nghèo hiện nay chỉ bằng 45% chuẩn mức sống tối thiểu, chưa được điều chỉnh kịp thời...
Đặc biệt, rất đáng nói là hành vi trục lợi chính sách giảm nghèo. Chuyện để vợ, con, người thân "lạc" vào diện hộ cận nghèo ở 2 huyện Thiệu Hóa, Nga Sơn, rồi nhiều hộ dân đi ôtô, ở nhà lầu vẫn "lọt" vào danh sách hộ cận nghèo ở huyện Yên Định (cùng tỉnh Thanh Hóa); hay việc ăn chặn, bớt xén gạo cứu đói ở huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông... mà báo chí phanh phui vừa qua, đều là những chuyện lâu nay xảy ra ở nhiều địa phương, minh chứng cho mặt trái trong việc giảm nghèo. Những hành vi như thế không chỉ làm giảm cơ hội thoát nghèo của người nghèo mà còn làm tăng nguy cơ tái nghèo, suy giảm niềm tin của dân chúng vào một chính sách tốt đẹp.
Cuộc chiến chống đói nghèo trên thế giới bị thụt lùi một thập niên. Tổ chức Oxfam (một liên minh quốc tế của 20 tổ chức làm việc tại 94 quốc gia để tìm giải pháp lâu dài cho nghèo đói và bất công) ước tính đại dịch Covid-19 sẽ khiến khoảng hơn 8% dân số thế giới lâm cảnh nghèo đói. Đây là thử thách lớn đối với cuộc chiến chống đói nghèo toàn cầu, Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Hướng tới tầm nhìn đến năm 2045 "Vì một Việt Nam không có đói nghèo", bên cạnh những nỗ lực về chính sách, chúng ta cần phải quyết liệt xóa bỏ các lực cản. Nói như mệnh lệnh đã được người đứng đầu Chính phủ đưa ra là: "Giảm nghèo trong thời gian tới là công việc của cả trí tuệ và trái tim".
LƯƠNG DUY CƯỜNG (NLĐO)